"Giải mã" văn khắc ma nhai Ngũ hành Sơn

XUÂN LAN 30/03/2019 03:04

Bia ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá ở sườn núi)  Ngũ Hành Sơn vượt trội về số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tụ nhiều tác giả là danh nhân của 3 miền,… Hơn thế, ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn, còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố ma nhai Việt Nam.

Trang lời dẫn Ngũ Hành Sơn lục.
Trang lời dẫn Ngũ Hành Sơn lục.

Đó là nhận định của Đại đức Thích Không Nhiên, Phó Chủ biên kiêm Thư ký tập san Liễu Quán tại tọa đàm khoa học “Thư tịch cổ & Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn” do Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán –Huế tổ chức cuối tuần qua (23.3).

Xuất lộ giá trị

Theo Đại đức Thích Không Nhiên, phần lớn văn bản ma nhai ở Việt Nam được biết đến đều thuộc văn khắc Hán Nôm (một số bằng chữ Quốc ngữ, hoặc tiếng Pháp), có niên đại khắc bản kéo dài từ đời Trần, Lê, Nguyễn cho đến tận hôm nay. Các văn bản ma nhai này có đủ thể loại, từ bi ký, khắc kinh, tán, kệ tụng, thơ văn, câu đối, đề từ, đề danh… tập trung chủ yếu tại quần thể đá vôi với các hệ hang động đa dạng, sơn thủy hữu tình, nhiều nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Kim bài vua Minh Mạng ngự ban chùa Tam Thai năm Minh Mạng thứ 6 (1825).
Kim bài vua Minh Mạng ngự ban chùa Tam Thai năm Minh Mạng thứ 6 (1825).

Đặc biệt, ngọn Ngọa Miêu Sơn ở ngã 3 sông Kinh Thầy, Đá Bạch, Đá Vách thuộc xã yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hiện còn lưu dấu 5 văn bản ma nhai Hán Nôm rất quý. Đáng chú ý là 2 bài thơ chữ Nôm khắc trên vách động: Một của vua Trần Nhân Tông vịnh núi con Mèo khắc vào mùa xuân năm Trùng Hưng thứ 8 (1292) – được coi là văn bản ma nhai có niên đại khắc bản sớm nhất nước ta; một của vị quan hồi hưu Trần Văn Đại bái họa bài thơ nôm của Trần Nhân Tông vào mùa đông năm Bảo Đại thứ 12 (1937).

Riêng từ Nam Trung Bộ trở vào, chỉ có một văn bản ma nhai khắc bằng văn tự Chămpa tại động Phong Nha (Quảng Bình) về Phật giáo… Gần đây, trong nỗ lực khảo sát, nghiên cứu di sản văn khắc Hán Nôm để thực hiện chuyên đề ấn phẩm Liễu Quán 16, nhóm công tác thuộc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán đã sưu tầm được hệ thống hơn 90 văn bản ma nhai tại quần thể Ngũ Hành Sơn. Các văn bia ma nhai này chủ yếu trên vách 5 hang động trong ngọn Thủy Sơn, gồm: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ. Trong đó, động Huyền Không chiếm đến 60 văn bản, động Tàng Chơn có 20 văn bản, động Vân Thông 2, động Linh Nham 3, động Âm Phủ 3 và vị trí khác có 3 văn bản.

Nam Bảo Đài hinh bi.
Nam Bảo Đài hinh bi.

Tuy nhiên, phần lớn văn bản không còn nguyên vẹn. Bởi một số lớn bị phong hóa theo thời gian, mờ hết chữ; một số bị bôi lấp bởi sơn và xi –măng. “Đáng tiếc nhất là trong số 8 bia ký thời chúa Nguyễn hiện còn, có đến 5 tấm bia đã bị đục hết nội dung chữ…” - Đại đức Thích Không Nhiên nói.

Cấp thiết bảo tồn

Danh thắng Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng bởi non nước hữu tình mà ngay sau cuộc bình Chiêm năm 1471 của vua Lê Thánh Tông, vùng đất này sớm định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đàng Trong, còn đang lưu giữ hệ thống văn bản khắc Hán Nôm trong các hang động, là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay đặc biệt quan tâm.

Thực tế, 60 ma nhai trong động Huyền Không chỉ 36 văn bản còn tương đối nguyên vẹn. 20 văn bản trong động Tàng Chơn thì chữ đã quá mờ, không thể đọc được. May thay, chúng ta có “Ngũ Hành Sơn lục” – ghi chép về mọi việc tại Ngũ hành Sơn của tú tài Hồ Thăng Danh –người làng Khuê Đông, Hòa Quý, Hòa Vang vào đầu triều Khải Định (1916), với sự chứng kiến của hòa thượng Thích Tự Trí trụ trì chùa Linh Ứng.

Theo nhà nghiên cứu Phan Đăng (Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán), đây là văn bản chép tay bằng chữ Hán, xen lẫn một vài bài chữ Nôm, 49 tờ chữ Hán - gần 96 trang, chưa hề được công bố dưới dạng bản in. Đây là một tư liệu quý, ghi chép chi tiết đầy đủ về lịch sử Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Do vậy, toàn bộ 20 văn bản ma nhai tại động Tàng Chơn, hầu như có thể nắm rõ trọn vẹn nội dung.

Các văn bản ma nhai tại động Vân Thông và Âm Phủ còn mới và nguyên vẹn. Riêng tại động Linh Nham hiện có 3 văn bản – ngoài bức đại tự Linh Nham động do vua Minh Mạng ngự đề (1837) còn khá sắc nét, thì 2 văn bản đề thơ thời Bảo Đại cũng chịu chung số phận bị xi măng bồi lấp! Hiện có 8 bia ký Phật giáo thời các chúa Nguyễn còn được lưu giữ trên các vách động Huyền Không, Tàng Chơn và Vân Thông. Tuy nhiên, trong số 8 bia ma nhai này chỉ có 3 văn bản còn nguyên vẹn là: Minh - Phước Quảng Sa-môn Thích Chế Để chi bài, khắc tháng 3 năm Nhâm Tuất (1622) tại động Huyền Không; Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, khắc tháng 10 năm Tân Mùi (1631) tại động Vân Không; Phổ Đà Sơn Linh trung Phật, khắc năm Canh Thìn (1640) tại động Huyền Không.

Về ngự bút của vua Minh Mạng, ngoài các tấm bia khắc đại tự “Vọng giang đài”, “Vọng hải đài” và biển đề “Huyền Không môn”, có 7 bia ma nhai đại tự do vua Minh Mạng ban cho. TS.Võ Quang Vinh (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) chia sẻ, nhiều tên gọi trong hệ thống danh thắng Ngũ Hành Sơn do vua Minh Mạng đặt tên và khắc vào đá như: động Huyền Không, động Linh Nham, động Lăng Hư, động Vân Thông, động Tàng Chân, hang Vân Nguyệt, hang Thiên Long… vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Riêng chùm bài thơ ngự chế về danh thắng Ngũ Hành Sơn của Vua Minh Mạng vào năm thứ 18 (1837), cho thấy đây là tiến trình Nam tuần của vua Minh Mạng, đấy cũng là lần thứ 3 xa giá của vị Thánh tổ triều Nguyễn lâm hạnh Ngũ Hành Sơn.

TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất – nơi đánh dấu sự cộng cư hài hòa, sinh động giữa người Việt di cư và người Chămpa tiền trú, cần có các biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn và bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng nhận định, những phát hiện này góp phần đánh giá một cách có hệ thống và khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng đặc biệt Ngũ Hành Sơn; phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hướng đến việc đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào “Danh mục ký ức quốc gia” và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thế giới trong tương lai.

XUÂN LAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Giải mã" văn khắc ma nhai Ngũ hành Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO