Lịch sử từng ghi dấu những con đường hàng hóa với cả truyền thuyết và chuyện kể thấm đẫm khúc ca ai hoài bi tráng. Đường muối, đường vàng, đường tơ lụa, đường gốm sứ,… rồi con đường dược liệu, với trầm hương và quế, vắt qua nhiều châu lục, mang theo những giấc mơ kỳ bí.
Đọc lại tư liệu cổ sử có thể thấy cây quế hiện diện từ khoảng 2.000 năm trước công nguyên, là một trong những loại dược liệu, gia vị sớm được loài người sử dụng. Có nghiên cứu cho biết quế được dùng để ướp xác ở Ai Cập cổ đại. Có ghi chép ở thời Kinh Thánh, quế là nguyên liệu để chế thứ dầu làm thơm cơ thể người, hay trong đám tang người ta đốt quế để tạo hương.
Có những chuyện do các nhà buôn Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ truyền tụng trên con đường quế, về một thứ cây chỉ có ở đỉnh núi cao, nơi chim khổng lồ làm tổ, nếu không biết cách dụ chim thì sẽ bị nó ăn thịt khi ai muốn khai thác quế.
Đó có thể là cách họ dựng chuyện kỳ bí để giữ độc quyền kinh doanh quế, với con đường xuyên qua các châu lục, phát khởi từ Ấn Độ, Trung Quốc… Người Thổ đã từng dựng cả pháo đài trên hòn đảo Ceylon ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ 16 để bảo vệ cho ngành sản xuất, kinh doanh quế tại đây.
Khó thể kể hết huyền sử về con đường quế. Chỉ biết những công ty đa quốc gia buôn bán quế ra đời sớm. Như người Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp,… đã thành lập mạng lưới công ty Đông Ấn, chiếm lĩnh thị trường từ đầu thế kỷ 17, đã mở rộng vùng khai thác và nhân giống nhiều cây công nghiệp hàng hóa, trong đó có quế.
Góp mặt vào con đường quế, Việt Nam từng được xem là vùng nguyên liệu quế nổi tiếng. Xa xưa, người Việt đã sử dụng quế làm hương liệu, dược liệu trong cung đình, trong bài thuốc dân gian, ẩm thực.
Câu chuyện dã sử liên quan Huyền Trân công chúa cũng có nói về quế, như đôi guốc do vua Chàm sai người chế tác để nàng dùng đi cho thơm chân (hẳn cũng để phòng chữa chứng phong thấp dễ mắc phải ở Chiêm quốc bấy giờ nhiều rừng rậm). Quế cũng là mặt hàng tiến vua, hàng xuất khẩu.
Thời chúa Nguyễn, Quảng Nam hưng thịnh nhờ có xuất khẩu hàng hóa, trong đó quế, trầm, tơ lụa, đường mía…Từ các Man, chợ Man, thương lái thu nhận quế ở ngõ nguồn Hữu Bang – Chiên Đàn, xuôi về Trường Giang, Thu Bồn, đưa về Hội An rồi xuất ra ngoại quốc.
Ngày nay, quế vẫn là thương hiệu của đất Trà My, Quảng Nam (có Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My từ năm 2011). Thực tế vùng quế bao gồm cả 4 huyện với khoảng 12.610ha (Nam Trà My 10.108ha; Bắc Trà My 1.367ha; Phước Sơn 746ha và Tiên Phước 389ha - tính đến cuối năm 2022, trong đó giống quế bản địa chiếm hơn 2/3; Nam Trà My là địa phương có diện tích quế tự nhiên lớn nhất tỉnh với hơn 2.600 ha). Nhưng quế không riêng Quảng Nam mới có.
Tại Việt Nam, các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu đều có quế. Trong đó có bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi.
Nếu như quế Trà My (Quảng Nam) nức tiếng gần xa thì quế Văn Yên (Yên Bái) cũng không kém. Ở Văn Yên, cây quế được đồng bào người Dao gọi là “phinh gia húa” (nghĩa là “cây của tiên gia”), bởi nó đã gắn bó mật thiết với đời sống của họ qua bao đời nay. Và cũng như Trà My, Văn Yên cũng đã tổ chức lễ hội quế, bắt đầu từ năm 2015.
Vừa qua, lễ hội quế Trà My năm 2023 lại được tổ chức. Dịp này, một giấc mơ liên kết các vùng quế để mở rộng thành lễ hội quốc gia, lại gợi ra. Là mơ mà có thể từ đó hiện thực hóa về một “con đường quế” phục sinh thời vàng son trên đất Quảng và đất Việt!