Lần đầu tiên ở Quảng Nam, việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công được xác định là trọng tâm, then chốt, xuyên suốt, thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực phấn đấu ở mức cao nhất của chính quyền, cơ quan quản lý, chủ đầu tư.
“Tối hậu thư” giải ngân
Đầu tư công đã không thể trở thành xung lực hay cú hích thúc đẩy tăng trưởng trước tác động xấu của đại dịch. Tỷ lệ giải ngân cả tỉnh hồi cuối tháng 7 khoảng 35,25% đã được nâng lên 38,7% (kế hoạch vốn năm 2021 khoảng 35,7% và 46,2% vốn 2020 kéo dài) vào cuối tháng 8.
Ngay trong tháng 8, vốn đầu tư công do địa phương quản lý lại giảm 13,7% so cùng kỳ. Một số dự án trọng điểm hiện vẫn dang dở, chậm tiến độ vì gặp khó bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc chậm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục…
Dù đã điều chuyển hơn 112,6 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ để bổ sung cho các dự án quyết toán, hoàn thành hay các dự án có khối lượng, nhu cầu giải ngân vốn ngay khi bổ sung, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn không tiến triển bao nhiêu. Mục tiêu có thể đạt mức giải ngân từ 95 - 100% kế hoạch vốn đã phân bổ có nguy cơ “vỡ trận”.
Ngày 15.9.2021, UBND tỉnh ban hành công văn đôn đốc các cơ quan quản lý, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, chính quyền địa phương thực hiện đúng Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (ban hành ngày 27.8.2021).
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý kỷ luật các chủ đầu tư, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn của các dự án. Một bản danh sách các chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ, không thực hiện hoặc trễ, không đầy đủ nội dung báo cáo về tiến độ sẽ được công bố trước ngày 31.12.2021 để căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, tập thể, cá nhân. Không đề xuất danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng với người đứng đầu, tập thể không hoàn thành tỷ lệ giải ngân theo quy định.
Theo đó, đến ngày 30.9.2021, kế hoạch vốn chưa giải ngân hết sẽ bị cắt giảm, điều chuyển đến 70%; sẽ cắt giảm, điều chuyển hết kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hết trước ngày 15.11.2021. Không chỉ vốn kế hoạch năm 2020 kéo dài sang năm 2021 bị xem xét, kế hoạch vốn năm 2021 cũng nằm trong diện phải cắt giảm, điều chuyển.
Dựa vào kết quả giải ngân quý III - 2021, sẽ rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021 đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% (sau ngày 30.9.2021).
Tất cả dự án có tỷ lệ giải ngân thấp so tỷ lệ quy định ở từng thời điểm và dự án còn kế hoạch vốn nhưng không có khả năng giải ngân hết trong năm 2021 sẽ tiếp tục được rà soát, cắt giảm.
Không chỉ vậy, những dự án không vướng mắc giải phóng mặt bằng nhưng tỷ lệ giải ngân thấp buộc phải hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu, theo điểm dừng kỹ thuật, gửi hồ sơ thanh toán khi có khối lượng thực hiện, không dồn thanh toán vào cuối năm hay kết thúc công trình. Các số liệu giải ngân sẽ được công khai cho các cơ quan theo dõi, giám sát.
Nước rút
Các chủ đầu tư, nhà thầu không muốn bị liệt vào danh sách “yếu kém” buộc phải chạy đua nước rút, đưa công trình về đích đúng tiến độ và giải ngân hết vốn. Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng cho hay, hiện tỷ lệ giải ngân của 51 dự án do ban làm chủ đầu tư và nhận chuyển giao chỉ đạt hơn 46%. Có nguy cơ không giải ngân hết vốn là hồ Lộc Đại, khi chưa thể di dời hết mồ mả vì thiếu khu cải táng, và dự án nâng cấp điện nông thôn dự kiến sẽ trao thầu xây dựng trong tháng 10.2021.
Theo ông Sơn, để giải ngân vốn đến mức có thể, sẽ xây dựng kế hoạch, đánh giá tiến độ giải ngân cụ thể cho từng dự án. Nếu không sẽ điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ các dự án của ban quản lý.
Tất cả phiên làm việc trực tiếp với các sở, ban, ngành, địa phương của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước đều nhận được lời cam kết của các chủ đầu tư có thể giải ngân hết vốn ngay trong năm 2021, trừ các trường hợp bất khả kháng và phụ thuộc rất nhiều về việc điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn của từng dự án.
Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT nói, 17 dự án ban quản lý đã giải ngân đến 31.8.2021 khoảng 57,7%. Các dự án (hồ chứa nước Phước Hòa, Hố Do, kè sông Trường, chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã Tam Hải hay đê ngăn mặn Bình Đào, chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An…) đều đã đạt 40 - 70% khối lượng thi công. Tất cả sẽ được giải ngân 100% kế hoạch vốn khi kết thúc năm 2021.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương đang triển khai 96 dự án (49 chuyển tiếp và 47 khởi công mới). Các dự án được bố trí vốn trong kế hoạch 2021 đều chậm, mới đạt 29,6% (tính đến ngày 25.8), địa phương sẽ chủ động, giải quyết dứt điểm vướng mắc, bảo đảm có mặt bằng sạch để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ.
Các nhà thầu cũng quyết tâm đưa công trình vượt lũ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch vốn. Ông Nguyễn Xuân Chung - Chỉ huy trưởng công trình Tổng Công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa nói, khối lượng gói thầu sửa chữa nâng cấp hồ Cao Ngạn (Thăng Bình) đã khoảng 70%, đủ sức vượt lũ. Nhà thầu đang tập trung toàn lực, nhân công ở tại công trường, thi công bất kể ngày đêm; khối lượng đến đâu, nghiệm thu và thanh toán đến đó. Công trình sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Thông qua nhiều cuộc giám sát, làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, đã nhìn thấy những hạn chế về nhân sự, những dự án lớn nhỏ đan xen nhau, cản trở của giải phóng mặt bằng khiến các địa phương, kể cả những chủ đầu tư (các ban quản lý chuyên nghiệp) gặp khó khăn.
Tuy nhiên, với những khuyến cáo, yêu cầu ít nhất 2 tuần/lần phải rà soát việc giải ngân, điều chuyển vốn ngay trong các công trình, dự án nội bộ khi có khối lượng; hợp tác các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thẩm tra chất lượng hồ sơ dự án; phân chia trách nhiệm cho từng dự án, xử lý các nhà thầu yếu năng lực, đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh thi công..., tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang có xu hướng khả quan hơn.