Sau ngày Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), người khắp nơi lại nô nức chuẩn bị đón Tết Nguyên tiêu. Thời khắc này mang một nhịp điệu riêng, tựa hồ những nốt hoa mỹ trong bản xuân ca bất tận.
Khởi đầu cho những điều tốt đẹp
Chúng tôi ngồi thưởng trà trước hiên nhà cổ Tích Thiện Đường ở làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Dù chưa đến đêm rằm nhưng khu vườn đã lõa xõa ánh trăng bạc.
Ông Đỗ Hữu Minh, chủ ngôi nhà cổ gần 200 năm nhìn những cánh hoa mai rơi nhẹ xuống sân gạch. Theo ông Minh, quan niệm từ dân gian, Tết Nguyên tiêu là ngày rằm lớn, ngày vía của Phật tổ A Di Đà.
Đó còn là ngày “Thiên quan Tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp nhân gian. Tùy theo tín ngưỡng của mình, các gia đình sẽ có các hoạt động khác nhau.
Trong tiết trời xuân lãng đãng sắc mai vàng, già trẻ, gái trai cùng nhau lên chùa dương sao giải hạn, cầu xin những những điều tốt lành cho gia đình trong năm mới. Đây cũng là lúc người dân khắp nơi mở hội trước khi bước hẳn vào năm mới đầy bận rộn.
Theo quan niệm của người Hoa, năm mới được tính theo âm lịch bắt đầu từ Tết Nguyên tiêu vào rằm tháng Giêng. Đây là lúc khí dương tràn ngập xua tan khí âm của năm cũ, để chính thức khởi đầu cho một năm mới đầy hy vọng.
Đêm hội của ánh sáng
Th.S. Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng bộ môn Du lịch - Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, nguồn gốc Tết Nguyên tiêu có nhiều truyền thuyết khác nhau.
Nhưng mẫu số chung là người dân thường treo nhiều lồng đèn đỏ trước nhà, trước đền miếu… Đèn lồng đỏ biểu trưng cho ngọn lửa để xua đuổi tà ma, giá lạnh, đem lại sự yên bình, ấm áp cho người dân.
Mặt khác, lồng đèn đỏ cũng tượng trưng cho ánh sáng kỳ diệu của mặt trăng. Người ta quan niệm, đây là ánh sáng trăng đầu tiên trong năm mới - một hiện tượng thiên nhiên ảnh hưởng rất lớn đến lịch pháp phương Đông. Vậy nên ngày 15/1 âm lịch là đêm hội của những lồng đèn lung linh rực rỡ.
Hơn nữa, theo Phật thoại, rằm tháng Giêng (lễ Thượng nguyên) - là ngày Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử. Nên vào ngày này, thiện nam tín nữ đi lễ Phật rất đông để cầu Đức Phật phù hộ. Dân gian có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Giá trị của cộng đồng
Ở Hội An, sự hội nhập với thế giới vẫn không làm đứt gãy những tập tục xưa mà luôn được duy trì và gìn giữ. Ví như vào ngày Nguyên tiêu, người buôn bán thường đến các di tích có thờ các thần bảo trợ như Thần Tài, Quan Công… để xin “vay tượng trưng” một ít tiền làm vốn buôn bán.
Đến cuối năm khi kết sổ lại, người vay sẽ đến hoàn trả gốc và san sẻ khoản lời từ khoản tiền đã vay được của thần linh. Ngoài ra, tục xin quẻ xăm đầu năm có từ hàng trăm năm trước nhưng đến nay vẫn có sức hút khó cưỡng đối với nhiều người tại các di tích, đình chùa dịp Nguyên tiêu ở Hoài phố.
Trải qua hàng trăm năm, những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An được cộng đồng cư dân phố cổ gìn giữ và phát huy, tô bồi thêm bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ của riêng Hội An mà còn chung cho xứ Quảng. Đó chính là căn nguyên để Tết Nguyên tiêu Hội An được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm ngoái.
*
* *
Đêm Nguyên tiêu, trăng xa và rộng không bờ bến. Cội mai già tạc vào không gian một nhánh im lặng đến mê hồn. Lại nhớ về đêm Nguyên tiêu đi vào sử sách: Trên đường cử binh bình Chiêm (1471), vua Lê Thánh Tông nghỉ lại cửa biển Hải Vân. Thuyền vua cùng thuyền quân san sát, dập dềnh trên vịnh Đồng Long (vịnh Đà Nẵng) bàng bạc ánh trăng.
Trong xúc cảm đầy phấn khích, chuẩn bị ngày mai xông vào cuộc đại chiến quyết định, nhà vua đã ngự tác bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ” trong đó có hai câu nổi tiếng: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”. Xưa nay trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tao nhân mặc khách. Đặc biệt là thơ về tiết Nguyên tiêu.
Và, Ngày thơ Việt Nam hình như khởi đầu cũng chính từ những cảm hứng về trăng vàng khai hội này.