Giai nhân kỳ ngộ diễn ca - tác phẩm quan trọng của Phan Châu Trinh

LÊ THÍ 27/02/2022 07:31

“Trong những trước tác của Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca là tác phẩm đồ sộ nhất. Cuốn truyện bằng thơ này có tất cả hơn 7.700 câu, dài bằng gần 2 lần rưỡi truyện Kiều” (Vĩnh Sính). Vì  tác phẩm đồ sộ nên ít người đọc hết để hiểu được toàn bộ giá trị của nó, nhất là về mặt tư tưởng.

Sách Giai nhân kỳ ngộ diễn ca xuất bản năm 1958.
Sách Giai nhân kỳ ngộ diễn ca xuất bản năm 1958.

Tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca

Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (GNKNDC) là bản diễn ca ra chữ Quốc ngữ từ bản dịch của Lương Khải Siêu bằng văn xuôi Hán văn của tác phẩm nguyên bản tiếng Nhật Kajin Kigu. Tác phẩm này do Tôkai Sanshi (1852 - 1922) viết. Năm 1906, khi sang Nhật để trao đổi với Phan Bội Châu về đường lối cách mạng Việt Nam và tìm hiểu công cuộc Duy tân của Nhật, Phan Châu Trinh đã gặp bản dịch sách này và mang về.              

Cụ Phan đã dịch quyển này trong nhiều năm, có thể từ năm 1912 và hoàn thành vào khoảng năm 1919 - 1920, nhưng do cụ sống ở Pháp nên không thể xuất bản được. Sau khi Phan Châu Trinh mất, một đồng chí của ông là Ngô Đức Kế đã cho in cuốn diễn ca ở Hà Nội nhưng bị thực dân Pháp tịch thu và tiêu hủy.

Dựa vào di cảo còn lưu tại nhà người con gái trưởng của Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng, năm 1958 lần đầu tiên Lê Văn Siêu đã bình giải, chú thích và cho ra mắt bạn đọc qua Nhà xuất bản Hướng Dương, Sài Gòn.

Về mặt nghệ thuật của GNKNDC, GS. Bửu Cầm cho rằng: “Kỹ thuật hành văn của tác giả đã tiến đến một trình độ rất cao, có nhiều đoạn không nhường văn chương Nguyễn Du và Nguyễn Huy Tự” (Việt Nam khảo cổ tập san số I, Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn, 1960, trang 181).

Còn GS. Nguyễn Huệ Chi thì cho rằng văn chương trong GNKNDC là “con số cộng trung bình giữa Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu” (Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển số 3, 4 năm 2014, trang 76).

GNKNDC được Trần Hải Yến nghiên cứu khá đầy đủ trong một luận án tiến sĩ tại Viện Văn học vào năm 2002 với đề tài: “GNKNDC trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ 20”.

Đây là cuốn “tiểu thuyết chính trị” có chủ đề cổ vũ tinh thần ái quốc, ý chí xả thân cho độc lập dân tộc trong phong trào duy tân của Nhật Bản; là những câu chuyện đấu tranh gian nan để giành độc lập và chống chế độ phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ.

Nguyên bản gồm 16 quyển chia làm 8 tập được Lương Khải Siêu chuyển  thành 16 hồi. Khi chọn dịch, Phan Châu Trinh chỉ dịch 8 hồi. Tuy chỉ 8 hồi nhưng vẫn giữ được cơ bản nội dung cốt truyện và theo Nguyễn Văn Dương (Phan Châu Trinh toàn tập, Nxb. Đà Nẵng, 2005) thì sách có 6.903 câu thơ lục bát và 28 bài riêng lẻ với 550 câu gồm nhiều thể loại như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn Đường luật, ngũ ngôn trường thiên, hát nói, văn tế…

Truyện rất dài và nhiều tình tiết, có thể tóm lược: U Lan là một nữ ái quốc người Tây Ban Nha, là kiều cư của Mỹ, được tin cha ở quê nhà bị bắt giam, liền giao lại sản nghiệp cho bạn là Hồng Liên, một nữ ái quốc của Ái Nhĩ Lan để về nước cứu cha. U Lan vì chữ hiếu phải tạm xa người tình là Tấn Sĩ - một chí sĩ Nhật Bản.

Trước khi về nước, U Lan dặn Hồng Liên, nếu nàng sống thì sẽ gặp lại, nếu chết thì nhờ bạn dùng tài sản của mình để phục vụ cho cuộc cách mạng của nước bạn. Nhưng Hồng Liên không chịu, quyết đi theo để giúp bạn, còn tài sản thì giao lại cho Phạm Khanh, một nhà ái quốc Trung Hoa. Phạm Khanh cũng không chịu và đòi đi theo để giúp bạn. Thế là ba người ở ba nước xa lạ ấy lên đường đi Tây Ban Nha.

Khi đến quê hương U Lan, Hồng Liên đã hy sinh thân mình, dùng sắc đẹp quyến rũ tên giám ngục để đánh tháo cho cha bạn. Sau đó cha con U Lan trốn sang Ai Cập và làm cố vấn cho quân đội Ai Cập để chống lại người Anh…

Bản gốc của Tôkai Sanshi và bản dịch văn xuôi Hán văn của Lương Khải Siêu còn nhiều tình tiết nhưng Phan Châu Trinh dừng lại ở đây.

Câu chuyện xoay quanh tình yêu tha thiết (U Lan và Tấn Sĩ), tình bạn đậm đà (U Lan, Tấn Sĩ, Hồng Liên, Phạm Khanh) của những thanh niên có tâm huyết, nhiệt thành ái quốc và luôn sẵn sàng tranh đấu cho chính nghĩa. Vì vậy Bửu Cầm gọi đó là cuốn tiểu thuyết “lãng mạn cách mạng”.

Giá trị tư tưởng của quyển sách

Có nhiều “góc nhìn” về tác phẩm đồ sộ này. Tiến sĩ Trần Hải Yến cho rằng GNKNDC “có nhiều điểm mới về kết cấu truyện thơ, về bút pháp và  thi pháp tả người, tả cảnh”. Nguyễn Huệ Chi gọi đây là “một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh” và có ý cho rằng GNKNDC là “phóng tác” hơn là một truyện dịch, ông nói: “Vai trò đồng sáng tạo của Phan trong GNKNDC vẫn lớn hơn rất nhiều trường hợp một người chỉ đơn thuần chuyển ngữ”.

GS. Bửu Cầm lại cho rằng: “Về văn nghệ Phan Châu Trinh đã chủ trương lãng mạn cách mạng, lãng mạn không cách mạng là thứ lãng mạn đồi phế, cách mạng thiếu tính chất lãng mạn là một thứ cách mạng khô khan…

Về tôn giáo, triết học ông chủ trương các giáo tổ và triết gia Đông - Tây đã gặp nhau ở điểm đồng nhất: tranh đấu cho lẽ phải, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại” và tuy kỹ thuật rất cao “nhưng chỉ là “định vị cảo” (bản thảo chưa hoàn chỉnh) nên cách phân hồi, chia lớp chưa phân minh lại dùng nhiều từ địa phương, từ cổ nên khó hiểu cho độc giả” (Sđd trang 181).

Nhưng có lẽ ý nghĩa lớn lao nhất là về mặt tư tưởng.

Phan Châu Trinh là nhà cách mạng, thơ văn của ông không phải để thù tạc mà chủ yếu phục vụ mục tiêu đấu tranh cách mạng. Đó là việc thay đổi chế độ quân chủ chuyên chế, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh để xây dựng xã hội dân chủ tiến bộ giàu mạnh, đất nước độc lập bền vững trên cơ sở tự lực tự cường.

Vì thế không có chuyện Phan Châu Trinh bỏ ra cả 10 năm để dịch và diễn ca một “chuyện tình” mà “sức cuốn hút của cuốn sách nguyên bản đối với ông là ở chuỗi cốt truyện phiêu lưu và chuỗi tự sự lịch sử với chủ điểm là những câu chuyện đấu tranh gian nan không ngừng nghỉ chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập hoặc những phong trào bền bỉ chống chế độ phong kiến thối nát xây dựng chế độ dân chủ hoặc quân chủ lập hiến” (Nguyễn Huệ Chi, tài liệu đã dẫn).

Chính vì mục đích này mà ông đã sử dụng phương thức diễn ca, vì ông biết rất rõ thế mạnh của thơ trong việc tuyên truyền phổ biến. Một tác phẩm “diễn ca” sẽ có khả năng truyền cảm hứng rất cao cho đối tượng độc giả nước ta.

Khái quát đáng chú ý của Nguyễn Văn Dương trong Phan Châu Trinh toàn tập là: “Trong tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh những vấn đề dân tộc, dân quyền dân sinh hết sức gắn bó với nhau và có thể nói nội dung nguyên tác rất phù hợp với khát vọng hành động của ông. Ta có thể thấy qua GNKNDC Phan Châu Trinh đã gửi gắm tất cả ý chí, nguyện vọng và tình cảm của mình”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giai nhân kỳ ngộ diễn ca - tác phẩm quan trọng của Phan Châu Trinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO