Nhanh, gọn, đúng quy định và thỏa mãn là tất cả những gì doanh nghiệp (DN) nhận được từ cuộc “đối thoại” đầu tiên năm 2015 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu chủ trì chiều ngày 5.1.
“Nỗi lòng” doanh nghiệp
Bốn DN tham dự buổi tiếp DN đầu tiên năm 2015 với các kiến nghị xin được hỗ trợ kinh phí di dời nhà xưởng, cấp phép khai thác nguyên liệu, mặt bằng kinh doanh và nguồn điện sản xuất. Ông Phan Đình Thắm – Giám đốc Công ty CP Nam Sơn (Hương An, Quế Sơn) tìm đến cuộc gặp gỡ này với nỗi lo là không biết có nhận được sự bồi thường, hỗ trợ từ chính quyền khi di chuyển sang địa điểm mới bởi thời hạn thuê đất của DN đã kết thúc vào tháng 11.2014 sau 15 năm sản xuất kinh doanh. Ông Thắm cho hay Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường đã xem xét đề xuất gia hạn thời gian thuê đất hợp lý tại vị trí hiện tại, lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh đến địa điểm mới, nhưng UBND huyện Quế Sơn không thống nhất gia hạn vì nằm trong vùng quy hoạch khu trung tâm hành chính Hương An, khu nông thôn mới và không nằm trong diện được bồi thường thiệt hại. “Do chính sách nhà nước thay đổi chứ không phải DN tạo ra. DN đã tìm được nơi mới, nhưng không có tiền để di chuyển. Hy vọng Nhà nước sẽ giải quyết hỗ trợ, đền bù, tạo điều kiện thuận lợi cho DN di dời nhà máy đến nơi sản xuất mới” - ông Thắm nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ đầu tiên năm 2015. Ảnh: T.D |
Không như cuộc gặp gỡ đầu tiên hồi tháng 10.2014, lần tiếp xúc này, ông Hồ Văn Luận – Giám đốc Công ty TNHH Kính Phước Toàn (Chu Lai) cho biết không cần phải xin vay vốn ngân hàng để đầu tư nhà xưởng và mở L/C như trước, mà chỉ xin miễn tiền thuê đất từ năm 2008 - 2015 vì thời gian này DN chưa sản xuất, cấp phép khai thác cát để đủ điều kiện vay vốn lưu động. Ông Luận nói các đối tác đã quyết định đầu tư toàn bộ thiết bị, xây dựng nhà xưởng. Các ngân hàng cũng đã đồng ý cho vay vốn lưu động nếu có phương án sản xuất kinh doanh và nguồn nguyên liệu cát. Phương án sản xuất kinh doanh đã có, chỉ còn chờ xin cấp phép khai thác cát là DN sẽ chính thức đưa nhà máy vào sản xuất kính. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Duyên Hoa (Hà Lam, Thăng Bình) muốn mở rộng mặt bằng kinh doanh, nhưng bị vướng vào diện tích đất nông nghiệp nên cả chính quyền huyện Thăng Bình lẫn DN đều muốn có sự chỉ đạo từ UBND tỉnh để tiến hành dự án đúng như dự định. Còn Giám đốc Công ty TNHH Huy Thành – ông Phạm Huy Sơn đã vượt đường xa từ thôn Phước Lâm (xã Đại Hồng, Đại Lộc) đến chỉ để xin chính quyền và Điện lực Quảng Nam nhanh chóng cung cấp nguồn điện nhằm mở rộng sản xuất. Ông Sơn nói hiện nhà máy đã giải quyết 180 lao động ngành may tại địa phương. DN đủ điều kiện để mở 5 dây chuyền may, giải quyết việc làm cho 350 lao động, nhưng thiếu điện (trạm biến áp gần nhất cũng cách khoảng 1,5km) nên chỉ có thể hoạt động 3 dây chuyền và các thiết bị điện tử, nâng công suất nhà máy không thể sử dụng được…
Giải đáp nhanh gọn
Những DN tham dự cuộc tiếp xúc nhận được những lời giải đáp hợp lẽ, nhanh, gọn, thỏa mãn… từ phía chính quyền và cơ quan quản lý. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Công ty CP Nam Sơn đi tìm câu trả lời đền bù hay không để di chuyển địa điểm sản xuất, kinh doanh. Nếu nhà máy hiện bị vướng quy hoạch thì không thể tồn tại được khi thời hạn thuê đất đã hết. Nhưng hiện tại chưa thể di dời ngay nên sẽ gia hạn cho DN thêm một thời gian nữa để tính toán phương án sản xuất và di dời nhưng DN phải tự tìm cho mình một địa điểm mới. “Không ai tước đoạt quyền kinh doanh của DN. Khi di chuyển, phương án nào hợp lý thì DN chọn, di chuyển từng dây chuyền. Khi DN có phương án về kinh phí san ủi mặt bằng, di chuyển và hợp lý hóa sản xuất, duy trì lao động, Nhà nước sẽ sẵn sàng hỗ trợ DN” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Ông Hồ Văn Luận – Giám đốc Công ty TNHH Kính Phước Toàn (Chu Lai) biểu lộ vui mừng khi biết sẽ được cấp phép khai thác cát nguyên liệu làm kính, cho dù kiến nghị miễn giảm tiền thuê đất đã không thể đạt sở nguyện vì nhiều lý do khác nhau. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đinh Văn Thu nói nhu cầu của DN khoảng 2.400 tấn/tháng. Một năm khoảng 30.000 tấn cát nguyên liệu thì không đáng kể. Nếu có phương án sản xuất cụ thể, căn cứ vào năng lực sản xuất của DN, UBND tỉnh sẽ đồng ý cấp phép, ưu tiên khai thác cát nguyên liệu chế biến sâu. Theo ông Luận, điều này có nghĩa DN sẽ có đủ điều kiện thỏa mãn yêu cầu vay vốn lưu động của ngân hàng. Ông Dương Đình Duyên – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Duyên Hoa (thị trấn Hà Lam – Thăng Bình) cũng hy vọng kiến nghị mở rộng mặt bằng nhà xưởng sẽ nhanh chóng được tiến hành khi lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thăng Bình tự rà soát điều chỉnh đất lúa trong nội bộ. UBND huyện đủ điều kiện để xem xét yếu tố bức thiết, khả năng đầu tư của DN để điều chỉnh, không cần phải tiến hành hỏi xin tỉnh. Tỉnh sẽ thống nhất với yêu cầu đề đạt của chính quyền huyện và DN.
Riêng vấn đề cấp điện cho Công ty TNHH Huy Thành sẽ được giải quyết sau cuộc bàn bạc, gặp gỡ trao đổi cụ thể giữa hai DN. Điện lực Quảng Nam cho hay công ty này đã khảo sát, thuê tư vấn, dự kiến sẽ kéo 250m đường dây hạ thế, dựng trạm biến áp 250kVA cho DN. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 890 triệu đồng. Tuy nhiên, ngành điện sẽ phân tích hiệu quả kinh tế của việc đầu tư này mới có thể trả lời cho DN vì Điện lực Quảng Nam cũng là DN và phải vay vốn thương mại để đầu tư. Ngành điện đã cam kết tất cả khu dân cư, khu, cụm công nghiệp đều được bán điện trực tiếp. Việc thu hút lao động nông thôn ngoài cụm công nghiệp thì ngành điện cũng sẽ hỗ trợ cho DN. Vì vậy, Huy Thành cần nghiên cứu kỹ chiến lược mở rộng sản xuất và khả năng sử dụng điện; phải đăng ký phụ tải sẽ sử dụng và hai bên gặp nhau để ký kết bằng một hợp đồng mua, bán điện cụ thể. Chậm nhất sau 4 tháng, Huy Thành sẽ được cung cấp điện theo đúng hợp đồng.
TRỊNH DŨNG