Giấc mơ nhà ở xã hội

TRẦN HỮU 21/06/2016 11:35

Người thu nhập thấp, công nhân đang làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lâu nay vẫn mơ ước được sống gần nhà máy, xí nghiệp. Thấu hiểu điều này, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng căn hộ cho công nhân để “giữ chân” họ lao động lâu dài.

Công trình nhà ở cho công nhân rộng 15.000m2 tại phường An Phú đang thi công, dự kiến tháng 9 đưa vào sử dụng giai đoạn 1.Ảnh: HỮU PHÚC
Công trình nhà ở cho công nhân rộng 15.000m2 tại phường An Phú đang thi công, dự kiến tháng 9 đưa vào sử dụng giai đoạn 1.Ảnh: HỮU PHÚC

Kích hoạt…

Tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc, mấy năm nay áp lực không nhỏ cho chính quyền là giải bài toán về hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội cho công nhân. Chưa có nhà chung cư, người lao động chọn cách thuê phòng trọ từ nhà dân gần các nhà máy, xí nghiệp để tiện đi làm việc. Nhưng thực tế hệ thống nhà trọ thường tạm bợ, chật chội và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Chị Trần Thị Hạ (quê xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) lao động trong một nhà máy may mặc thuộc KCN Điện Nam - Điện Ngọc hơn 3 năm nay. Gia đình chị ăn ở trong căn phòng trọ thuê vỏn vẹn 10m2. Hạ thổ lộ: “Em thu nhập mỗi tháng gần 4 triệu đồng, nhưng tiền thuê nhà ở, phí điện, nước tốn ngót nghét 1 triệu đồng. Khổ nỗi là phòng trọ chật chội, hệ thống cấp thoát nước vào mùa mưa không đóng bít, chủ nhà lại liên tục thay đổi giá cho thuê. Với công nhân, lo nhất là di chuyển chỗ ở”. Theo Hạ, nếu được sinh hoạt trong các tòa nhà chung cư, hay nhà ở liền kề do doanh nghiệp đầu tư, công nhân sẽ đỡ bớt vất vả, lại được thuê lâu dài với giá ổn định hơn. Hàng nghìn công nhân từ các địa phương khác đến KCN Điện Nam - Điện Ngọc làm việc cũng có tâm trạng chung là không hài lòng với chỗ ở như Hạ.

Chân ướt chân ráo đến xứ Quảng làm ăn, nhưng Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng - một nhà đầu tư Hàn Quốc vừa thu hút hơn 2.300 công nhân lao động dệt may vào nhà máy, vừa cùng lúc xây dựng hơn 200 phòng ở trên diện tích khu nhà ở 15.000m2 phục vụ lưu trú cho khoảng 1.500 công nhân. Công trình có vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Hiện nay, công trình thi công tầng hai, dự kiến trong tháng 9 đến sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Theo Sở Xây dựng, trong khi chưa cần thiết lập các thủ tục ưu đãi về xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp này còn “chơi đẹp” giải phóng một mặt bằng còn ách tắc để kịp tiến độ thi công. Sức hấp dẫn của doanh nghiệp này là thu hút nguồn lực lao động. Nếu như trong tháng 5 chỉ có 1.300 công nhân thì thời điểm đầu tháng 6 vụt lên 2.300 công nhân, phần lớn người lao động đều được đào tạo tay nghề. Ông Kim Yong Sock - Giám đốc Công ty Panko Tam Thăng cho biết, kinh nghiệm thành công từ tỉnh Bình Dương cho thấy, một trong những yếu tố quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp chính là nguồn lực lao động. “Cái gì khiến họ “thủy chung” với mình? Không đâu xa chính là tạo môi trường làm việc tiện ích nhất cho công nhân, mà nhà ở xã hội là mô hình lý tưởng. Người Việt có câu an cư lạc nghiệp là vậy” - ông Kim Yong Sock chia sẻ.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, mô hình nhà ở xã hội đầu tiên tại KCN Tam Thăng đang đi đúng hướng, đúng lộ trình, tuân thủ quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (5.000 lao động trở lên) phải có cam kết xây dựng nhà ở cho công nhân. Khu nhà ở điển hình này cũng nhằm thu hút hiệu quả nguồn lao động - một vấn đề nan giải với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.

Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để tránh tình trạng các nhà đầu tư không có năng lực tài chính và trông chờ vào cơ chế ưu đãi để kéo dài thời gian thực hiện, UBND tỉnh phải buộc nhà đầu tư cam kết tiến độ, ký quỹ để đảm bảo dự án khả thi. Giải pháp để doanh nghiệp sử dụng lao động đứng ra đầu tư, hoặc Nhà nước làm thí điểm mô hình nhà ở xã hội có lẽ là khả thi nhất.

Đến nay, các KCN trong tỉnh thu hút gần 40 nghìn công nhân lao động. Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc có khoảng 15.000 lao động có nhu cầu chỗ ở; KCN Thuận Yên (TP. Tam Kỳ), Đông Quế Sơn (huyện Quế Sơn), các KCN Bắc Chu Lai, Tam Hiệp; Cụm công nghiệp Trường Xuân với hàng nghìn lao động có nhu cầu chỗ ở. Sở Xây dựng nhìn nhận, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay của công nhân, đối tượng thu nhập thấp là rất cao nhưng năng lực chủ đầu tư hạn chế nên các dự án xây nhà ở xã hội chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí nguồn lực.

Dọn sẵn mặt bằng

Chuyện nhà ở xã hội không phải đến bây giờ mới được quan tâm mà từ nhiều năm trước Quảng Nam đã dự báo và triển khai nhiều cơ chế thu hút đầu tư. Ví như, năm 2013 UBND tỉnh ban hành quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Gần đây nhất, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư lĩnh vực này. Một số chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích được Nhà nước giao; được dành 20% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở đầu tư công trình kinh doanh thương mại bồi đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Thời điểm ban đầu, nhiều doanh nghiệp hăng hái đầu tư. Đơn cử, Công ty CP Tư vấn đầu tư nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO ban đầu lập kế hoạch xây dựng 1.600 căn nhà chung cư cho công nhân KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Từ quý 2.2014 đã khởi công nhưng gần 3 năm nay chỉ mới dừng lại phần thi công móng chung cư và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Tại phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn), Công ty TNHH Kỹ thuật châu Âu sau thời gian dài tìm hiểu, hiện mới chỉ trong quá trình lập dự án, giải tỏa bồi thường. Được biết, các KCN của tỉnh đều quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, với diện tích hơn 100ha nhưng các doanh nghiệp vẫn rất dè dặt đầu tư mô hình nhà ở xã hội vì cho rằng sẽ khó thu hồi vốn.

Ở phía tây TP.Tam Kỳ, chính quyền đã dọn sẵn mặt bằng sạch 2ha ở phường Trường Xuân chờ nhà đầu tư đến xây dựng. Để tạo ra không gian hấp dẫn, địa phương kết hợp khai thác đất khu dân cư tại đây. Công ty TNHH May Tuấn Đạt tại Cụm công nghiệp Trường Xuân cũng từng tìm hiểu cơ hội đầu tư mô hình nhà ở cho công nhân nhưng đến nay cũng chưa thực hiện. Theo ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trước đây nghị quyết của HĐND tỉnh có đề cập chính sách đất ở cho người thu nhập thấp, nhưng Trung ương quy định bắt buộc phải xây nhà ở. Hiện, địa phương đã có mặt bằng sạch, tiếp tục thu hút doanh nghiệp, nhưng cái khó là nhà đầu tư thấy không sinh lợi nên chưa mặn mà xây dựng. Mặt khác, tâm lý của công nhân vẫn thích mua đất ưu đãi rồi tự làm nhà. Còn ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, dù nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất bức thiết nhưng thực tế xây dựng nhà dạng chung cư để bán cho công nhân, người thu nhập thấp là không phù hợp vì hiện quỹ đất còn nhiều và giá đất thấp.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO