Giải pháp chống sạt lở biển Cửa Đại: Chưa có phương án cuối cùng

HOÀNG LIÊN 03/09/2015 08:18

Câu chuyện về chống xói lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) đã trở nên nóng bỏng, nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến gần. Tuy nhiên, cho tới nay, giải pháp mang tính tổng thể và cấp thiết vẫn còn nằm trong sự luận bàn của giới chuyên môn lẫn các nhà khoa học.

Cấp thiết bảo vệ bờ biển

Cho tới nay, đã có khá nhiều lượt hội thảo khoa học bàn về giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại. Và mới đây nhất, Sở KH-CN cũng vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển Quảng Nam” do TS. Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học)chủ nhiệm, một lần nữa câu chuyện về sạt lở bờ biển Cửa Đại được giới khoa học đưa ra nghị luận. Thực hiện trong vòng 2 năm với tổng kinh phí 720 triệu đồng, với công trình này, TS.Lê Đình Mầu và cộng sự đã làm rõ sự biến động của bờ biển, cửa sông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1965 - 2014, nêu rõ hiện trạng các công trình bảo vệ bờ biển, cửa sông và trong đó, hiện trạng xói lở nặng ở bờ biển Cửa Đại là một trong những tâm điểm. TS.Mầu cảnh báo, sự biến động khu vực Cửa Đại diễn ra liên tục theo thời gian, phụ thuộc vào rất nhiều tác động như yếu tố địa chất, địa mạo, địa hình, thủy văn, sóng gió, dòng chảy, mực nước… Cùng với đó là sự can thiệp của con người như xây dựng trên đó các công trình bảo vệ bờ biển, cửa sông, sự nạo vét luồng lạch, xây dựng các khu resort phục vụ du lịch… Xu hướng dịch chuyển đường bờ biển về phía nam ở khu vực bờ biển Cửa Đại đã khá rõ. Mỗi năm, bờ biển dịch chuyển về phía nam 20 - 25m. Những năm gần đây, bờ bắc Cửa Đại tiếp tục sạt lở khốc liệt do sự xuất hiện các công trình bảo vệ các khu resort ven bờ biển phía đông đường Âu Cơ và Lạc Long Quân. Mà nguyên nhân chính là nhà thiết kế chưa cung cấp được cơ sở khoa học tin cậy về điều kiện thủy động lực tại khu vực, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết cực trị như bão và áp thấp nhiệt đới… nên gây nghịch lý là bảo vệ được bờ thì sẽ làm mất bãi, gây xói lở đoạn bờ bên cạnh hay làm mất mỹ quan bờ biển…

Sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại. Ảnh: Bích Liên
Sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại. Ảnh: Bích Liên

Trên cơ sở nghiên cứu, TS. Lê Đình Mầu cũng đã đề xuất nhóm giải pháp bảo vệ bờ, tạo bãi theo hiệu ứng “Tombolo”, tức thiết kế các kè phá sóng nằm xa bờ với 3 phương án. Trong đó, phương án rẻ tiền nhất là tạo các bãi tắm xen giữa các resort hiện hữu để 2 resort bên cạnh có bãi tắm chung. Một giải pháp nữa là tiến hành xây dựng liên tiếp hệ thống kè phá sóng xa bờ, cách bờ 150 - 200m và một kè chắn bồi tích tại gần mũi Cửa Đại, tạo ra một bãi cát dưới dạng tombolo. Giải pháp thứ 3 là xây dựng liên tiếp hệ thống kè phá sóng xa bờ, mỗi kè dài 100m, cách nhau 50m, cách bờ 150 - 200m, mỗi kè vừa chắn sóng, vừa giữ bãi cát nhân tạo. Phương án này sẽ tạo ra một hệ thống bãi cát kép, bên trong bờ có dạng tombolo, xa bờ là bãi nhân tạo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bờ biển Cửa Đại đang diễn biến xói lở nghiêm trọng và phức tạp, hiện 4/7km đường bờ biển đã bị “nuốt trọn”, 3km còn lại đang có nguy cơ xóa sổ trong mỗi đợt mưa bão, thì điều mà chính quyền, người dân Hội An cần hiện vẫn là cơ sở khoa học, những thông số nghiên cứu chính xác và giải pháp đủ độ tin cậy nhất. Để từ đó, UBND tỉnh làm cơ sở chỉ đạo việc triển khai giải pháp cấp thiết “cứu” bờ biển Cửa Đại. Như sự nhấn mạnh của ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN, nếu không có giải pháp tổng thể thì chẳng bao lâu nữa, sẽ mất Cửa Đại. Bây giờ sạt lở đã trở thành câu chuyện nóng bỏng rồi, không dừng lại ở cảnh báo nữa, mà việc cần làm là đưa ra giải pháp hữu hiệu, thiết thực, đáng tin cậy, là cơ sở khoa học để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó. Nhưng, quan trọng là các thông số từ đề tài nghiên cứu đưa ra đủ độ chính xác, tin cậy thì Sở KH-CN mới có thể tự tin trình UBND tỉnh được… Tuy nhiên, nhìn chung, đề tài nghiên cứu vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng lớn đó. Thiết nghĩ, không chỉ lội ngược dòng đi nghiên cứu lịch sử, quá trình và cơ chế xói lở - bồi tụ, hay đưa ra cảnh báo, giải pháp dạng chung chung mà quốc gia này, quốc gia nọ hay tỉnh này tỉnh nọ từng áp dụng. Cái mà một công trình khoa học cần làm rõ là với Cửa Đại, nên áp dụng giải pháp cụ thể nào, ưu điểm giải pháp, đưa ra cơ sở thiết kế và thông số chính xác, minh họa bằng mô hình, sơ đồ và có tính toán cụ thể. Phải đảm bảo với dự án tiếp theo, các cơ quan chuyên môn, đơn vị thiết kế chỉ cần kế thừa, kiểm chứng lại thông số đưa ra từ giải pháp mà không phải tốn công tốn sức nghiên cứu lại từ A tới Z nữa...

Cần luận cứ khoa học

Còn nhiều băn khoăn
Ông Trần Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, đề tài có đưa ra những giải pháp nhưng chưa có những thông tin cơ bản về mặt khoa học và thực tiễn, để từ đó các nhà đầu tư lựa chọn phương án, giải pháp... Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An trăn trở: “Chúng tôi quan tâm là đề tài có thể mở ra được hướng giải quyết gì về tình trạng sạt lở ở thành phố du lịch. Các nhà khoa học cần đề ra những cảnh báo, cái gì nên và không nên để thành phố lấy đó làm cơ sở cho điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, quản lý phục vụ phát triển bền vững”… Một số thành viên Hội đồng nghiệm thu còn đánh giá, với Cửa Đại, đề tài vẫn chưa mạnh dạn đưa ra cảnh báo, kiến nghị cụ thể cái gì nên và không nên đối với ngành chức năng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng các công trình, hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch tại Hội An…

Nhìn chung, giải pháp tổng thể đối với Cửa Đại vẫn chưa có phương án cuối cùng. Trước đó, tháng 5.2015, Trường Cao đẳng công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung cũng từng phối hợp với Đại học Tohoku (Nhật Bản) tổ chức hội thảo tìm giải pháp phòng chống bồi lấp cửa sông, chống sạt lở và tôn tạo bờ biển Cửa Đại. Tại hội thảo này, việc ứng dụng công nghệ giám sát đường bờ biển được đặt ra. PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung chia sẻ: “Cần thiết có một hệ thống camera giám sát trực tuyến cũng như trạm đo mực nước Cửa Đại trong điều kiện diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai. Hiện tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ máy móc, thiết bị ban đầu rồi, vấn đề còn lại là động thái từ phía chính quyền Hội An, cụ thể là tạo điều kiện để việc lắp đặt hệ thống được thuận lợi”.

Được biết, phía chính phủ Hà Lan từng có một bản cam kết, ghi nhớ với UBND tỉnh trong việc hỗ trợ 30% trong tổng số 1.000 tỷ đồng từ một dự án nhằm giải quyết rốt ráo câu chuyện Cửa Đại. Tuy nhiên, mọi việc cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng. Vì vậy, câu chuyện Cửa Đại rất cần một luận cứ, cơ sở khoa học xác đáng từ các nhà khoa học và một động thái quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước và ngành chức năng. Ngay từ tháng 5.2015, UBND tỉnh cũng đã thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng cho phép các chủ đầu tư các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển tại Hội An triển khai xây kè bảo vệ bờ biển theo chủ trương của UBND tỉnh vào ngày 17.4.2015. Theo đó, các hạng mục công trình xây dựng ngoài phần đất của doanh nghiệp về phía biển không vượt quá phạm vi 50m, chiều cao công trình không vượt quá mặt nước biển. Trong khi chờ giải pháp tổng thể, thì phía các chủ dự án khách sạn, resort ven biển đã đầu tư vào đây những dự án cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đang gồng mình chống chọi với sạt lở theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu cơ sở khoa học cho sự bền vững. Cái vòng luẩn quẩn đó đến khi nào mới xong?

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải pháp chống sạt lở biển Cửa Đại: Chưa có phương án cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO