"Giấc mơ" Mái ấm Hướng Dương

PHAN LÊ CHÂU NỮ 01/08/2013 08:12

Tôi trở lại Cơ sở Mái ấm Hướng Dương (số 79 Tiểu La, Tam Kỳ) khi năm học mới sắp bắt đầu. Với tôi, mọi thứ dường như không thay đổi, vẫn ngôi nhà thuê ấy, vẫn những bộ bàn ghế cũ, và trong tôi cũng vẫn niềm day dứt cũ là cùng cộng đồng làm gì đây để giúp những em bé bất hạnh ở mái ấm này có môi trường, điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.

Thầy giáo Đặng Ngọc Duy và các em ở Cơ sở Mái ấm Hướng Dương.Ảnh: CHÂU NỮ
Thầy giáo Đặng Ngọc Duy và các em ở Cơ sở Mái ấm Hướng Dương.Ảnh: CHÂU NỮ

Trái tim không tật nguyền

Năm học này, số học sinh ở Mái ấm Hướng Dương là 21 em, tăng 5 em so với năm ngoái. Việc chăm lo cho 21 học sinh bị các dị tật như câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, khiếm thị hoặc mồ côi cha mẹ... đối với thầy giáo khiếm khị kiêm chủ Cơ sở Mái ấm Hướng Dương - Đặng Ngọc Duy hẳn rất gian nan. Nhưng Duy không nghĩ vậy. “Mình từng chìm đắm trong tuyệt vọng, bất hạnh,... rồi sau đó may mắn được đến trường (Duy đã tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa Ngữ văn - NV), được hòa nhập cộng đồng. Do vậy, mình quyết tâm lập ra cơ sở này với hy vọng có thể giúp đỡ những em có số phận giống mình được hòa nhập cộng đồng. Được sẻ chia cùng các em, mình cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn...”  - lời Đặng Ngọc Duy.

Cơ sở Mái ấm Hướng Dương được thành lập theo quyết định số 5935/QĐ-UBND ngày 17.12.2009 của UBND TP.Tam Kỳ. Cơ sở có nhiệm vụ tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật trong và ngoài địa bàn TP.Tam Kỳ; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề tại chỗ...

Ngày 13.3.2013, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã giao cho Cơ sở Mái ấm Hướng Dương 800m2 đất tại khu dân cư phía tây đường An Hà - Quảng Phú, phường An Phú (TP.Tam Kỳ) để xây dựng cơ sở. Theo phương án xây dựng, cơ sở mới bao gồm khu nội trú, nhà ăn, nhà bếp, khu học tập, phòng hành chính, với tổng kinh phí dự toán khoảng 4 tỷ đồng.

Bao giờ cũng vậy, các em ở Mái ấm Hướng Dương rất vui và ngay lập tức vây quanh khi có khách đến thăm. Vì đều mang trong mình dị tật, nên mỗi em bày tỏ tình cảm theo cách của riêng mình. Trần Thị Mỹ Lan (16 tuổi, vừa bị khiếm thị, vừa thiểu năng trí tuệ) - một trong những học sinh lớn tuổi của cơ sở - chỉ cần nghe giọng là nhận ra người quen. Hôm tôi đến, Lan kể bao nhiêu chuyện. Năm nay Lan nghỉ hè 1 tháng, được về nhà ở xã Tam Hòa (Núi Thành) với bà nội đã 87 tuổi. Lan bảo, về quê cũng vui nhưng rất nhớ mái ấm, chỉ mong đến ngày gặp lại thầy Duy và các em ở đây. Và rồi Lan cất tiếng hát, bài “Cả nhà thương nhau”. Giọng Lan vút cao, tự tin, khỏe khoắn... nên không ai nghĩ rằng đó là giọng ca của một trẻ bất hạnh bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Rồi em Nguyễn Công Tài (9 tuổi, quê Duy Xuyên, bị mù cả hai mắt) cũng khoe vừa tham gia Hội diễn Hoa phượng đỏ TP.Tam Kỳ và đoạt giải khuyến khích với bài “Trái tim không tật nguyền” do thầy giáo Duy sáng tác. Hay như em Ung Tấn Quốc (Núi Thành), bị câm điếc nên chỉ có thể “nói” bằng ngôn ngữ ký hiệu, và được cô giáo Võ Thị Ngọc Ân “phiên dịch”. Quốc khoe em đã biết nhắn tin “trò chuyện” với cô giáo và đọc báo trên internet. “Khó khăn nhất của người câm điếc là giao tiếp, nhưng nhờ sự nỗ lực của chính các em và tấm lòng của cô giáo Ngọc Ân, các em đã vượt cản ngại này để có thể hòa nhập cộng đồng” - Duy nói.

Niềm vui chưa trọn

Do phạm vi và quy mô của Mái ấm Hướng Dương, hiện nay, chỉ những em ở cấp tiểu học mới được dạy văn hóa tại mái ấm; còn từ cấp THCS trở lên phải học hòa nhập và riêng những em bị thiểu năng trí tuệ còn phải thực hiện thêm các giải pháp hướng nghiệp. “Trong năm học này, cơ sở có 1 em học ở trường THCS Nguyễn Du, 2 em học ở trường THPT Hà Huy Tập.  Cơ sở sẽ tiếp tục duy trì việc dạy văn hóa xen kẽ dạy năng khiếu, như dạy âm nhạc cho các em khiếm thị, dạy mỹ thuật cho các em câm điếc” - thầy giáo Đặng Ngọc Duy cho biết thêm. Ngoài sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, Mái ấm Hướng Dương còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, tuy không nhiều, nhưng rất đáng quý của cộng đồng. Có người, cứ vài ba tuần lại mang đến cho một ít bánh kẹo, vài chục cân gạo. Có người thỉnh thoảng mang đến cho ít tiền, quần áo... Cá biệt như cô giáo về hưu Dương Thị Minh Tâm, hằng tuần đều tình nguyện tham gia dạy cho các em ở mái ấm này. Những tấm lòng nhân ái như vậy dần được nhân lên, góp phần nào vật chất và động lực tinh thần để thầy Duy có thêm điều kiện chăm lo cho các em  tốt hơn.

Mới đây, thêm một niềm vui nữa đến với Mái ấm Hướng Dương: Cơ quan chức năng đã có quyết định giao đất cho Mái ấm ở phường An Phú (Tam Kỳ) để xây dựng cơ sở hoạt động. Vậy là sau bao nhiêu lần ngược xuôi, ước mơ có một mảnh đất để xây dựng trường lớp, nơi ăn ở, sinh hoạt... nhằm dạy dỗ các em tốt hơn đã thành hiện thực. Phương án xây dựng chi tiết cũng đã được lập qua từng giai đoạn... Tuy nhiên, niềm vui ấy đi cùng với nỗi lo, bởi từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, toàn bộ chi phí phục vụ việc dạy dỗ, chăm sóc, lo cái ăn, cái mặc cho các em đều do một tay thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy quyên góp, vận động từ các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm. Nay được giao đất, việc tìm kinh phí để triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở mới quả là một thách thức quá lớn và nặng nề. Nếu không có sự giúp sức mạnh mẽ hơn nữa từ các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, “giấc mơ” về một mái ấm mới không dễ gì có được...

PHAN LÊ CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Giấc mơ" Mái ấm Hướng Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO