Giải bài toán giảm nghèo cho miền núi - Bài 2: Hoạch định phát triển vùng

ALĂNG NGƯỚC 06/01/2016 09:06

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo gắn với việc tận dụng những lợi thế và tiềm năng vốn có của vùng… đang là hướng đi mới giúp miền núi phát triển.

  • Giải bài toán giảm nghèo cho miền núi - Bài 1: Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại

Thực tế, mặc dù các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước luôn ưu tiên khá nhiều cho vùng miền núi, nhưng chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn chưa thể nâng lên đáng kể so với mục tiêu đề ra. Vì thế, trong định hướng phát triển, đòi hỏi chính quyền các địa phương miền núi cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, kết hợp lồng ghép với lợi thế và tiềm năng kinh tế sẵn có về nông - lâm - ngư nghiệp để hoạch định phát triển vùng và liên vùng. Từ đó, thúc đẩy mối giao thương tại các vùng để liên kết, tạo động lực phát triển chung theo giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Đồng bộ giải pháp

Ông Nguyễn Đình Tiên - Phó ban Dân tộc HĐND tỉnh cho hay, qua các đợt giám sát thực tế của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về chính sách dân tộc được triển khai thực hiện tại các địa phương miền núi cho thấy, nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, tại một số địa bàn miền núi cao, điều kiện tại chỗ còn nhiều khó khăn, cách trở khiến nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Để đồng bộ hóa các chủ trương chính sách, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, theo ông Tiên, các địa phương miền núi cần mạnh dạn triển khai hỗ trợ theo hướng phù hợp với đặc thù ở mỗi vùng, mỗi địa phương, nhất là việc đưa cơ chế phân cấp đầu tư tại từng địa bàn xã, thị trấn. “Miền núi có những lợi thế riêng biệt để phát triển kinh tế - xã hội mang tính đặc thù. Do vậy, ngoài tận dụng lợi thế sẵn có, các địa phương cần tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, tránh dàn trải và thực hiện lồng ghép các chính sách ưu tiên với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” - ông Tiên nhấn mạnh.

Hoạch định phát triển vùng cao cần có giải pháp đồng bộ, mang tính bền vững.
Hoạch định phát triển vùng cao cần có giải pháp đồng bộ, mang tính bền vững.

Tại miền núi, chương trình nông thôn mới đang là giải pháp hữu hiệu để các địa phương tính toán đến việc giảm nghèo bền vững, thông qua các dự án đầu tư mới đồng bộ theo các tiêu chí đề ra. Nổi bật trong công tác giảm nghèo có sự hỗ trợ của chương trình nông thôn mới phải kể đến các xã vùng cao của huyện Tây Giang, trong đó xã A Nông là một điển hình. Từ tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53% vào năm 2009, xã đã giảm nghèo nhanh chóng, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên ở các huyện miền núi, với tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 5%. Kinh nghiệm của xã A Nông, ngoài triển khai đồng bộ các công trình trọng điểm, địa phương còn hoạch định chi tiết theo từng vùng, làm từng bước theo lộ trình “đi đến đâu, xong đến đó”.

Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, địa phương đang triển khai lồng ghép các chương trình chính sách cho vùng DTTS với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thông qua các dự án hỗ trợ, huyện Tây Giang đã chủ trương đưa việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư theo các hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất với phương châm “xã có công trình, dân có việc làm”. Từ chủ trương này, huyện Tây Giang đã từng bước đồng bộ hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, gắn với khoanh vùng phát triển các mô hình sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế.

Sâm Ngọc Linh đang là cơ hội mở hướng giúp đồng bào Nam Trà My thoát nghèo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sâm Ngọc Linh đang là cơ hội mở hướng giúp đồng bào Nam Trà My thoát nghèo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tận dụng lợi thế

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, bên cạnh thực hiện các chủ trương đồng bộ hóa việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các mô hình kinh tế trọng điểm…, miền núi cũng cần nắm bắt cơ hội phát triển thông qua chính sách ưu tiên vùng đồng bào DTTS, trong đó chú trọng đến cơ chế đặc thù và tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương. Theo ông Đức, một trong những lợi thế của miền núi là mô hình kinh tế lâm nghiệp, kết hợp với nuôi trồng thủy sản ở các lòng hồ thủy điện. Vì vậy, thay vì chỉ chuyên canh vụ mùa nương rẫy hàng năm, đồng bào các DTTS nên đổi mới phương pháp canh tác sang hướng thâm canh hoặc đa canh phù hợp với xu thế hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Tại các địa phương miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My…, người dân đã bắt đầu có hướng canh tác mới theo phương thức trồng xen canh cây dược liệu dưới tán rừng cao su, rừng keo ở từng hộ, nhóm hộ. Đây là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở miền núi, bởi hiệu quả từ các mô hình kinh tế này mang lại không chỉ giúp địa phương miền núi xây dựng được vùng dược liệu quý, mà còn tạo ra sinh kế cho các hộ đồng bào DTTS” - ông Đức cho biết thêm.

Những năm qua, bằng nỗ lực cải tạo đất sản xuất đã giúp đồng bào vùng cao ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My… có thêm bước tiến mới trong phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài hình thành nên các vùng trồng và khai thác keo nguyên liệu tập trung, mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện cũng được các địa phương áp dụng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng bè đang được mở rộng tại địa bàn các xã có lòng hồ thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2, giúp tạo sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng với tổng diện tích mặt nước hồ chứa khoảng hơn 2.000ha. Tận dụng từ hồ chứa này, bắt đầu từ năm 2012, UBND huyện Bắc Trà My triển khai thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, đồng thời hỗ trợ kinh phí để các hộ dân mua cá giống, cũng như chuyển giao kỹ thuật và làm lồng bè. Nhờ vậy, từ quy mô chỉ có 1 hộ nuôi với 4 lồng thí điểm ban đầu, đến nay tại các lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã có 13 hộ với 120 lồng được triển khai, đang phát triển khá tốt. “Trừ tất cả chi phí ban đầu, mỗi năm người dân thu về 50 - 60 triệu đồng/lồng/hộ từ mô hình nuôi cá lồng bè gối vụ, giúp giải quyết được việc làm cho người dân bị ảnh hưởng vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2” - ông Tuấn cho hay.

Còn tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh, nhiều hộ dân đồng bào Xê Đăng bản địa cũng đang dần mở hướng thoát nghèo bằng các mô hình trồng và nhân rộng sâm Ngọc Linh tự nhiên. Đây được xem là cây chủ lực, cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi giúp đồng bào Xê Đăng thoát nghèo nhanh chóng trên mảnh đất quê hương của mình. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu tin tưởng rằng, cùng với hoạch định phát triển vùng nguyên liệu quý, đảm bảo việc nhân rộng sâm giống tại các xã vùng cao, sâm Ngọc Linh chính là cơ hội lớn để đồng bào DTTS ở Nam Trà My thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi trên thực tế, ở địa phương này cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt tỷ phú nhờ trồng hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh, nổi bật như Hồ Văn Du, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Hành, Hồ Văn Phải… , làm giàu bằng lợi thế vùng cây dược liệu đặc trưng trên “nóc nhà Đông Dương”.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải bài toán giảm nghèo cho miền núi - Bài 2: Hoạch định phát triển vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO