Giấc mơ núi rừng

ALĂNG NGƯỚC 22/04/2015 09:05

50 năm sau ngày giải phóng, truyền thống hào hùng của mảnh đất vùng biên Nam Giang đang được viết tiếp bằng những nỗ lực, sự quyết tâm và tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Vùng đất anh hùng

Bến Giằng - nơi lưu dấu nhiều câu chuyện về tinh thần đấu tranh giành độc lập của quân và dân Nam Giang suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ nay đã xanh màu trở lại. Trên vùng đất anh hùng, những trang sử được viết nên bởi tấm gương nuôi giấu, bảo vệ cán bộ của nhân dân làng Rô; phong trào đấu tranh chống “xâu Giằng” của tù chính trị đòi thực dân Pháp không đánh đập ngược đãi người đi xâu làm đường; phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hàng loạt chiến công vang dội của đồng bào vùng cao Nam Giang... tất cả là những ký ức không thể phai mờ. Ông Zơrâm Ul - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Nam Giang cho biết, những năm tháng chi viện cho chiến trường miền Nam, quân và dân Nam Giang đã đóng góp hàng vạn ngày công làm đường, xây dựng kho tàng, vận chuyển gạo muối, thuốc men, vũ khí… bảo vệ an toàn cho tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Trong đó, phải kể đến các cuộc đấu tranh của đồng bào Bến Yên, Tà Lào đối phó với chiến dịch “thượng du vận” chống đưa dân vào khu dồn Thạnh Mỹ; phụ nữ Pà Dương đấu tranh không cho địch càn quét bắt người vô cớ; hay những trận đánh của du kích vào các đồn địch trên địa bàn… “Sự kiện ngày 24.4.1965, khi chính quyền Mỹ - ngụy vội vã cho hàng chục trực thăng đổ xuống cứ điểm Coong Zêl, điểm cao dưới chân núi La Dêê để bốc quân rút chạy về xuôi, chốt điểm cuối cùng trên núi rừng Nam Giang bị xóa bỏ, đánh dấu huyện Nam Giang hoàn toàn giải phóng” - ông Ul cho biết thêm.

Diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ hôm nay.
Diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ hôm nay.

Theo ông Chơ Rưm Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, giai đoạn 1965 - 1975, Nam Giang là vùng hậu cứ quan trọng góp phần giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 sau này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào huyện Nam Giang đã có 149 người ngã xuống, gần 160 thương, bệnh binh và trên 80 nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam… Những cái tên một thời từng làm nức lòng người dân Nam Giang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng đồng bào vùng lên bám đất, giữ làng phải kể đến: Bh’nướch Đhố, Alăng Bin, Kring Thị Thêm... với những chiến công hiển hách, lẫy lừng. Trong đó, nổi bật là câu chuyện về bà Kring Thị Thêm (dân tộc Ve, nguyên Phó Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Quảng Đà, Phó Chủ tịch Mặt trận 3 dân tộc Miền tây Quảng Đà), người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh vinh dự được ra thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ, năm 1964.

Ngày hội truyền thống “Âm vang cồng chiêng” ở Nam Giang.
Ngày hội truyền thống “Âm vang cồng chiêng” ở Nam Giang.

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Nam Giang tiếp tục vượt qua gian khó, phát huy nội lực, cùng chung tay xây dựng quê hương rừng núi. “Tinh thần đoàn kết, cùng nhau quyết tâm đấu tranh bám đất, giữ làng của các thế hệ các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... đã làm nên nhiều kỳ tích với bao chiến công, góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” - ông Nhiên tự hào.

Đồng bào vùng cao Nam Giang phát triển trồng ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào vùng cao Nam Giang phát triển trồng ruộng lúa nước. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Viết tiếp giấc mơ

Vùng đất Nam Giang giờ đang khoác lên mình màu áo mới, viết tiếp những giấc mơ của núi rừng, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Phát huy sức mạnh tổng hợp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang cùng nhau vượt khó, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, bộ mặt xã hội nông thôn miền núi Nam Giang những năm gần đây có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần vào công cuộc xóa đói nghèo. Đến nay, tổng sản lượng lương thực bình quân mỗi năm của huyện đạt hơn 6 nghìn tấn; phát triển nhiều loại giống mới cây trồng, con vật nuôi đưa vào sản xuất cho năng suất, sản lượng và hiệu quả cao. “Nghị quyết số 03 của Huyện ủy về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi giai đoạn 2011 -2015 đã phát huy hiệu quả, giải quyết được lương thực tại chỗ, giảm nạn phá rừng làm rẫy, tăng giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 2,5 tỷ đồng vào năm 2000 lên 15 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ vươn đến các xã vùng cao, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, cũng như tìm được đầu ra cho mặt hàng nông sản của đồng bào bản địa”- ông Mai nói.

Theo thống kê, đến nay, 11/12 xã của huyện Nam Giang đã có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất; 100% các xã có đường công vụ đến trung tâm xã; phát triển hơn 1.350ha cao su; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 2 - 3%. Từ nguồn vốn của ngân sách, các chương trình, vốn đầu tư cụm xã, nhiều cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng được hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, huyện Nam Giang thu ngân sách hơn 157 tỷ đồng; đầu tư phát triển vùng mỗi năm trên 50 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 58,72% theo tiêu chí mới.
Bên cạnh đó, huyện Nam Giang còn chú trọng đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; hàng năm duy trì lễ hội “Âm vang cồng chiêng”; đẩy mạnh việc biên tập và xuất bản “Chuyện kể dân gian các dân tộc trong huyện”; cũng như xây dựng hiệu quả các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Vùng cao Nam Giang nay không còn tình trạng bị cô lập, sống trong tình cảnh “thừa sóng, thiếu điện” khi mạng lưới đường giao thông nông thôn, trạm thu phát sóng, điện lưới quốc gia... đã được xây dựng mở rộng, phủ khắp. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Nam Giang đang dần hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã, thị trấn; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng 2 xã điểm nông thôn mới La Dêê và Ta Bhing sớm hoàn thành mục tiêu vào cuối năm 2015.

Lợi thế của địa phương đang tiếp tục được phát huy với nhiều dự án, công trình đạt hiệu quả kinh tế, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng đất ở “cửa ngõ” Đông Trường Sơn. Trong đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc, Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, thủy điện Sông Bung 4... được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng kinh tế, đưa Nam Giang phát triển bền vững. Cùng với đó, tuyến đường Đông Trường Sơn nối thị trấn Thạnh Mỹ với các huyện miền núi của tỉnh đang dần hoàn thiện, đem lại nhiều lợi ích cho đồng bào bản địa trong cuộc sống. Khi du lịch cộng đồng được hình thành, các mặt hàng nông sản, thổ cẩm, ẩm thực truyền thống của đồng bào bản địa dần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Trên con đường về làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra, thác nước Grăng, làng Rô... hình ảnh các du khách tìm đến tham quan mỗi ngày trở nên thường xuyên với đồng bào vùng cao Nam Giang.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO