Cuối tuần qua, tại xã Bình Minh (Thăng Bình), Sở LĐ-TB&XH tổ chức đối thoại chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngành ngư nghiệp với lao động các địa phương ven biển. Hầu hết ý kiến tại buổi đối thoại bày tỏ băn khoăn về chi phí đi XKLĐ cũng như việc vay vốn.
Cán bộ ngành chức năng đối thoại về chính sách xuất khẩu lao động ngành ngư nghiệp với lao động các địa phương ven biển. Ảnh: D.L |
XKLĐ ngành ngư nghiệp được xem là thế mạnh của tỉnh, vì nguồn nhân lực nhiều. Nhưng thời gian qua, số trường hợp đi XKLĐ trong ngành này chủ yếu ở xã Bình Minh, với khoảng 150 người tham gia trong 2 năm 2015 và 2016. Việc đi XKLĐ ngành ngư nghiệp dù có triển vọng tốt, nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở cơ sở.
Lo chi phí
Tại buổi đối thoại, phần lớn ý kiến của lao động cũng như gia đình người đã đi XKLĐ và lãnh đạo các địa phương đều băn khoăn về chi phí đi XKLĐ. Gia đình có 3 người đi XKLĐ ngành ngư nghiệp ở Hàn Quốc, chị Huỳnh Thị Mỵ Vy chia sẻ rằng thủ tục vay vốn ngân hàng còn phức tạp, mất nhiều thời gian khiến người dân rất vất vả. Như gia đình chị, cả 3 người muốn đi XKLĐ đều phải vay vốn ngân hàng, nhưng khi có hợp đồng lao động, gia đình chị đến ngân hàng để hỏi thủ tục vay vốn thì giải quyết rất chậm. Vì thế, gia đình chị Vy phải vay mượn bên ngoài để đủ tiền cho người nhà đi XKLĐ, sau đó mới dùng tiền ngân hàng cho vay để trả lại. Chị Vy kiến nghị ngân hàng nên tạo điều kiện để lao động tiếp cận nguồn vốn vay nhanh gọn, giảm bớt thủ tục để người dân không phải đi lại nhiều lần.
Theo quy định, khi người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng thời hạn sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi). Trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn do điều kiện khách quan như thiên tai, ốm đau, tai nạn lao động... thì được hoàn trả tiền ký quỹ sau khi đã trừ các chi phí phát sinh. Tiền ký quỹ sẽ không được hoàn trả nếu người lao động tự ý phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc, về nước không đúng thời hạn... Trường hợp lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ của người lao động sẽ được sử dụng để trả khoản vay ngân hàng. Các công ty XKLĐ sẽ phải khai báo về tình hình thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động về Cục Quản lý lao động ngoài nước trước 20.6 và 20.12 hàng năm. |
Còn anh Hoàng Thiên Nhơn kiến nghị Trung ương, tỉnh nên vào cuộc để tạo điều kiện thu hồi tiền ký quỹ sớm, vì tiền ký quỹ rất lớn, lại là nguồn vay từ ngân hàng. Đối với trường hợp vay tiền của ngân hàng thương mại, trong khi tiền vẫn để ở ngân hàng mà lao động phải trả lãi thì thiệt thòi cho người lao động. Mức tiền ký quỹ do công ty đến địa phương tư vấn, căn cứ vào tỷ lệ lao động bỏ trốn ở địa phương đó cao thì thu cao, thấp thì thu thấp. Anh Nhơn đề nghị trong vòng 6 tháng kể từ khi lao động đi XKLĐ, nếu không bỏ trốn thì được trả lại 50% số tiền ký quỹ, sau 12 tháng nêu không bỏ trốn được trả đủ số tiền ký quỹ và cho phép lao động được trả lại tiền vay ký quỹ sớm hơn để đỡ chịu lãi ngân hàng. Cũng theo anh Nhơn, cơ quan chức năng khi tư vấn đi XKLĐ cần tư vấn nhiều ngành nghề, để lao động ở ngành nghề nào thì chọn đi làm ngành nghề đó, vừa đúng tay nghề vừa phù hợp với nguồn kinh phí của từng người dân.
Đại diện Hội nghề cá xã Bình Minh cho rằng, cơ quan nhà nước làm sao tư vấn để lao động không bỏ tàu, trốn ra ngoài làm việc cho tàu khác nên vi phạm hợp đồng. Ông cũng cho rằng chi phí đi XKLĐ có doanh nghiệp môi giới lấy cao, khiến lao động khó khăn trong kinh phí mà không đi XKLĐ được.
Ký quỹ nhằm “giữ” lao động
Tại buổi đối thoại, ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giải đáp cụ thể đối với các ý kiến. Về chi phí đi XKLĐ ngành ngư nghiệp, cả nước chỉ có 6 doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ngành này ở Hàn Quốc, chi phí đi được quy định rõ từ 7.500USD đến 8.500USD (tương đương hơn 160 triệu đồng đến 190 triệu đồng, đã bao gồm tiền đặt cọc chống trốn). Ông Tưởng khẳng định, việc lao động bỏ trốn bất hợp pháp thì chắc chắn không có quay lại lần 2, vì thế người thân trong gia đình cũng như lao động cần hiểu rằng việc chấp hành đúng pháp luật tại nước sở tại mà mình đang làm việc mới mở ra cơ hội được quay trở lại sau khi đã về nước đúng hạn. Trung tâm đã thực hiện việc tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho lao động, nhưng do lao động thấy thu nhập giữa các tàu có nơi cao hơn, nên vì lợi trước mắt mà bỏ trốn, điều này cần gia đình và nghiệp đoàn nghề cá, địa phương cùng vào cuộc tuyên truyền cho người thân, người lao động hiểu để không bỏ trốn.
Đối với mức tiền ký quỹ, được hiểu là tiền chống trốn - giữ chân lao động, cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người lao động và công ty thực hiện công tác XKLĐ, nhưng mức quy định tối đa là 5.000USD. Lao động khi làm việc với công ty nào thì phải tìm hiểu kỹ, qua kênh chính thức, bởi ở Bình Minh đã có việc công ty len lỏi vào để thu lợi bất chính. Lao động cần tìm hiểu cụ thể doanh nghiệp nào được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, tránh bị lừa đi XKLĐ. Người lao động cũng cần chú ý những nguy cơ và lừa đảo XKLĐ, khi người dân nghe thông tin có dấu hiệu nghi vấn thì cần báo ngay đến chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.
Để được vay ngay
Về thủ tục vay vốn, theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình, nếu đi theo chương trình EPS thì thực hiện theo quy định, việc ký quỹ, nếu có hợp đồng, gửi đến ngân hàng sẽ giải ngân ngay. Nếu đi tự do thì phải dựa vào nguồn vốn, tùy theo đối tượng để giải ngân, nhưng yêu cầu phải có hợp đồng lao động. Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chia sẻ, tiền mà ngân hàng cho vay cũng là tiền của Nhà nước cấp về để ngân hàng hỗ trợ cho lao động vay đi XKLĐ. Sau khi lao động vay để có khoản ký quỹ, tiền này được lao động nộp lại ngân hàng giữ, nhằm tránh lao động bỏ trốn. Hiện nay có 2 nguồn tiền cho vay qua Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) và qua doanh nghiệp. Ngân hàng cho vay được 50 triệu đồng đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng khó khăn; nếu đối tượng vay vượt quá số tiền này thì phải phải có thế chấp. Các đối tượng khác có thể vay ở các chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT. Khi lao động có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài diện XKLĐ, mang hồ sơ đến sẽ được ngân hàng giải quyết cho vay.
Ông Lam cũng lưu ý các xã khi hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn thông qua các kênh hội, đoàn thể ở địa phương, thì nên lập danh sách. Ví dụ như trong một đợt, xã chuẩn bị trước danh sách lao động sẽ đi XKLĐ, dự kiến vay bao nhiêu để ngân hàng phối hợp chuẩn bị trước mọi thủ tục, khi có hợp đồng mang đến là được vay ngay. Chứ như hiện nay, thường là lao động khi có hợp đồng rồi mới mang lên ngân hàng hỏi thủ tục vay thì làm sẽ lâu hơn do phải qua khâu chứng thực, lỡ sai thủ tục phải làm lại. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã quán triệt đến tất cả chi nhánh ở huyện, thị, thành phố phải tạo điều kiện tối đa để lao động vay vốn đi XKLĐ.
HOÀNG LINH