(QNO) - “Thực tế kinh doanh ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á cho thấy, từ nhận thức về vai trò của thương hiệu đối với sự sống còn của doanh nghiệp không đầy đủ, chứ không phải là không biết, chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, tức là khi khả năng đánh mất uy tín thương hiệu là hiện thực rồi thì các ông chủ mới tá hỏa nhận ra rằng, lâu nay họ mải mê doanh số, đánh bóng hình ảnh, mở rộng thị phần mà quên không chăm sóc một tài sản vô hình (nhưng rất có giá trị) là thương hiệu”.
Đây cũng là một phần trong mục “Mất bò mới lo làm chuồng” của Chương 5 “Chết vì đánh tráo khái niệm” của cuốn sách, đề cập đến việc khủng hoảng thương hiệu của Khaisilk, sau khi thông tin Khaisilk bán sản phẩm chất liệu lụa Trung Quốc thay cho sản phẩm Khaisilk vốn được khẳng định là hàng “made in Vietnam” xuất hiện ngày 8.10.2017.
Trong đó, tác giả cuốn sách phân tích những động thái xử lý khủng hoảng truyền thông: “Khi khủng hoảng xảy ra, ông chủ của thương hiệu này đã có cách ứng xử đầy mâu thuẫn và gây bất lợi cho chính mình”; đồng thời đi đến nhận định: “Nếu doanh nghiệp chỉ có một thương hiệu duy nhất thì có thể phải đối mặt với nguy cơ người tiêu dùng tẩy chay không mua, thậm chí có thể lan truyền thông tin nhanh chóng để cảnh báo với những đối tượng tiêu dùng khác. Nếu doanh nghiệp là đa ngành, đa nghề thì thiệt hại về uy tín và hình ảnh có thể lớn hơn, lan sang cả những thương hiệu con khác và tất nhiên dẫn đến những hệ lụy về việc mất khách hàng, giảm doanh số tức thời, xa hơn có thể dẫn đến những hệ lụy về việc mất những hợp đồng lớn đã ký kết nhiều năm với các đối tác truyền thống”.
Cũng từ phân tích trên, tác giả Phạm Sông Thu đưa ra kết luận: “Bài học dành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập thì vô vàn, nhưng có lẽ một trong những bài học vỡ lòng mà các doanh nghiệp của Việt Nam nên học ngay từ đầu là: Kinh doanh trong bất cứ môi trường nào đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, tư duy chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật và thấu hiểu người tiêu dùng”.
Không chỉ với Chương 5, mà hầu hết trong 15 chương của “Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết?”, tác giả Phạm Sông Thu đều có những dẫn chứng sinh động, hấp dẫn từ thực tiễn, kể cả những “chiêu trò” mà các doanh nghiệp sử dụng; đồng thời truyền tải những kiến thức, kỹ năng về quá trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, xử lý khủng hoảng truyền thông… của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó cũng là điều quan trọng và mang lại giá trị khác biệt cho cuốn sách này so với những tác phẩm chuyên về xây dựng và quảng bá thương hiệu, xử lý khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới...
Những bài học này được tác giả đúc kết thành hệ thống qua quá trình hơn 20 năm hoạt động trên lĩnh vực báo chí và làm việc tại các tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam như VinGroup, NovaGroup cũng như tham gia làm diễn giả tại các trường đại học, cao đẳng về chuyên ngành truyền thông, quản trị thương hiệu…
Trong cuốn sách, tác giả đề cập việc các doanh nghiệp cần sáng tạo trong truyền thông, xây dựng và quảng bá thương hiệu nếu không muốn “chịu chết” trước cuộc chiến với các đối thủ cạnh tranh cũng như trước những thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày càng lan tràn rộng rãi và nhanh chóng. Tuy nhiên, tác giả khuyến cáo, trong sáng tạo cũng cần quan tâm đến những giới hạn nhất định liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, sắc tộc…, để từ đó tạo sự đột phá nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách “Cuộc chiến thương hiệu - Sáng tạo hay chịu chết?” do Nhà xuất bản Đà Nẵng tổ chức tại Đường Sách TP.Hồ Chí Minh ngày 7.5 vừa qua, tác giả Phạm Sông Thu cho biết, toàn bộ nhuận bút tác quyền và thù lao các buổi chia sẻ trong thời gian sau khi sách ra mắt sẽ được dành tặng cho trẻ em mồ côi vì COVID-19.