Giấc mơ từ "Vườn giấy Việt"

SONG ANH 10/09/2016 12:48

Ba chàng trai, với sự kết hợp thuần thục từ ý tưởng, nguyên liệu đến chuyện kinh doanh, cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật từ giấy dừa. “Vườn giấy Việt” là cái tên họ chọn để đặt cho những “đứa con” của mình.

Sau khi qua công đoạn nghiền bột, thợ thủ công sẽ dùng tay rải bột trên khung lụa, sau đó dùng vòi nước để gia giảm lượng bột giấy tùy vào mỗi hình khối. Sau công đoạn này, tác phẩm sẽ được mang ra phơi nắng.
Sau khi qua công đoạn nghiền bột, thợ thủ công sẽ dùng tay rải bột trên khung lụa, sau đó dùng vòi nước để gia giảm lượng bột giấy tùy vào mỗi hình khối. Sau công đoạn này, tác phẩm sẽ được mang ra phơi nắng.

Bỏ phố, về quê, và chọn dừa!

Trương Tấn Thọ, Lê Thanh Hà và Trần Quang Thắng. Ba người bạn gặp nhau từ những câu chuyện về các sản phẩm nghệ thuật thuần Việt, từ chất liệu đến mẫu mã. Thọ quê Duy Xuyên, còn Hà và Thắng là hai nghệ sĩ sắp đặt đến từ Huế. Thọ rong ruổi mưu sinh ở Sài Gòn. Hà và Thắng làm mọi thứ liên quan đến nghệ thuật tại đất cố đô. Rồi bỗng một ngày họ tụ nhau về Hội An. “Ban đầu định làm đại lý cho giấy trúc chỉ của Huế. Nhưng vì vài lý do, mình nghĩ có khi đó cũng là cơ duyên để Vườn giấy Việt ra đời”, Thọ chia sẻ. Nếu không có những trục trặc ngoài ý muốn, theo lời Thọ, thì chắc hẳn bây giờ, Thọ đang ở một trong những cửa hàng của nghệ thuật Trúc Chỉ trong một căn nhà cổ trên khu phố vàng của du lịch Hội An.

Có khi, như Thọ nghĩ, là duyên nợ đẩy đưa để ba chàng trai này tìm đến Cẩm Thanh, trước khi nghĩ đến một sản phẩm nghệ thuật nào. “Không, vì mình xuất phát từ quê lụa Duy Xuyên. Nên mình đã nghĩ đến cây dâu tằm trước cây dừa. Nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm bây giờ không còn cuốn hút người dân, và hiện tại cũng không còn mấy những người chịu trụ lại với đồng dâu. Tụi mình tìm tới Làng dừa Bảy Mẫu, và mày mò thử nghiệm” -  Thọ nói. Và tiếp tục câu chuyện của giấy dừa, là hai người bạn nghệ sĩ từ Huế vào Quảng của Thọ. Thắng và Hà trước khi thử nghiệm chế tác giấy từ xơ dừa, đã từng có một thời gian làm ở xưởng giấy của Trúc Chỉ. Giấy trúc chỉ là sản phẩm truyền thống của người Huế với những kỹ thuật khá cầu kỳ để cho ra sản phẩm giấy từ tre trúc. Còn từ dừa, cụ thể là những xơ dừa lọc ra từ các bẹ lá và thân dừa, qua khâu sơ chế, xay vụn, lắng trong nước, cùng với một chút những tiểu tiết, phơi qua nắng 1 - 2 ngày, sẽ có những sản phẩm từ giấy dừa qua tạo tác của mỗi người.

Sản phẩm làm từ giấy dừa.
Sản phẩm làm từ giấy dừa.

Thọ quyết định khởi nghiệp lại tại quê hương, khi đã bắt đầu dạm chân đến ngưỡng tuổi cần sự an ổn hơn là thử thách. Quyết liều lĩnh và nỗ lực hết mình. Ba chàng trai nói rằng, tất cả đều là sự cố gắng của họ, nếu có bất cứ bất trắc nào xuất hiện thì họ vẫn muốn không hối tiếc. Dĩ nhiên, bởi đã chọn đi vào cuộc chơi của nghệ thuật và kinh doanh, thì chưa bao giờ là dễ dàng. Và nữa, khi đã chọn buông bỏ thị thành để khởi nghiệp bằng vốn liếng quê xứ, thì sẽ nhặt lấy vào đường đi của mình không ít những trắc trở. Nhưng có lẽ, vì họ đều còn trẻ, và đều muốn làm điều gì chỉ của riêng người Việt, hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc ở bất cứ công đoạn nào vào một thị trường khác. Như một cách để bung ra khỏi sự tự ti, họ chọn cách tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian. Và ý niệm này, được hiện thực hóa trong mỗi sản phẩm của “Vườn giấy Việt”.

Cổ tích, huyền thoại và cảnh sắc

Trước khi xuất hiện tại Vườn giấy Việt như một sản phẩm đặc trưng của chất liệu dân gian, giấy từ dừa đã xuất hiện tại Nhật Bản với các công đoạn có phần hiện đại hơn. Nhưng giấy Nipa – tên gọi quốc tế của giấy từ dừa nước, thực sự khiến người Việt hãnh diện về một sản phẩm nghệ thuật thuần Việt, khởi nguồn từ 3 chàng trai này. Phát triển từ những ký ức về một làng dệt lụa Mã Châu, Thọ bàn với hai người bạn mình sẽ “học” từ một số công đoạn của dệt thủ công. Và như vậy, quy trình sẽ tối đa hóa bằng các phương pháp thủ công, dĩ nhiên, không có bất cứ loại hóa chất nào được sử dụng. Một chiếc máy nghiền được ba chàng trai cất công tìm kiếm và đưa về phố cổ. Chẻ nhỏ tàu dừa, ngâm thật sạch, sau đó sẽ được đưa vào máy nghiền. Bột dừa sau khi được nghiền sẽ được ngâm vào nước, người thợ sẽ dùng một khuôn giấy vẽ và rải bột này lên trên. Thường khung giấy vẽ được làm như hình dạng một khung lụa, vải lưới nhỏ để giữ bột giấy lại. Tùy vào hình dạng và mục đích của người thợ vẽ mà rắc bột theo những hình thù riêng. Sau đó, khung giấy này sẽ được mang đi phơi nắng hoặc sấy khô.

Chọn những hình ảnh rất Việt Nam, từ cây tre, làng dừa nước, câu chuyện bà chúa Tằm tang, hay những cảnh sắc của một phố cổ soi bóng xuống dòng sông Hoài, những bức họa đặc biệt với chỉ duy nhất mục tiêu: tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Và còn nữa, là những chiếc đèn lồng lung linh mang dấu ấn của phố cổ Hội An, những chiếc đèn úp in hình trống đồng hay những khuôn tranh chuyển tải đủ đầy câu chuyện về một nền văn hóa bình dân đậm đà sắc Quảng. Điều đặc biệt của những sản phẩm từ giấy Nipa, chính là sự tương tác giữa ánh sáng và tác phẩm. Tác phẩm càng đẹp hơn dưới ánh mặt trời hoặc trong ánh đèn vàng. Thọ, Hà và Thắng đều đang quyết tâm sẽ đi một con đường thật dài với những sản phẩm từ giấy Nipa này. Hơn thế, là duy trì một làng nghề truyền thống từ dừa nước, để những cây dừa xứ Quảng, cũng như cây dâu tằm, sẽ dần dần tìm lại chỗ đứng của mình.
Bây giờ, ngoài việc sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo từ giấy dừa, ba chàng trai đang nỗ lực biến không gian - xưởng làm việc của mình trở thành một điểm tham quan đẹp mắt, nơi mọi người không chỉ tới để trầm trồ về những sáng tạo trên nền một chất liệu dân gian, mà còn có thể tự tay mình chế tác những sản phẩm của riêng mình. Mong những nỗ lực bền bỉ và sức sáng tạo không ngừng sẽ giúp họ đạt được mục tiêu: “tôn vinh những giá trị văn hóa thuần Việt” như bước khởi đầu họ đặt ra.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ từ "Vườn giấy Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO