Giai điệu với nghề gieo chữ...

ĐẶNG TRƯƠNG 21/11/2021 06:09

Tác phẩm âm nhạc “Tình cô” được viết lời bởi Phạm Bạch Trúc - cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước) vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” năm học 2020-2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Xúc cảm về trường xưa, bạn cũ cũng là lời tri ân đối với nghề gieo chữ thiêng liêng...

Phạm Bạch Trúc trong một chương trình văn nghệ.
Phạm Bạch Trúc trong một chương trình văn nghệ.

Hiện Phạm Bạch Trúc sinh hoạt ở Chi hội 3 - Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh, làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca TP.Thủ Đức. Bằng tình cảm và nỗi nhớ quê da diết, chị đã viết khá nhiều bài thơ và không ít trong số ấy đã đi vào nhạc. Phạm Bạch Trúc cũng dần làm quen và sáng tác hoàn chỉnh ca khúc của riêng mình rồi thể hiện, để lại ấn tượng đẹp cho người nghe…

Viết về mái trường xưa

Phạm Bạch Trúc làm việc trong ngành kinh doanh dịch vụ kế toán và đồng phục, nội thất tại TP.Hồ Chí Minh. Dù sinh sống và làm việc xa quê, nhưng suốt nhiều năm nay, với khả năng và niềm đam mê nghệ thuật của mình, Bạch Trúc đã có nhiều sáng tác thơ, nhạc khắc họa hình bóng quê nhà.

Một số bài thơ của Bạch Trúc đã được phổ nhạc như “Tiên Phước, Mẹ quê hương”, “Nay em về Tiên Phước”, “Em chở xuân về”, “Ký ức Sơn Cẩm Hà” hay “Tình mẹ”… Điều mà Phạm Bạch Trúc trăn trở từ lâu là làm sao viết được một bài thơ, hay ca khúc để tri ân thầy cô đã dạy dỗ chị và bao thế hệ học trò nên người.

Dịp tình cờ, chị biết đến cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” năm học 2020-2021, do Bộ GD-ĐT tổ chức khi chỉ còn 5 ngày nữa là khép lại hạn nhận bài. Gác lại công việc, chị dành thời gian để nuôi cảm xúc, viết lên tiếng lòng về mái trường xưa qua tác phẩm “Tình cô”: “Mẹ sinh ra con cho con hình hài/Cô dang đôi tay dắt con vào lớp/Mẹ đã bên con bước chân đầu đời/Cô luôn bên con nét chữ đầu tiên…”.

Sau đó, chị Bạch Trúc gửi đứa con tinh thần của mình cho nhạc sĩ Kiều Tấn Minh - Hội Nhạc sĩ TP.Hồ Chí Minh với hy vọng anh sẽ chắp thêm đôi cánh để “Tình cô” được bay lên. Khi nhận được lời bài “Tình cô” của Phạm Bạch Trúc, nhạc sĩ Kiều Tấn Minh đã bắt tay ngay vào viết bảng phổ, ký âm cho bài hát với thể thức 2 đoạn, viết ở giọng đô thứ - phù hợp giọng nữ dịu dàng đằm thắm…

MV Tình cô - sáng tác Kiều Tấn Minh, thơ Phạm Bạch Trúc

Cũng từng là người thầy đứng trên bục giảng, những cảm xúc về nghề, về học trò bao thế hệ dồn nén trong tim người nhạc sĩ để từng nốt nhạc giai điệu của “Tình cô” bật lên đầy rung cảm: “… Làm sao đếm hết có bao bụi phấn rơi/Làm sao đếm hết khách qua đò sang sông/Làm sao đếm hết ơn cô rộng mênh mông/Dẫu tháng năm vẫn không phai nhòa/Ngày mai cất bước dẫu chói lòi vinh quang/Dù cho sỏi đá rải đường đời gian nan/Tình cô vẫn mãi mang trọn trong tim/Khắc ghi như mẹ hiền luôn bên con”.

Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh chia sẻ: “Sự khéo léo của Bạch Trúc là đã đưa vào bài thơ bố cục rất chặt chẽ. Do đó, ca khúc như có một người soạn lời sẵn cho một người viết nhạc sau. Đây cũng chính là ưu điểm của “Tình cô”.

Tri ân

Với mục đích khích lệ, động viên và khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, đồng thời là dịp thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ nhà giáo, cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” đã nhận được hơn 400 tác phẩm tham dự của các tác giả chuyên và không chuyên trên cả nước.

Nội dung tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên mọi miền Tổ quốc. Điều hạnh phúc với tác giả Phạm Bạch Trúc và nhạc sĩ Kiều Tấn Minh, ca khúc “Tình cô” đã lọt vào tốp 30 bài hát đoạt giải và xuất sắc đứng ở vị trí thứ nhất của cuộc thi.

Phạm Bạch Trúc chia sẻ: “Khi hay tin ca khúc đoạt giải, cảm xúc thật khó tả. Bởi vì ngoài niềm vui thành công ở một cuộc thi lớn, thì tác phẩm đã đến đúng nơi, đặt đúng chỗ khi được thực hiện MV do chính Bạch Trúc thể hiện ngay ở chính những ngôi trường ngày xưa mình theo học trên quê hương Tiên Phước. Do đó những tâm tư tình cảm của mình sẽ có dịp được lan tỏa đến mọi người, xem như đóa hoa dâng lên các thầy cô giáo…”.

Cô giáo Huỳnh Mỹ Hạnh - bạn học cùng lớp với Phạm Bạch Trúc, nay là giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, xúc động: “Những ca từ trong “Tình cô” mộc mạc, giản dị nhưng ấm áp và nặng ân tình.

“Tình cô” như một lời nhắc nhở tôi mãi khắc ghi những công ơn trời biển của thầy cô và như lời thủ thỉ với bản thân là người đứng trên bục giảng ngày hôm nay phải không ngừng phấn đấu, nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu...”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giai điệu với nghề gieo chữ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO