Sau những ồn ã của một thời, thủ phủ vàng Bồng Miêu chừng như yên vắng hơn so với nhiều năm trước. Câu chuyện đóng cửa mỏ vẫn nhì nhằng, để những phận đời gắn mình với vàng qua hàng chục năm vẫn cùng một mẫu số chung: nghèo, từng ngày đánh đổi sinh mạng của chính mình. Chính quyền địa phương thì phải gồng mình với hệ lụy liên quan đến mỏ vàng.
1. Hàng quán ở ngã ba An Lâu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) thưa vắng. Cái nắng hè dội xuống con đường nhựa, bụi bốc lên sau những chuyến xe họa hoằn chạy qua. Nơi này, từng một thời sầm uất bán mua, khi người tứ xứ đổ về Bồng Miêu, lầm lụi tiến vào bãi vàng.
Những cuộc thiên di của bao phận người mang theo giấc mơ đổi đời, mang theo cuộc mưu sinh cơm áo của không ít phận người nghèo khó. Đầu tháng 5 vừa qua, thêm một người bỏ mạng do bị đá đè, những hầm vàng trong góc núi Bồng Miêu lại một lần nữa là nghĩa trang chôn vùi mơ ước của bao phu vàng vắn số.
Đã 80 tuổi, quá nửa đời gắn với mảnh đất Bồng Miêu, ông Nguyễn Minh vẫn còn nhớ những thăng trầm của mỏ vàng từng được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á này. Mười ba tuổi, ông Minh đã biết giã quặng vàng trong cối sắt, ngâm quặng, dùng nắp nồi bánh tét để đãi vàng.
“Tọ mọ” - từ địa phương chỉ việc đào đãi vàng sa khoáng thủ công, từng là nguồn sống của rất nhiều gia đình qua hàng chục năm. Những hạt vàng cám li ti đủ để họ có ăn ngày ba bữa, chỉ với vài tiếng đồng hồ bòn mót dọc sông suối mỗi ngày. Hơn ba mươi năm dân sống nhờ vàng, nhưng số giàu có thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tại văn bản số 99/BC-UBND tỉnh, ngày 28.6.2021, về trả lời ý kiến cử tri trong tỉnh (sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV) đối với đề nghị UBND tỉnh xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực vào tiếp tục đầu tư, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) thay vì cho đóng cửa mỏ vừa tốn kém kinh phí, vừa gây khó khăn trong quản lý, nhất là tình trạng khai thác trái phép. UBND tỉnh trả lời như sau: vấn đề này, UBND tỉnh đã có Công văn số 5278/UBNDKTN ngày 10.9.2020 về việc đề nghị lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản 4 tại mỏ vàng Bồng Miêu, tỉnh Quảng Nam; trong đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư mới để thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng còn lại, làm cơ sở cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu thay vì quyết định đóng cửa mỏ. Theo ý kiến trả lời của Bộ TN&MT tại Công văn số 5936/BTNMT-ĐCKS ngày 23.10.2020: việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và việc lựa chọn nhà đầu tư thăm dò, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành việc đóng cửa mỏ. Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ và sớm giải quyết các nội dung còn vướng mắc liên quan đến các quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản.
Cũng có quá nửa đời người ăn núi, ngủ rừng, rồi từ Bồng Miêu đi khắp các bãi vàng có tiếng trong tỉnh như Khe Vinh (Nam Giang), Phước Thành, Phước Hiệp (Phước Sơn), ông Phạm Công Minh trở về căn nhà cũ, gần như tay trắng.
Nhiều năm về trước người làng Bồng Miêu mỗi ngày kiếm được có khi cả chỉ vàng. Dân truyền nhau, rồi kéo vào hầm lò khai thác, chui rúc trong những “địa đạo” luồn hàng trăm mét dưới lòng núi.
“Làm nông ở đây khổ quá, dân bắt đầu đi làm vàng. Trốn chui trốn nhủi trong núi, ngày kiếm vài phân, trúng thì được cả chỉ vàng. Người gốc ở đây có 46 hộ thôi, mà giờ dân tứ xứ tràn ngập. Mà rồi cũng có ra chi đâu. Có người chết không lấy xác được, hầm vàng thành mồ chôn phu. Hồi có nhà máy thì rộ lên được đâu chừng chục năm, tới khi nhà máy đóng cửa, mọi thứ lại quay về như cũ. Là vẫn làm vàng, vẫn trốn chui trốn nhủi, vẫn cực” - ông Minh nói.
Cả một đời theo đuổi giấc mơ vàng, hẳn các phu vàng hiểu hơn ai hết những cay đắng của nghề, cả những hiểm họa chực chờ trong lòng núi. Nhưng ở đó, vẫn là thứ hấp lực ghê gớm lôi kéo bao người bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, bất chấp nguy hiểm, thậm chí chấp nhận đánh đổi cả máu của mình.
2. Dân bản xứ hình như đã quá quen với những tin dữ bay về từ bãi vàng. Tang thương đổ xuống nhiều gia đình, nhưng rồi lại qua rất nhanh, lặng lẽ. Cái chết không đủ để cảnh báo người dân ngưng lao vào những hầm mỏ.
Một cán bộ thôn chia sẻ, khi cơn lốc vàng ở các hầm mỏ dưới lòng đất đổ đến Tam Lãnh, công nghệ khai thác cũng theo đó mà phát triển rất nhanh. Tốc độ hủy hoại cũng tỷ lệ thuận với công nghệ. Nhiều hộ liên kết với nhau thành một nhóm, mang máy móc vào sâu trong núi.
Đồi Sim, Lò 10, bãi Thầu Đâu, Hố Lò, Thác Trắng, những địa danh không còn xa lạ với dân làm vàng ở Bồng Miêu. Chằng chịt những hầm lò trong lòng núi. Máy móc cơ giới ầm ào tiến vào rừng, khai thác trái phép.
“Làm vàng mà như… làm sân bay. Từ vài chục hộ, thôn Bồng Miêu giờ có đến 380 hộ, tức là chỉ khoảng chưa đầy 20% là người dân bản địa. Một nửa làm vàng, một nửa làm nông. Vàng đã hết dần rồi. Đầu tư một dàn khai thác cả trăm triệu đồng, chỉ có những người máu mặt mới đầu tư. Số còn lại phần lớn là bòn mót, đánh đu số phận với rủi may trong hầm vàng, hoặc chấp nhận làm thuê cho các chủ bãi” - vị này nói.
Ở xứ sở mà khai thác vàng trái phép đã trở thành “công nghệ”, rừng núi nhiều nơi tan hoang với vàng, có hàng trăm người ngày đêm sống tạm bợ trong các lán trại, dầm dãi với hàng chục mét khối đất đá mỗi ngày để mót vét từng hạt bụi vàng.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”! Là nước mắt, là mồ hôi, là máu nữa, đã đổ xuống những cánh rừng, để đổi lấy giấc mơ mỏng manh dễ dàng đổ sập như những hầm vàng kia giữa rừng thiêng nước độc…
Đằng sau giấc mơ vàng, là rất nhiều hệ lụy. Chính quyền địa phương khẳng định, không thể phủ nhận một bộ phận người dân Tam Lãnh có kế sinh nhai, sống qua ngày nhờ mỏ vàng Bồng Miêu.
Mười năm, thời gian mà công ty khai thác vàng Bồng Miêu hoạt động, mỏ vàng này đã giải quyết rất tốt sinh kế của người dân. Tuy nhiên, khi nhà máy dừng hoạt động, ngổn ngang hệ lụy để lại mà việc giải quyết vẫn loay hoay, kéo dài suốt từ 2017 đến nay.
Môi trường ô nhiễm, an ninh trật tự phức tạp, nợ nần của người dân, của công nhân nhà máy không được giải quyết. Nguy hiểm nhất là những tác động về môi trường nước và môi trường không khí. Sau khi mỏ vàng dừng hoạt động, khu vực mỏ thuộc về Nhà nước quản lý, địa bàn quá rộng dẫn đến an ninh trật tự phức tạp do người tứ xứ đổ về khai thác, tình trạng tai nạn, chết người thường xuyên xảy ra.
Diện tích của cả khu vực có nhà máy hơn 365ha, địa phương không đủ lực lượng để bảo vệ. Đó là chưa kể người dân làm vàng với công nghệ mới, sử dụng cyanua để tuyển lọc vàng, tàn phá rừng đầu nguồn, đất sản xuất lâm nghiệp và nguồn nước. Việc truy quét, đẩy đuổi được thực hiện nhiều lần nhưng kết quả mang lại là không đáng kể.
3. Mong muốn lớn nhất của chính quyền xã Tam Lãnh - tất nhiên là sớm giải quyết những vấn đề tồn tại của mỏ vàng Bồng Miêu. Ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh chia sẻ, hệ thống văn bản liên quan đến việc chỉ đạo giải quyết khá nhiều song vẫn chưa có giải pháp nào thực sự đủ mạnh.
“Địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị các cấp sớm có kế hoạch phục hồi diện tích mỏ vàng Bồng Miêu đã khai thác lộ thiên để hoàn trả cho nhân dân sản xuất, sau khi tầng môi sinh bị bóc hoàn toàn phục vụ cho việc khai thác vàng.
Quan điểm của địa phương là nên kêu gọi nhà đầu tư xứng tầm để khai thác, quản lý hiệu quả, vừa đem lại nguồn lợi, đóng góp ngân sách cho Nhà nước, giải quyết lao động và ổn định an ninh, môi trường.
Nếu tình trạng hiện tại vẫn kéo dài, đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT quản lý do địa phương không còn đủ năng lực đảm đương một diện tích quá lớn như mỏ vàng Bồng Miêu” - ông Nguyễn Tấn Hòa nói.
Hàng trăm phu vàng vẫn đang bất chấp hiểm họa, dầm mình trong các hầm vàng trái phép ở Bồng Miêu, chấp nhận đánh cược trong cuộc chơi đầy may rủi với vàng. Vàng, máu, và nước mắt, là câu trả lời đắng cay của nhiều người trắng tay trở về. Nhưng so ra, họ còn là người may mắn. Đã có quá nhiều cái chết xót xa trong các bãi vàng, những cái giá phải trả quá lớn. Để biết, có những giấc mơ vĩnh viễn không phải từ vàng…