Giải gánh nặng nợ nần

TRỊNH DŨNG 12/12/2016 08:58

Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khóa IX) đã chính thức quyết định xóa nợ thuế ưu đãi vượt trội cho 10 doanh nghiệp sau gần 10 năm loay hoay không tìm được lối ra. Động thái này góp phần thể hiện sự linh hoạt, tính năng động, nhất quán của Quảng Nam trước sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng hành động cụ thể thay vì những cam kết chung chung.

Chính thức xóa nợ

Món nợ 10 năm về ưu đãi đầu tư vượt quy định Chính phủ không giải nổi đã được trình lên Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX. Ông Trần Đình  Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay hai cơ chế ưu đãi vượt trội của UBND tỉnh (Quyết định số 13/2003/QĐ-UB ngày 30.1.2003 và số 94/2004/QĐ-UB ngày 17.12.2004) đã vượt quá quy định của Chính phủ là “trật”, đã bị Trung ương “tuýt còi”. Chính quyền Quảng Nam đã chấp hành mệnh lệnh cấp trên, dừng ngay cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội này bằng việc ban hành Văn bản số 527/UBND-KTTH ngày 8.3.2006 và Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 6.6.2006. Song song với việc ra văn bản dừng ngay các chế độ ưu đãi, UBND tỉnh cũng kiến nghị cho phép Quảng Nam thực hiện ưu đãi vượt quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với những dự án do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư kể từ ngày 31.12.2005 trở về trước, nhưng cho tới nay Thủ tướng Chính phủ hay các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có ý kiến phản hồi kiến nghị của Quảng Nam. Thực tế, cũng đã có khá nhiều doanh nghiệp “chấp hành”, nộp tiền vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng có một số doanh nghiệp “không chấp hành”.

Bao bì Tấn Đạt là một trong những doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh văn bản dừng cơ chế ưu đãi đầu tư, nộp tiền vào ngân sách nhà nước, thay vì trì hoãn! Ảnh: T.D
Bao bì Tấn Đạt là một trong những doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh văn bản dừng cơ chế ưu đãi đầu tư, nộp tiền vào ngân sách nhà nước, thay vì trì hoãn! Ảnh: T.D

Số nợ thuế ưu đãi đầu tư vượt trội này đã treo nhiều năm trên các báo cáo nợ thuế và đã thực sự nóng lên tại các cuộc họp bàn về ngân sách hay các kỳ họp của HĐND tỉnh trong nhiều năm qua. Mặc dù cho cơ chế này là “trật”, nhưng ông Tùng cũng đã viện dẫn tỷ lệ thu ngân sách Quảng Nam khi mới chia tách tỉnh chỉ bằng 1/100 Đà Nẵng, đã gia tăng lên con số hàng ngàn tỷ đồng, trở thành 1 trong 13 tỉnh, thành điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017 phải kể đến tác động tích cực từ các cơ chế này. “Không có chính sách vượt trội thì làm sao thu hút đầu tư khi phải cạnh tranh với các tỉnh, thành khác. Chính phủ đã ra lệnh ách cơ chế “xé rào” của 33 tỉnh, thành Việt Nam chứ đâu riêng gì Quảng Nam. Lẽ ra chuyện này đã được thông qua tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh (khóa VIII), nhưng bất thành. Lần này đã có báo cáo, công văn chỉ đạo đầy đủ” - ông Tùng nói. Ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đồng quan điểm này khi nói nếu không xử lý được thì sang năm lại càng khó khăn hơn.

Có lẽ các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thấu hiểu và thông cảm cho khó khăn của chính quyền, nỗi ưu tư của cơ quan thuế, doanh nghiệp nên hầu như đều biểu quyết thông qua nghị quyết xóa nợ thuế hơn 109,3 tỷ đồng cho 10 doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư vượt trội mà không có bất cứ ý kiến nào bàn ra!

Liệu đã công bằng chưa?

Theo nhiều doanh nghiệp, sự “ù lỳ” của 10 doanh nghiệp vừa được xóa nợ không có gì đáng phải phàn nàn vì họ đã được cam kết ưu đãi mới đầu tư. Song, cũng có khá nhiều doanh nghiệp phân vân liệu điều đó đã công bằng chưa khi chỉ xóa nợ cho 10 doanh nghiệp và sẽ xem xét xử lý tương tự như các dự án do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận có nội dung ưu đãi vượt quy định của Chính phủ và cũng đủ điều kiện hưởng ưu đãi phát sinh đến ngày 31.5.2016 tại Cụm công nghiệp Đại Hiệp? Trong khi, thực tế có đến 15 doanh nghiệp “chấp hành” đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền lẽ ra phải được ưu đãi hơn 28 tỷ đồng (tiền thuê đất gần 20 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 8,1 tỷ đồng) và vài doanh nghiệp thuộc diện này đã gửi đơn đến Ban Pháp chế HĐND tỉnh xin được giải đáp, thì liệu có cách gì ứng xử hợp lý với các doanh nghiệp này?

Có thể hiểu rằng, không có đủ mọi cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự công bằng tuyệt đối để giải quyết ổn thỏa cho tất cả doanh nghiệp. Song thực tế cũng phải tính đến sự công bằng giữa các chủ thể chịu thuế với nhau trong cùng một cơ chế ưu đãi. Việc thông qua quyết định, chính sách xóa nợ ấy có thể vô tình lại tạo ra cơ chế ngược. Không ít doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ theo “sự động viên” của Nhà nước chợt nhận ra rằng lâu nay họ đã quá “ngây thơ”. Tuân thủ thuế, chấp hành tốt lại mất tiền! Liệu suy nghĩ và hành xử của họ trong tương lai có thể sẽ thay đổi? Thậm chí sẽ dẫn đến một điều thay vì tuân thủ thuế, doanh nghiệp sẽ trở nên “khôn ngoan” hơn khi ứng xử với nghĩa vụ thuế của mình.

Quyết định xóa nợ vừa chính thức ban hành không chỉ làm nức lòng doanh nghiệp mà còn giúp cơ quan thuế gỡ bỏ gánh nặng nợ thuế treo nhiều năm và khiến cộng đồng doanh nghiệp cho điểm về năng lực điều hành của Quảng Nam trong việc cải thiện PCI. Điều đó thể hiện tính năng động, linh hoạt và uy tín của Quảng Nam trước các “hợp đồng” đã cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đã chấp hành nộp thuế (dù được ưu đãi) thể hiện sự đồng cảm cao với tỉnh trong tình huống bắt buộc phải dừng ưu đãi vì bị cấp trên khiển trách thì không bàn đến làm gì, nhưng nếu doanh nghiệp thấy mình bị thua thiệt (những tờ đơn xin giải đáp trên thực tế đã xảy ra) vì lòng tốt thì có lẽ chính quyền cũng nên tính toán tới một phương án khác hợp lý để lấy lại lòng tin của doanh nghiệp, đúng như cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn và phục vụ doanh nghiệp thay vì quản lý như trước đây. Nếu thực sự làm được điều này, năng lực và uy tín của Quảng Nam sẽ càng gia tăng. Không còn mấy doanh nghiệp than phiền về sự mất công bằng vốn đã từng được cho là một trong những chỉ số thành phần liên tục bị mất điểm trong nhiều năm qua trong các cuộc điều tra PCI.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải gánh nặng nợ nần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO