Giấc mơ Cơ Tu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/11/2023 08:17

Phía núi Quảng Nam, có nhiều dân tộc anh em sinh sống nhưng người Cơ Tu chiếm số đông, với khoảng hơn 55 nghìn người, bằng ba phần tư số người Cơ Tu của cả nước. Bởi thế, dòng chảy văn hóa với giấc mơ Cơ Tu được quan tâm nhiều khi nói đến vùng cao.

Bao nhiêu thăng trầm đã trôi qua do chiến tranh ly loạn, biển đổi của tự nhiên và xã hội, văn hóa Cơ Tu với những giá trị vật thể, phi vật thể cũng mất mát, phai nhạt rất nhiều bản sắc truyền thống. Vậy nên mỗi khi nghe đâu đó có việc bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa Cơ Tu lại khấp khởi mừng.

Chẳng hạn ở Đông Giang thời gian qua đã sưu tầm được 76 mô hình, vật dụng đặc trưng của đồng bào như cây nêu, hòm đôi; nhạc cụ có trống, chiêng, đàn abel, đàn ahen, sáo, tù và; đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất như gùi nam, gùi nữ, vợt xúc cá, nỏ; trang phục thổ cẩm và vỏ cây…

Văn hóa phi vật thể có bộ tài liệu sưu tầm các câu chuyện kể về sự tích dòng họ, các bài tế cúng trong lễ hội, những bài hát lý, hát giao duyên, điệu múa cổ truyền (tâng tung da dá). Nếu cả Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam), Hòa Vang (Đà Nẵng), Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế), đều sưu tầm được nhiều hiện vật hơn nữa, có lẽ bảo tàng riêng về dân tộc Cơ Tu ở Việt Nam càng thêm phong phú.

Kể đến đây thì lại nhớ anh Nguyễn Tri Hùng, người nhiều năm lăn lộn với vùng núi Quảng Nam để khảo cứu nhiều giá trị đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa Cơ Tu.

Sinh thời, trong những lúc trà dư tửu hậu anh Hùng thường kể say sưa câu chuyện gốc tích các dòng họ. Như với người Cơ Tu, truyền thuyết họ Hiên là họ “con ong” sinh thành trên những nà rẫy lang thang bao miền đất du canh du cư. Họ Ria là sự tích về chàng trai đi qua dòng suối không bị ướt nhờ đào đường ngầm như “cái rễ cây”. Họ Pơ loong, là “trôi”, kể sự tích trái ươi được chàng trai ném trôi theo dòng suối rồi nàng sơn nữ ăn phải mà đậu thai, sinh ra một người con tuấn tú.

Còn nhiều tên gọi những dòng họ khác, là con kiến (Bhing), con cá (Abing), con tắc kè (Arất), con gấu (Arâl), con vượn (Avô)… đều gắn với các câu chuyện, sự tích thú vị, huyền bí, truyền đời trong cộng đồng người Cơ Tu.

Nguyễn Tri Hùng cũng đã sưu tầm khá nhiều sự tích các dòng họ của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam, dự kiến biên soạn lại thành bộ sách đồ sộ nhưng anh không may đoản mệnh về miền mây trắng mà chưa kịp thực hiện giấc mơ đẹp của mình.

Giấc mơ bảo tồn và phục hưng văn hóa Cơ Tu, hẳn luôn ấp ủ trong nhiều người con của núi. Tuy nhiên sự thôi thúc cuộc sống với mưu sinh có lẽ đã và đang làm trôi đi nhiều dự định.

Và ở góc độ lý trí người viết suy nghĩ, nếu những người con Cơ Tu có trình độ học vấn cao, tích tụ được kiến thức sâu rộng và trải nghiệm về đồng bào mình, gắn thao thức đời mình với những cây cao bóng cả trong dòng họ, cộng đồng làng, thì chắc sẽ dễ thu nhận nhiều hơn, sưu tầm và biên soạn tốt hơn các công trình văn hóa Cơ Tu chuyên biệt.

Song rất tiếc chưa có nhiều những người như thế ở thời hiện tại. Người viết bài này từng ấp ủ một giấc mơ về Alăng Thớ, người Cơ Tu đầu tiên được nhận học vị tiến sĩ tại Úc, anh đã hoàn thành đề tài nghiên cứu về tiếng nói và sự hòa nhập của người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở môi trường công sở.

Alăng Thớ đã truyền cảm hứng để đồng bào mình theo đuổi hành trình học tập lên cao, nhưng tôi cứ nghĩ nếu Thớ có dịp trở về đóng góp cho cộng đồng Cơ Tu bằng cách tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu văn hóa của đồng bào mình, thì sẽ thuận lợi hơn nhiều so với một người Kinh nào đó.  

Đành để giấc mơ còn treo trên mây núi lững lờ!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO