Những giọt nước mắt đã rơi giữa núi rừng Nam Giang, đớn đau, tiếc nuối, xót xa… Cái nóng bức ngày hè không đủ xua tan ám ảnh lạnh lẽo bởi cái chết của 4 phu vàng. Giấc mơ của những phận lao động nghèo tha hương, một lần nữa không đến từ những hầm vàng…
1.Bốn người tử vong trong hầm vàng trái phép do ngạt khí. Rất nhanh, hình ảnh về vụ việc được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật. Với Quảng Nam, nơi các bãi vàng cất giữ giấc mơ đổi đời hay cuộc mưu sinh cơm áo của vô vàn phận người nghèo khó, những cái chết ấy không còn là chuyện họa hoằn, nhưng ám ảnh thì vẫn còn đó. Những phu vàng vắn số hầu như đều có mẫu số chung là nghèo, ít học, chật vật với áo cơm nên lao vào cơn lốc xoáy của vàng, chỉ để mưu sinh. Tất nhiên, chẳng ai nghĩ rằng mình phải đánh cược không chỉ mồ hôi, mà cả máu, và lớn hơn nữa, là sinh mạng của chính mình…
Tại một hầm vàng khai thác trái phép ở xã Tư, Đông Giang (Ảnh ghi lại được vào năm 2012). Ảnh: THÀNH CÔNG |
Cách đây 3 năm, một vụ sập hầm vàng tương tự cướp đi mạng sống của 2 người dân vùng cao Đông Giang. Những xóm nghèo tang thương, còn vùng cao thì một phen chấn động với tin dữ từ bãi vàng. Ở xứ sở mà khai thác vàng trái phép đã trở thành “công nghệ”, rừng núi nhiều nơi tan hoang với vàng, có hàng trăm người ngày đêm sống tạm bợ trong các lán trại, dầm dãi với hàng chục mét khối đất đá mỗi ngày để mót vét từng hạt bụi vàng sa khoáng. Hầm sập, người chết, nhưng cám dỗ từ vàng và những khó nhọc của cuộc mưu sinh lại đẩy vô vàn phu vàng bất chấp lời cảnh báo hiện hữu ấy mà lao vào những cuộc “đánh bạc với đất”. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”! Là nước mắt, là mồ hôi, là máu nữa, đã đổ xuống những cánh rừng, để đổi lấy giấc mơ mỏng manh dễ dàng đổ sập như những hầm vàng kia giữa rừng thiêng nước độc…
2.Không ít lần, tôi có dịp gặp những phu vàng ở vùng cao, trong các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, hay thâm nhập thực địa khai thác vàng tại nhiều điểm nóng. Số phận của các phu vàng luôn là một nốt trầm khắc khoải trong vô vàn câu chuyện nhức nhối của vấn nạn này. Trong số đó, có cả những đứa trẻ chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi. Đủ quê. Xa thì Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa. Gần thì là lao động địa phương, người đồng bào thiểu số. Phần lớn trong số họ ít học, nhà làm nông, không đủ ăn nên theo các chú, các anh ở quê vào các bãi vàng làm thuê kiếm sống. Tôi gặp Hà Văn C. , chỉ mới mười bảy tuổi, quê tít tận Tương Dương (Nghệ An). C. và hai người anh em họ vào làm thuê cho một chủ bãi ở xã Tư, một điểm nóng rộ lên nạn khai thác vàng sa khoáng ở vùng cao Đông Giang. C. kể, sáu lao động cùng làm chung một hầm. Nước được hút từ một hầm trữ nước vốn là hầm vàng đã khai thác, qua máy bơm áp lực lớn để xịt vỡ từng mảng đất đá. Sau khi dọn bỏ các hòn đá lớn, số đất đá này được hút lên máng vàng bằng một máy hút khác công suất lớn hơn, rồi từ đó lắng lại dưới các máng lọc. Hầm được khoét sâu dần, đến tận lớp “ghềnh”, là lớp đất sét cuối cùng sau khi bóc tách đất sâu có khi đến 7 - 8 mét. Trong những hầm vàng ấy, chuyện đá rơi vào người, hay đất sập do vòi rồng phun xịt không còn hiếm. Có bận tảng đá lớn lăn xuống sát ngay chỗ C. đang đứng xịt vòi rồng, chỉ có may mắn mới cứu nổi khi chân em đang chôn chặt trong lớp bùn đất dày dưới chân. Nhưng em không có lựa chọn khác, ngày ngày sống trong túp lều dựng trộm giữa rừng, lén lút, không tiền bạc và hoàn toàn xa lạ nơi đất khách quê người. Tiền lương chủ bãi chỉ trả sau khi bán vàng, và mỗi tháng, em lại phải gửi phần lớn về cho ba mẹ và những đứa em ở quê còn đang đi học… Khai thác kiểu “truyền thống” như thế còn ít rủi ro. Đối với làm “vàng hầm”, tức đào sâu vào lòng núi, hay các tàu cuốc trên sông, độ nguy hiểm cao hơn hàng chục lần. Sơ sẩy, những cái chết có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Như buổi chiều ngày 12.4 định mệnh vừa qua, với 4 mạng người, trong đó có 3 anh em ruột, vĩnh viễn không trở về…
3.Có bao nhiêu phu vàng vẫn đang bất chấp những hiểm họa mà dầm mình trong các bãi vàng trái phép ở vùng cao? Bao nhiêu giấc mơ về một cuộc đổi đời đầy may rủi với vàng? Bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người lạnh lẽo?
Vàng, máu, và nước mắt, là câu trả lời đắng cay của nhiều người trắng tay trở về sau giấc mộng kia. Nhưng so ra, họ còn là người may mắn.
Ở Phước Sơn, có hẳn một “nghĩa địa phu vàng” dành cho những phận người vắn số cuối đường băng sân bay Khâm Đức cũ. Nhưng dòng người đổ về các bãi vàng vẫn dài dằng dặc mỗi mùa, như cuộc thiên di của những cánh chim mỏng manh chỉ để sinh tồn, cho mình và gia đình trong cuộc sống chật vật.
Không thể gọi là tai nạn, càng không thể phó mặc cho những khó nghèo đẩy xô hàng trăm, hàng nghìn người lao vào những “giấc mơ vàng”. Đó là tội ác! Của những kẻ bất chấp luật pháp khai thác vàng trái phép, bất chấp rủi ro đẩy những phu vàng vào các hầm, các bãi. Để rồi, trả giá cho sự liều lĩnh đó, lại là mạng sống các phu vàng.
Phận người mỏng manh lắm, nhất là trong những hầm vàng. Chết vì hầm sập, chết vì ngạt khí, chết vì những cuộc giết hại như vụ việc 2 phu vàng bị sát hại giữa rừng xã Tư (Đông Giang) năm 2011…
Những cái chết đầy xót xa trong các bãi vàng, những cái giá phải trả quá lớn. Để biết, có những giấc mơ vĩnh viễn không thể đến từ vàng…
THÀNH CÔNG