Thiên tai lẫn nhân tai đã tác động tiêu cực đến nguồn nước, khiến nhiều nơi loay hoay chống hạn và hạn chế nhiễm mặn. Chưa bao giờ câu chuyện giải quyết an ninh nguồn nước lại thách thức với nhiều địa phương như hiện nay.
Nỗi lo kép
Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ nhận định, giữa tháng 3, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia - Thu Bồn đã xuống rất thấp, một số hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn. Lượng nước tại hồ chứa cũng chỉ đạt 68 - 89% dung tích ứng với mực nước dâng bình thường. Mực nước vùng trung lưu xuống thấp kỷ lục so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ, điều này làm tăng mức độ xâm nhập mặn ở vùng hạ du.
Từ tháng 3 đến tháng 8, lượng dòng chảy trên sông Thu Bồn tại Nông Sơn khả năng thiếu hụt 40 - 60%; trên sông Vu Gia tại Thạnh Mỹ thiếu hụt 80 - 90% so với TBNN. Mực nước trung bình trên các sông ở mực thấp hơn TBNN, đặc biệt tại trạm Giao Thủy và Ái Nghĩa có thể xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử. Trong khi đó, xâm nhập mặn vùng cửa sông năm nay ở mức cao tương đương năm 2019 và cao hơn so với TBNN.
Tại các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, thời điểm này mực nước các hồ đều thấp hơn TBNN, có hồ thấp hơn 2 - 3m, dung tích còn lại 50%. Hồ Đông Tiển, xã Bình Trị (Thăng Bình) đáp ứng tưới tiêu cho hơn 400ha diện tích trồng trọt mùa khô, nhưng nắng nóng kéo dài nguy cơ 100ha ruộng sẽ bỏ hoang do thiếu nước.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các địa phương miền núi (trừ huyện Bắc Trà My) đều không có mưa nên các hồ thủy lợi và thủy điện đang xuống mực nước chết. Các thủy điện đang cân nhắc dừng phát điện để giữ nước, ưu tiên phục vụ trồng trọt.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - ông Ngô Xuân Thế cho biết, hồ thủy điện A Vương sử dụng bình quân mỗi năm 1,61 tỷ mét khối nước để phát điện, nhưng dung tích hữu ích của hồ chỉ chứa 266 triệu mét khối nước. Hai năm qua lượng mưa ở các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện A Vương rất ít, không xuất hiện lũ, dẫn đến trữ lượng nước tích trong các cánh rừng rất ít. Một số hồ thủy lợi như Đông Tiển, Cao Ngạn (Thăng Bình), kể cả hồ Phú Ninh thời điểm này chỉ tích được khoảng hơn 50% tổng lượng nước. Ngành nông nghiệp dự báo, hạn hán năm 2020 thậm chí còn khốc liệt hơn năm 2019, hơn 1.000ha đất chuyên trồng lúa sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng với nỗi lo thiếu nước phục vụ sản xuất, trồng trọt, các địa phương vùng hạ du còn phải loay hoay đối phó với nhiễm mặn nguồn nước. Sông Vĩnh Điện và sông Thu Bồn hiện vẫn chưa có dự án, công trình chống xâm nhập mặn nào vận hành.
Đầu tư công trình khẩn cấp
Tháng 3, tháng vì nguồn nước
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên tinh thần kết hợp thành chuỗi sự kiện Ngày nước thế giới (22.3) với chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu”, Ngày khí tượng thế giới (23.3) với chủ đề “Khí hậu và nước”, bộ tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để bảo vệ tài nguyên nước, kêu gọi cộng đồng xã hội bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Còn Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Nam khẳng định, các hoạt động truyền thông, cổ động trực quan, tọa đàm trực tuyến trong tháng 3 cũng tập trung vào chủ đề nguồn nước.
Tiên lượng được khó khăn của mùa khô năm nay, nên từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đắp bờ giữ nước để làm đất, tiết kiệm việc cấp nước ngay từ đầu vụ. Tại những vùng nhiều khả năng thiếu nước, vùng cuối kênh thuộc các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, người dân được khuyến cáo chuyển sang sản xuất cây trồng chịu hạn tốt hơn như bắp, đậu phụng… Tại các trạm bơm ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn có nguồn nước bị xâm nhập mặn, cán bộ nông nghiệp theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, quan trắc thường xuyên để bơm lách triều.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cũng đang tích cực phối hợp trao đổi kỹ thuật về các giải pháp chống xâm nhập mặn ở Vĩnh Điện, Hội An và Cầu Đỏ. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia của các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đắc Mi 4 để đảm bảo nhu cầu dùng nước ở hạ du mùa cạn.
Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều công trình tạm ngăn mặn như đập ngăn mặn tại sông Vĩnh Điện (đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu), đắp đập ngăn mặn tại sông Bến Giá, một nhánh của sông Thu Bồn (đoạn thượng lưu cầu Gò Nổi). Theo kế hoạch năm 2020, đầu tư dự án lấy nước trên dòng Vu Gia để phục vụ cho chống mặn ở TP.Hội An.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngoài biện pháp đắp đập tạm trên sông Vu Gia, với các sông còn lại sẽ khống chế việc nhiễm mặn sâu, tính toán thời điểm vận hành của các nhà máy thủy điện. Để chống hạn hiệu quả, các địa phương cần triển khai kế hoạch sử dụng nước, đảm bảo mực nước hồ mà UBND tỉnh đã phê duyệt đầu năm nay. “Trong phương án chống mặn và hạn, các công trình, dự án mà tỉnh sắp đầu tư có tính toán đến việc cung cấp nước ngọt và sản xuất cho TP.Đà Nẵng” - ông Tý nói.
Để ứng phó với nhiễm mặn nguồn nước, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm lấy nước trên sông có nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn cần quan trắc độ mặn; đối với các trạm bơm lấy nước trên sông thường xuyên bị nhiễm mặn (sông Thu Bồn, Vĩnh Điện...) cần tăng cường quan trắc độ mặn.