Nhiều đô thị trên thế giới đang phải đối mặt với bệnh tật, tệ nạn, các vấn đề về giáo dục, y tế, nhà ở, môi trường… Vì thế, sự ra đời của CityNext được xem là một giải pháp quan trọng để hiện thực hóa đô thị thông minh.
Đô thị thông minh được xem là mô hình giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như tạo môi trường phát triển bền vững. Tại đây, thông tin được mạng truyền tải, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng, từ giao thông vận tải, an ninh, tới giải trí, đào tạo, y tế… được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường. Tại hội nghị Đối tác toàn cầu của Microsoft vừa diễn ra tại Mỹ, giải pháp CityNext đã được giới thiệu. Đây là sáng kiến toàn cầu nhằm trao quyền cho các đô thị, doanh nghiệp và công dân xây dựng và phát triển các cộng đồng tương lai theo hướng năng động hơn. Theo đó, CityNext giới thiệu mạng lưới Microsoft Partner Network rộng lớn, với hơn 430 nghìn chuyên gia công nghệ trên khắp hành tinh, nhằm giúp cho các đô thị nguồn nhân lực và các tư vấn để đổi mới tốt hơn.
Thành phố Putrajaya thông minh của Malaysia. Ảnh: skyscrapercity.com |
Bà Laura Ipsen - Phó Chủ tịch khối Doanh nghiệp công, Tập đoàn Microsoft cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 3,5 tỷ người tập trung tại các đô thị và sẽ tăng mạnh trong vài năm tới đã đặt ra nhu cầu, thách thức quản lý các đô thị. Trong đó, sáng kiến CityNext của Microsoft đặt con người làm điểm nhấn, xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại nhằm liên kết công dân, doanh nghiệp và các lãnh đạo chính phủ theo những phương pháp mới. Ngoài ra, việc kết hợp với mạng lưới Microsoft Partner Network rộng lớn giúp các đô thị cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu, liên kết được công dân, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Là khách hàng đầu tiên ứng dụng mô hình đô thị thông minh, thành phố Barcelona của Tây Ban Nha được đánh giá đã thành công khi khai thác điện toán đám mây, dữ liệu và các ứng dụng để tăng cường hoạt động hành chính, tương tác với người dân, nhất là quá trình minh bạch thông tin. Cư dân Barcelona hiện có thể truy cập đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định khi cần khởi nghiệp hay tìm nơi định cư tốt nhất.
Bà Laura Ipsen cũng cho biết thêm, CityNext là công cụ hội tụ một hệ thống giải pháp, thiết bị và dịch vụ từ các đối tác, giúp kết nối với nhiều vùng khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản: năng lượng và nước, xây dựng, quy hoạch và thiết lập cơ sở hạ tầng, vận chuyển, an toàn công cộng và pháp lý, du lịch, văn hóa - giải trí, giáo dục, y tế và dịch vụ, quản lý hành chính. Được biết, theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu Navigant của Mỹ, các đô thị thông minh trên toàn cầu sẽ đầu tư cho công nghệ tăng từ 6,1 tỷ USD từ năm 2012 lên 20,2 tỷ USD năm 2020.
Hiện nay, cuộc sống ở thành phố thông minh Putrajaya của Malaysia, cách thủ đô Kuala Lumpur 25km về hướng nam được xem là đẳng cấp thế giới. Đây cũng là thành phố điện tử đầu tiên của châu Á khi mọi thứ đều được quản lý thông qua tin học. Người dân nơi đây không cần phải mang theo tiền, chìa khóa, trẻ em cũng không cần sử dụng cặp sách vì tất cả đều được phát một thẻ riêng có ghi đầy đủ những thông tin cá nhân cụ thể để giải quyết mọi vấn đề bình thường của cuộc sống như truy cập mạng, thanh toán, đi xe buýt, học trực tuyến…
QUỐC HƯNG