Đi cùng những chuyển động của xứ Quảng, một đời sống báo chí đầy sôi động, mang đậm hơi thở cuộc sống đã được thể hiện bằng nhiều ngòi bút, nhiều hình ảnh, cho thấy sự lặn lội tìm tòi của đội ngũ những người làm báo. Khi nhịp sống dần trở lại bình thường sau đại dịch, cũng là lúc các tác phẩm báo chí được tươi mới trở lại với nhiều mảng đề tài, góc nhìn đa dạng. Và, những tác phẩm được từng tác giả chọn lọc, gửi về tham dự giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVI như hạt phù sa đã được gạn lọc, lắng lại sau một năm miệt mài đi cùng tin tức…
Chuyển động hiện đại
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - thành viên Ban Giám khảo nhận định, tiếp theo thành công mùa giải trước, loại hình báo chí đa phương tiện (tổng thuật, tường thuật online, e-Magazine, longform… kết hợp nhiều thể loại báo viết, báo nói, báo hình, báo ảnh, đồ họa…) chiếm ưu thế trong số các tác phẩm báo điện tử.
Xu thế chuyển động báo chí theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, internet trên nền tảng số, dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu “nhiều trong một” của công chúng như chính hơi thở cuộc sống ùa thẳng vào người đọc/người xem, làm rung lên nhiều cảm xúc với tất cả giác quan, cảm quan qua những câu chuyện sinh động, hấp dẫn.
Hôm qua 16.6, tại hội trường Báo Quảng Nam, UBND tỉnh tổ chức lễ trao thưởng giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVI năm 2021 - 2022.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đến dự, trao thưởng cho tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất ở các thể loại, loại hình báo chí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát động giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVII năm 2022 - 2023.
Ban tổ chức cho biết, giải thưởng năm nay có 224 tác phẩm của 157 tác giả, nhóm tác giả, từ gần 40 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tham gia dự thi. Trong đó, có 88 tác phẩm báo in, 54 tác phẩm báo hình, 24 tác phẩm báo nói, 46 tác phẩm báo điện tử và 12 tác phẩm ảnh báo chí.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của giải còn có 91 tác phẩm tham dự các giải báo chí chuyên đề: Sâm Ngọc linh và vùng dược liệu Quảng Nam; chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế; Cải cách hành chính và chuyển đổi số; Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác bảo vệ rừng.
Trong số các tác phẩm dự thi ở thể loại này, Báo Quảng Nam có nhiều tác phẩm khá tốt với đề tài đa dạng, thiết kế nội dung và trình bày công phu, bắt mắt như e-Magazine “Du lịch Quảng Nam - Xanh trên từng điểm đến” (nhóm tác giả Lê Vũ - Quốc Tuấn - Xuân Hiền - Vĩnh Lộc - Anh Tuấn) hưởng ứng tuyên truyền Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022; hay các bài ký chân dung thể hiện dưới hình thức đa phương tiện khá sinh động bao gồm “Bay trên bầu trời Chu Lai” (tác giả Hoàng Đạo), “Vun giấc mơ với vườn rừng” (nhóm tác giả Quốc Tuấn - Tấn Châu)...
Ở loại hình báo in, thay cho sự “co cụm” ở hai mảng đề tài chủ yếu là dịch bệnh Covid-19 và sạt lở núi do thiên tai trong mùa giải trước, mùa giải này các đề tài tản ra với nhiều khía cạnh đời sống.
Nhiều vấn đề khác được báo chí quan tâm phản ánh như quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản, sắp xếp lại dân cư miền núi và phát triển sinh kế, sự biến đổi của đời sống xã hội, sinh thái nhân văn, bảo tồn văn hóa, khởi nghiệp sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch xanh - bền vững…
Đáng chú ý, một số tác phẩm quan tâm tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, trong đó có những tác phẩm chất lượng cao được giải của Trung ương, như giải B Búa liềm vàng với loạt bài “Ánh sáng vùng cao” (tác giả Alăng Ngước).
Mảng đời sống xã hội có nhiều tác phẩm đáng chú ý, với các bài ký khá sắc nét “Đò ngang một chuyến nữa thôi” (tác giả Phan Hoàng), “Đường về thôi chấp chới” (tác giả Thành Công - Song Anh, “Mưa xanh ở Bh’lô Bền” (tác giả Lê Trung Việt)...
Trong mảng đời sống xã hội, còn nhiều câu chuyện khá xúc động về những tấm gương với năng lượng tích cực giúp ích cho người cho đời, như nhân vật “Hai lần “nhặt” con” (tác giả Lê Trung - Đức Tài), “Người đàn bà chạy” (tác giả Nam Thịnh - Tuệ Lâm), “Ông Tây bà đầm gieo mầm thiện ở Việt Nam” (tác giả Thanh Ba).
Ngoài ra có những tác phẩm ký và bài phản ánh đi vào các vùng đất con người phản ánh sự đổi thay sinh hoạt xã hội như “Ánh sáng nơi đỉnh trời” (tác giả Tuệ Lâm).
Sự chuyển mình của phát thanh, truyền hình
Khẳng định sức lan tỏa của giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng đối với đội ngũ người làm báo trong khu vực miền Trung, các thành viên Ban Giám khảo chia sẻ, mùa giải năm nay loại hình phát thanh, truyền hình có số lượng tác phẩm tham gia tương đối nhiều và vượt trội về chất lượng, do các tác giả đã tiếp cận lối thể hiện mới, chú trọng tiếng động hiện trường, âm gốc, kỹ thuật trong dàn dựng, sử dụng giọng đọc phù hợp cho từng thể loại.
Về chất lượng các tác phẩm nói chung, mùa giải này tập hợp nhiều tác phẩm tốt về nội dung và cách thể hiện, tập trung khắc họa sâu và đậm về những đề tài lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa như 550 năm Danh xưng Quảng Nam, khắc phục hậu quả thiên tai, gương người tốt việc tốt lan tỏa sự ấm áp, khơi dậy tình cảm tốt đẹp cho cộng đồng.
“Tôi rất khuyến khích những người làm nghề ở các nhà đài cấp huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tìm tòi, khai thác, xây dựng các tác phẩm chất lượng để dự giải. Người làm báo cũng cần phải nỗ lực, cải tiến hơn để đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại” - nhà báo Trương Vũ Quỳnh, thành viên Ban Giám khảo nói.
Cùng với những niềm vui trở lại sau chặng đường dài gian nan chống chọi với đại dịch, giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XVI cũng lấp lánh nhiều mảng màu sáng, tươi mới từ chủ đề đến cách thức thể hiện. Đó cũng là áp lực cho Ban Giám khảo để tuyển chọn, bình xét những tác phẩm đoạt giải trong tổng số hơn 200 tác phẩm dự thi.
Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh thông tin, ở mỗi loại hình báo chí tham dự giải thưởng đều có những tác phẩm nổi bật, mang giá trị về nhiều mặt. Nhiều tác phẩm ghi nhận tinh thần lao động cần cù, nhẫn nại của người làm báo khi dày công lăn lộn ở cơ sở, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để khai thác tận cùng các chất liệu quý từ đời sống. Các tác phẩm ghi nhận sức sáng tạo, khả năng nắm bắt vấn đề, kỹ năng xử lý ngôn ngữ, hình ảnh để hình thành những tác phẩm báo chí có sức lay động tâm tư, tình cảm bạn đọc, bạn nghe đài và xem truyền hình.
“Các tác giả đã nỗ lực làm mới bằng kỹ thuật làm báo hiện đại đa phương tiện, thể hiện rõ nét trí tuệ, bản lĩnh, chính kiến và ý thức trách nhiệm cao của người làm báo và cơ quan báo chí. Quy tụ nhiều tác phẩm chất lượng, mùa giải lần này một lần nữa khẳng định được uy tín, sức lan tỏa của giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng đối với đông đảo đội ngũ người làm báo chuyên và không chuyên” - nhà báo Lê Văn Nhi nhìn nhận.