Giấc mơ xuyên Á

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG 30/03/2017 08:46

Sau 11 năm tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) chính thức khai trương cửa khẩu chính Nam Giang - Đắc Tà Oọc (ngày 21.2.2006), con đường 14D chưa có gì thay đổi. Bao giờ con đường ngắn nhất khai thông lên vùng cao nguyên Boloven trù phú, giao thương với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia trên hành trình xuyên Á vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ!

HỤT HƠI HẠ TẦNG

Không thiếu quy hoạch, nhưng thiếu vốn nên việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đón nhà đầu tư, phát triển kinh tế cửa khẩu vẫn là chuyện xa vời.

Cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: T.D
Cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: T.D

Huyết mạch kinh tế

Cửa khẩu quốc gia Nam Giang - Đắc Tà Oọc giữa Quảng Nam và Sê Kông chính thức được mở vào đầu năm 2006. Không chỉ chính quyền các tỉnh Nam Lào, Quảng Nam, tại hầu hết diễn đàn, hội nghị kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang nằm trên con đường xuyên Á, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây là con đường ngắn nhất từ các tỉnh Nam Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Biển Đông Việt Nam, thông thương quốc tế thông qua các cảng biển Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất… Giao thương qua cửa khẩu này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao khi tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.

Theo tài liệu công bố tại các diễn đàn Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang gắn liền với việc hình thành từ ý tưởng Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC2) nối Đà Nẵng – Nam Giang (Việt Nam) – Sê Kông - Boloven - Paksé (Lào) - Ubon Ratchathani - Bangkok (Thái Lan). Nếu so với các cửa khẩu Thái Lan, cự ly vận chuyển từ vùng đông bắc Thái Lan đến cảng Đà Nẵng chỉ mất khoảng 600km, ngắn hơn nhiều khi vận chuyển đến cảng Laem Chabanh (gần Bangkok) 300km và vận chuyển hàng hóa xuất nhập bằng đường biển đến các nước Bắc Á thông qua cảng biển miền Trung (Đà Nẵng, Kỳ Hà) sẽ gần hơn 1.200 hải lý thông qua cảng Bangkok (1.600/2.800 hải lý). So với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu này vẫn chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh thu hút hàng hóa. Chỉ cần 123km đường đến Lạ Màm (thủ phủ Sê Kông) thông thương, là hàng hóa từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ khoảng 300km so với 1.100km. Không chỉ vậy, nếu giao thương qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 này từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ khoảng 1.100km, gần hơn 400km khi phải vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo

Ngay trong ngày khai trương cửa khẩu cách đây hơn 11 năm, Chính phủ và chính quyền Quảng Nan công bố sẽ vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi, phát huy lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng, trở thành trung tâm giao dịch thương mại, phát triển sản xuất công nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Không gian xây dựng được chia làm 3 khu vực chính: Tiểu khu I gắn với khu vực cửa khẩu Nam Giang (khoảng 30ha). Chủ yếu là khu kiểm soát, khu dân cư và khu thương mại dịch vụ. Tiểu khu II tại khu vực Chà Vàl (khoảng 630ha). Khu vực này sẽ dành cho khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, hành chính công cộng, các cụm dân cư nông thôn. Tiểu khu III tại khu vực La Dêê (56ha). Nơi đây sẽ là trung tâm hành chính công cộng, các khu ở, thương mại, dịch vụ, các cụm dân cư nông thôn.

Mộng lớn chưa thành

Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang được đánh giá sẽ mở rộng cánh cửa miền tây Quảng Nam nối tận Thái Lan, Campuchia, trở thành Hành lang kinh tế Đông - Tây thứ hai đã hấp dụ không biết bao nhiêu doanh nghiệp vượt đường xa tìm đến để đón đầu cơ hội, nhưng đến nay vẫn rất vắng vẻ. Hiện Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang ở cuối quốc lộ 14D dài 76km, khởi đầu từ chiếc cầu sắt bắc ngang sông Giằng. Trên đỉnh dốc cuối cùng, nơi dựng một bản đồ quy hoạch nhìn xuống thung lũng trung tâm khu kinh tế cửa khẩu vẫn ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng và một bãi gỗ khổng lồ. Ngoài MobiFone, Viettel đã lắp đặt các trạm phát sóng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực này dường như vẫn chưa có gì.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, hiện tiểu khu I đã được quy hoạch chi tiết 1/500 (14,4ha), tiểu khu II quy hoạch chi tiết 1/2000 (460ha). Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 237,4 tỷ đồng. Nhưng vốn chỉ mới cấp khoảng 146,7 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 105,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 23,7 tỷ đồng, 17 tỷ đồng vốn chương trình hỗ trợ đầu tư Việt Nam - Lào). Khả năng kinh phí hạn hẹp, sau nhiều năm chỉ có một số công trình được đưa vào sử dụng. Đó là đường giao thông và hệ thống thoát nước (1,67km), dự án điện tiểu khu I (250kVA), nhà công vụ (465m2), san ủi mặt bằng tiểu khu I (8ha), dự án cấp nước 1.000m3/ngày đêm, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu (1.794m2) và Quốc môn.

Không ít những cuộc luận bàn có nên đầu tư phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu này hay không khi đã quá nhiều năm không có doanh nghiệp nào tìm thấy cơ hội đầu tư vào khu vực này. Chính quyền và cơ quan quản lý lo ngại trước sự đầu tư ì ạch, nhưng cũng không còn cách nào khác vì nguồn lực quá yếu. Ngay như đường giao thông, hệ thống thoát nước giai đoạn III (2017 - 2018) với tổng mức đầu tư 84 tỷ đồng dù đã được Bộ KH&ĐT thẩm định nguồn, HĐND tỉnh đã đồng ý chủ trương nhưng chưa được giao vốn. Kết quả là năm 2017 không có dự án mới nào được triển khai. Chỉ có thể thi công những công trình chuyển tiếp thiết yếu (san nền giai đoạn II, hệ thống cấp điện giai đoạn 2016 - 2018) với tổng mức đầu tư gần 83,6 tỷ đồng.

Theo bà Lê Thị Thu Bồn – Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, hơn 11 năm nay, khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa thực sự hoạt động đúng quy mô và định hướng phát triển. Nguồn lực đầu tư mới chỉ đáp ứng đầu tư hạ tầng thiết yếu tại tiểu khu I. Nguyên nhân chính là sự hạn chế về nguồn lực đầu tư từ ngân sách, trong khi đó các cơ chế chính sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, rất khó để tìm thấy lợi nhuận cho đầu tư, trong khi chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với các khu vực khác, nên khu kinh tế cửa khẩu chưa thể thu hút được các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà Lê Thị Thu Bồn cho biết đơn vị đã đề nghị HĐND, UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH&ĐT, các bộ ngành trung ương quan tâm ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2017 - 2020 tại tiểu khu II, đưa cửa khẩu Nam Giang vào tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc lên cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương với nước thứ 3...

ĐÌU HIU CỬA KHẨU

Chính quyền các tỉnh Nam Lào và Quảng Nam đã trao cơ hội cho doanh nghiệp hai phía mở rộng hợp tác, giao thương, nhưng lượng hàng hóa qua cửa khẩu vẫn còn quá ít ỏi.

Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: T.D
Một góc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: T.D

Theo số liệu thống kê từ Sở Ngoại vụ, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, buôn bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đã có dấu hiệu phát triển. Phương tiện vận tải xuất nhập cảnh bình quân hằng năm khoảng hơn 2.500 lượt phương tiện (xuất cảnh hơn 1.500 lượt, nhập cảnh khoảng 1.000 lượt), bình quân khoảng 25.000 lượt người/năm làm thủ tục xuất nhập cảnh. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng phục vụ công trình thủy điện Sekaman. Nhập khẩu trở lại ngoài gỗ từ Lào về thì vẫn chừng ấy mặt hàng đã xuất qua biên giới. Chính quyền các tỉnh Nam Lào đã xác nhận phát triển con đường xuyên Boloven nối quốc lộ 14D của Quảng Nam có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhưng đã 11 năm đi qua, giao thương qua cửa khẩu này cũng chỉ là những chuyến xe chở đầy máy móc, thiết bị, vật tư sang Lào để xây dựng thủy điện Sekaman  và nhập khẩu gỗ, nguyên liệu kính về Quảng Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm tăng dần nhưng không quá 27,8 triệu USD. Con số này quá nhỏ so với hy vọng của cả hai tỉnh. Chính quyền các tỉnh Nam Lào rất nóng lòng, đưa ra rất nhiều ưu đãi để nhờ ngoại lực khai phóng tiềm năng vùng đất này nhưng chưa thể thực hiện được.

Theo bà Lê Thị Thu Bồn - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, không khó để lý giải tình trạng đìu hiu nơi cửa khẩu. Không chỉ thiếu hụt hạ tầng, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư thì cửa khẩu Nam Giang đã được công nhận cửa khẩu quốc gia, nhưng không được đứng vào danh sách 10 cặp cửa khẩu được phép lưu thông hàng hóa qua lại. Doanh nghiệp không thể đưa hàng hóa lưu thông chính ngạch qua cửa khẩu này. Một lý do không kém phần thuyết phục là hiện tại, cư dân hai bên cửa khẩu thưa thớt. Sống dựa vào tự cung, tự cấp, nhờ vào nương rẫy, chăn nuôi gia súc, còn doanh nghiệp thì thiếu mặn mà trong việc chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư.

Một đề án phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 do Sở Ngoại vụ Quảng Nam xác lập cho biết hiện không có nhiều diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư được hai bên phối hợp tổ chức. Thiếu hỗ trợ, kết nối để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Nam Lào. Hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, nhất là tuyến đường từ cửa khẩu về trung tâm tỉnh lỵ Sê Kông để đi đến các tỉnh Nam Lào khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư và giao thương hai bên. Tất cả điều này đã trở thành lực cản lớn cho việc phát triển biên mậu từ hai phía. Theo thống kê của Sở Công thương, doanh số thanh toán qua các tổ chức tín dụng tại Quảng Nam liên quan đến thương mại biên giới hàng năm chưa tới 100 tỷ đồng. Thương mại biên giới chỉ tập trung ở vài cửa hàng thương mại và một số hộ buôn bán nhỏ với tỷ lệ trao đổi thấp.

Bà Lê Thị Thu Bồn cho rằng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giao thương qua cửa khẩu đầy tiềm năng, nhưng thực tế cần phải có cái nhìn dài hơi và cụ thể hơn để tiếp sức cho các cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương cho hay đã xây dựng chương trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, nhưng quan trọng hơn là tìm ra vốn để đầu tư hạ tầng kinh tế cửa khẩu đồng bộ và kiến nghị Bộ Công thương cho phép lưu thông hàng hóa chính ngạch qua cửa khẩu kèm theo việc ghi vốn đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14 D nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Nam Giang…

Không còn bàn cãi gì nữa, một khi con đường 14D nối sang Sê Kông hoàn thành và Bộ Công thương cho phép lưu thông hàng hóa chính ngạch qua cửa khẩu kèm theo việc ghi vốn đầu tư hạ tầng thì không có lý do gì cửa khẩu hai tỉnh vẫn chịu cảnh đìu hiu như hiện tại. Nhưng việc này cũng chỉ là mong ước!

XUYÊN BOLOVEN

Con đường 14D xuyên cao nguyên Boloven sẽ mở. Sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp Quảng Nam biết cách chọn một con đường tiếp cận những cuộc làm ăn, dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ ngay trong thời kỳ hội nhập khốc liệt này.

Tuyến quốc lộ 14D qua cửa khẩu Nam Giang sẽ được đầu tư nâng cấp.Ảnh: T.D
Tuyến quốc lộ 14D qua cửa khẩu Nam Giang sẽ được đầu tư nâng cấp.Ảnh: T.D

Những người tiên phong

Nắng như đổ lửa bị rớt lại phía Quốc môn và bãi gỗ đầy xe đầu kéo với dãy hàng quán xập xệ sát bên cửa khẩu Nam Giang. Khu vực dự án trồng cây lưu niên, cây ăn quả và cà phê, sản xuất nước uống tinh khiết… của Giám đốc Công ty CP Xây dựng thanh niên xung phong Quảng Nam Nguyễn Văn Trương nằm trên một vùng đất rộng lớn giữa Đắc Chưng (Lào), bên vệ quốc lộ 16B lạnh và mát. Hơn 10 năm nay, ông Trương đi về như con thoi giữa hai vùng đất. Công ty của ông cũng đã mở hai chi nhánh thương mại tại Đà Nẵng, Tam Kỳ và một trong số sản phẩm đang hút hàng trên thị trường là thương hiệu cà phê Chămpa sản xuất, chế biến tại Đắc Chưng. Ông Trương nói cơ hội đầu tư vẫn còn đầy cho doanh nghiệp Quảng Nam sang Lào với nhiều chính sách khá mở và người dân địa phương thân thiện, rất dễ cho những cuộc đầu tư làm ăn.

Không chỉ ông Trương, ngay trong ngày khai trương cửa khẩu, Công ty Tân Nghĩa Sơn (Tam Kỳ) đã đầu tư khai thác khoáng sản ở tỉnh Attapư, Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Chămpasak và Sê Kông. Thông qua mối quan hệ hợp tác và sự giới thiệu của Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani, một số doanh nghiệp của Quảng Nam đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp của các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Công ty TNHH MTV Đại Dương Kính (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên) đã ký kết với Công ty Xây dựng và trang trí nội thất Watsadu tại tỉnh Amnatcharoen để mở đại lý phân phối sản phẩm kính cường lực, kính nội thất tại thị trường Thái Lan và Công ty TNHH Hương Trầm đã ký kết với Công ty Kannika Tour tại tỉnh Udonthani để cung cấp thường xuyên sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương và tinh dầu tràm tại thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, vốn và quy mô đầu tư của các doanh nghiệp này còn nhỏ và mức độ trao đổi hợp tác còn khá khiêm tốn. Hiện tại các nhà đầu tư, doanh nghiệp Quảng Nam vẫn chưa thật sự quan tâm đầu tư vào khu vực Nam Lào. Hiện số lượng doanh nghiệp Quảng Nam đang đầu tư vào khu vực này còn rất hạn chế so với các doanh nghiệp đến từ các địa phương khác như Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… Cho dù với lợi thế láng giềng và sự hợp tác hữu nghị giữa Quảng Nam và Nam Lào với những tuyên bố của lãnh đạo tỉnh Sêkông sẽ dành ưu đãi đến mức thông thoáng cho nhà đầu tư trong các dự án khai thác mỏ, chế biến gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, ưu tiên quỹ đất và các điều kiện khác để các doanh nghiệp Quảng Nam đầu tư vùng nguyên liệu cây công nghiệp và cây lương thực có giá trị cao, đầu tư thủy điện, khai khoáng… Chính quyền Sê Kông đã từng đặt câu hỏi tại các  cuộc họp thường niên, vì sao các doanh nghiệp Quảng Nam chưa có dự án, như trồng rừng chẳng hạn tại Sê Kông, trong khi các doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Định… đã xúc tiến.

Không chỉ là lợi ích kinh tế

Nhiều nhà kinh tế Lào cũng đã xác nhận, phát triển con đường xuyên Nam Lào nối với 14D của Việt Nam có sức hấp dẫn với cộng đồng các dân tộc Lào. Cao nguyên Boloven đất ba dan màu mỡ, khí hậu ôn đới, chiếm phần lớn diện tích Nam Lào, từng mệnh danh là mái nhà Đông Dương, giàu tiềm năng thủy điện, khá nổi tiếng về du lịch trong giới lữ hành phương Tây… hiện tại còn nghèo, vẫn được các nhà đầu tư quốc tế “dòm ngó”. Doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc “xí phần” khá lớn về các dự án đầu tư thủy điện, trồng, khai thác rừng. Còn các doanh nghiệp Việt Nam khai thác gỗ, trồng cao su. Chính quyền các tỉnh Nam Lào ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh… đã nhanh chóng xúc tiến rất nhiều dự án đầu tư như trồng rừng, khai thác khoáng sản tại Sê Kông, Attapư, Salavan… nhưng doanh nghiệp Quảng Nam với tư cách láng giềng quan hệ tốt đẹp nhiều năm lẫn sự quan tâm, động viên từ hai phía, lại không mấy “mặn mà”.

Ông Lê Huynh Trưởng - Phó phòng Biên giới (Sở Ngoại vụ Quảng Nam) - người đã có hai năm sống tại Lào để hoàn tất chương trình thạc sĩ ngôn ngữ Lào cho hay, Chính phủ Lào đang đầu tư xây dựng 120km tuyến đường từ trung tâm Sê Kông đi cửa khẩu Đắc Tà Oọc (Đắc Chưng) với lòng đường rộng 12km. Hiện đã thảm nhựa được 50km, còn 70km đã san ủi mặt bằng và chuẩn bị thảm nhựa. Cây cầu lớn nhất bắc qua sông Sê Kông tại Lạ Màm đã cơ bản hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng tháng 3.2017. Còn 3 cây cầu nhỏ dài 7 - 12m đang huy động vốn để thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Kế hoạch Sê Kông đặt ra là đến cuối năm 2017, tuyến đường này chính thức thông suốt. Chỉ còn 76km đường từ cửa khẩu Nam Giang về Bến Giằng sẽ đầu tư mở rộng, dự kiến vào đầu năm 2018 và 2021 sẽ hoàn thành. Theo một thông tin mới đây, có thể năm 2018, cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ chính thức trở thành cửa khẩu quốc tế và đến năm 2021, toàn tuyến EWEC 2 sẽ được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, đủ khả năng phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương thuộc các quốc gia trong khu vực.

Con đường nối thông từ 14D xuyên Á sớm muộn gì cũng sẽ được khai mở. Chỉ cần vài chục ki lô mét đường từ cửa khẩu Nam Giang là đã gặp chân cao nguyên Boloven. Không chỉ các doanh nghiệp Đông Nam Á mà các doanh nghiệp Âu, Mỹ… cũng sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp Quảng Nam nhìn thấy Boloven chính là “tiền đồn” cho những chuyến xâm nhập lên tận vùng Đông Bắc Thái Lan và là “hậu phương” vững chắc cho những chuyến hải hành dọc ngang trên Thái Bình Dương, lên tận Đông Bắc Á, xuyên Ấn Độ Dương trong tương lai?

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giấc mơ xuyên Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO