Giải hạn ruộng đồng

NGUYỄN SỰ 24/03/2017 08:56

Cách đây 40 năm, ngày 29.3.1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh được phát lệnh khởi công xây dựng bằng một loạt nổ 29 quả mìn đánh phá vỉa đá đầu tiên nằm sát chân đèo Tư Yên.

TỪ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp và sự đồng cam cộng khổ của hàng vạn người dân suốt 9 năm ròng rã, đến ngày 27.3.1986 hệ thống thủy lợi có quy mô lớn nhất miền Trung này được khánh thành trong niềm vui khôn tả của bao người. Hơn 30 năm qua, dòng nước trong xanh từ hồ chứa Phú Ninh theo các con kênh chảy về tưới mát hàng loạt cánh đồng của xứ Quảng, mang lại nhiều mùa vàng bội thu…

Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống kênh chính của hồ chứa Phú Ninh.Ảnh: VĂN SỰ
Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống kênh chính của hồ chứa Phú Ninh.Ảnh: VĂN SỰ

Nghe lại chuyện xưa

Tôi tìm đến nhà, không gặp ông. Nghe vợ ông nói ông vừa lên ủy ban báo cáo lãnh đạo xã về tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tôi vội vã chạy lên trụ sở ủy ban tìm người. Ông là Hồ Quốc Khanh, sinh năm 1954, người đã 12 năm nay đảm nhận chức Trưởng thôn Hòa Nam (Duy Trung, Duy Xuyên). Và, chính ông cũng là thủ lĩnh của đội 202 tham gia xây dựng hệ thống thủy lợi Phú Ninh ngày trước.

Tôi theo chân ông về thôn Hòa Nam, lội thăm những đồng lúa xanh mơn mởn đương thì con gái. Đứng trưa, nắng tháng 3 đã bắt đầu hầm hập, ông rủ tôi khỏa tay xuống dòng nước trong vắt, đầy ắp trên đoạn cuối của tuyến kênh chính Bắc Phú Ninh. Nước mát lạnh xua tan ngay nỗi mệt nhọc.

Nhờ nước tưới dồi dào, đông xuân này bà Trần Thị Nguyệt ở thôn Mậu Hòa (Duy Trung, Duy Xuyên) thu lãi 18 triệu đồng từ việc trồng dưa leo trên 2 sào đất lúa.
Nhờ nước tưới dồi dào, đông xuân này bà Trần Thị Nguyệt ở thôn Mậu Hòa (Duy Trung, Duy Xuyên) thu lãi 18 triệu đồng từ việc trồng dưa leo trên 2 sào đất lúa.

Rít hơi thuốc dài, ông Khanh kể, sau ngày quê hương giải phóng, những xứ đồng nơi đây như tấm áo rách. Muốn có hạt gạo, chính quyền cùng nhân dân phải chung tay lấp từng hố bom, khai hoang từng thửa ruộng để gieo sạ lúa. Thế nhưng, thời điểm đó, do hồ đập và kênh mương quá ít ỏi, lại bị chiến tranh tàn phá nên nguồn nước cung ứng cho cây trồng là vấn đề cực kỳ nan giải. Không có nước tưới, hằng năm nông dân trong vùng chỉ sản xuất được một vụ lúa đông xuân nhưng sự thành bại của mùa màng hoàn toàn phụ thuộc vào trời. Việc canh tác hết sức gian khó khiến nhà nông cứ loay hoay với cảnh đói nghèo.

Cuối tháng 3.1977, hay tin lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát lệnh khởi công xây dựng hồ chứa và hệ thống kênh tưới Phú Ninh, lòng dân Duy Trung như nắng hạn gặp mưa rào. Nghe lời vận động của chính quyền, nhiều nam thanh nữ tú ở địa phương vai quảy đôi trạc, tay cầm cuốc, xẻng… hăng hái lên đường tham gia xây dựng công trình đại thủy nông này. Theo ông Khanh, giai đoạn 1979-1984 tại xã Duy Trung có 2 đội thi công với ký hiệu Đ202 và Đ203 gồm 130 người, phần lớn trong độ tuổi 20 - 35. Ông bảo, hồi đó ông làm đội trưởng Đ202, trực tiếp chỉ huy 65 thành viên để cùng rất nhiều đội khác trong tỉnh đảm nhận việc đào đắp tuyến kênh chính Bắc Phú Ninh đoạn từ ga Phú Cang (Bình Quý, Thăng Bình) ra đến điểm cuối là cánh đồng Suối Dũng thuộc thôn An Trung (Duy Trung, Duy Xuyên). Ông Khanh nói: “Trong 6 năm ấy, mỗi năm anh em trong đội của tôi tham gia thi công ít nhất là 3 tháng và nhiều nhất là 6 tháng. Do điều kiện đi lại quá khó khăn, khoảng cách từ nhà đến công trường khá xa nên đợt nào chúng tôi cũng ở nhờ nhà dân xung quanh công trường. Bữa nào cũng cơm độn sắn, tối nằm ngủ dưới nền đất lạnh buốt. Lúc đó, làm ăn công điểm, cứ 10 điểm thì được 3 lạng lúa. Bình quân mỗi đợt tham gia, tôi được 1,5 nghìn điểm, quy ra 450kg lúa, kết thúc chiến dịch đem phiếu về hợp tác xã nhận. Nói thật, dù rất khổ cực nhưng trong lòng anh em ai cũng thấy vui, bởi tất cả đều mong mỏi đồng ruộng khô nẻ quê mình sớm có nước tưới”.

Sau lễ khánh thành, chừng giữa tháng 4.1986 dòng nước đầu tiên từ hồ Phú Ninh chảy về đến cánh đồng Suối Dũng thuộc xã Duy Trung – điểm cuối của tuyến kênh chính phía bắc. Người người vui như trẩy hội…

Còn hơn cho dân cục vàng

“Tôi có 8 sào ruộng, tất cả phụ thuộc vào nước hồ Phú Ninh. Cách đây hơn 30 năm, khi chưa có công trình đại thủy nông đó, nếu vụ đông xuân may mắn trúng mùa, mỗi sào chỉ thu được 40kg lúa khô. Còn nay, nhờ nước tưới dồi dào, năng suất đạt khoảng 270 - 300kg/sào/vụ”.
Ông Hồ Quốc Khanh (Trưởng thôn Hòa Nam, Duy Trung, Duy Xuyên)

Ông Trần Năm – Chủ tịch UBND xã Duy Trung (Duy Xuyên) cho biết: “Trong việc canh tác lúa và cây trồng cạn, nếu không có nước tưới, chắc chắn thất bại. Ngoài 50ha đất màu, mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã gieo sạ 310ha lúa, trong đó có 73ha của hơn 800 hộ dân ở các thôn Mậu Hòa, Duy Lâm, Hòa Nam, An Trung hoàn toàn dựa vào nguồn nước hồ Phú Ninh. Hồi mới giải phóng đến cuối năm 1985, do không có hệ thống thủy lợi nên số diện tích ấy hoặc phải bỏ hoang hoặc sản xuất mỗi vụ đông xuân nhưng năng suất chỉ đạt chừng 15 tạ/ha/vụ. Từ khi có nước Phú Ninh tới giờ, năng suất bình quân đạt 58 - 60 tạ/ha/vụ. Ông Nguyễn Như Tiền - Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Nếu không có nước Phú Ninh về, thì ngoài nguy cơ chết đói, dân xã tôi cũng sẽ chết vì khát. Ở vùng này, việc ăn uống, sinh hoạt của đại đa số người dân đều dựa vào các giếng đào. Hằng năm, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 8 âm lịch nắng nóng dữ dội, nếu nước Phú Ninh không chảy về thấm nhỉ thì hàng loạt giếng sẽ trơ đáy, dân biết tìm đâu ra nước sử dụng. Có thể nói, việc đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa, kênh tưới Phú Ninh để đưa nước về xã Duy Trung cũng như nhiều nơi khác của tỉnh nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn quý hơn cầm cục vàng cho dân”.

Ông Huỳnh Hoàng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hồ Phú Ninh có sức chứa gần 500 triệu mét khối nước. Hệ thống công trình đầu mối gồm 1 đập chính, 4 đập phụ, 1 đập tràn sự cố, 3 tràn xả lũ, 3 cống lấy nước, 1 nhà máy thủy điện. Hệ thống kênh tưới gồm 2 tuyến chính Nam - Bắc với chiều dài 52km và hơn 600km kênh cấp 1,2,3. Công trình có nhiệm vụ chính là cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích tưới hằng năm khoảng 23.000ha của Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên. Ngoài ra, hồ cũng cấp nước cho công nghiệp và dân sinh với lưu lượng 1,6m3/s, cấp nước phát điện với công suất lắp máy gần 2.000kW, cấp nước nuôi trồng thủy sản và kinh doanh du lịch sinh thái... Đặc biệt, trong mùa mưa lũ hồ còn tham gia cắt lũ cho các địa phương vùng hạ du.

Ông Võ Văn Quảng – Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung (Thăng Bình) cho biết, trên địa bàn 7 thôn của xã có 836ha đất lúa, hiện số diện tích đó đã thực hiện xong khâu dồn điền đổi thửa và hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu. Ông Quảng nói: “Mấy chục năm qua, toàn bộ 836ha lúa ấy đều phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước hồ Phú Ninh. Nếu không có công trình đại thủy nông này thì việc dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung cũng trở nên vô nghĩa. Theo thống kê, năm 2016 năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 62 tạ/ha, tăng 45 tạ/ha so với cuối năm 1985 trở về trước”.

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, mỗi vụ nông dân toàn huyện gieo trồng 8.500ha lúa, 5.000ha hoa màu. Trong số 22 xã, thị trấn của huyện thì có đến 17 địa phương (trừ Bình Minh, Bình Hải, Bình Dương, Bình Lãnh, Bình Trị) vụ nào cũng được sử dụng nước từ hồ Phú Ninh để phục vụ sản xuất 5.000ha lúa, 500ha rau màu. Trong đó, những vựa lúa lớn như Bình Tú, Bình An, Bình Trung, Bình Chánh, Bình Quý… 100% diện tích phụ thuộc vào nước hồ Phú Ninh. Ông Vũ nói: “Ngoài 5 cánh đồng mẫu chuyên canh tác cây trồng cạn theo hướng tập trung, thời gian qua Thăng Bình cũng xây dựng được 34 cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao. Nếu cách đây 30 năm, năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 20 tạ/ha thì nay tăng lên 58 tạ/ha. Riêng 5.000ha lúa nhận nước tưới từ hồ Phú Ninh, năng suất cao hơn mức bình quân của huyện khoảng 20%”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải hạn ruộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO