Tại buổi làm việc với nhóm nghiên cứu, tư vấn chống xói lở bờ biển Cửa Đại thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam vào cuối tuần qua, UBND tỉnh đã quyết định chọn phương án nuôi bãi chống sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An).
|
Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng sau cơn bão số 4 xảy ra vào cuối năm ngoái. Ảnh: MINH HẢI |
Thay đổi cán cân bùn cát
Tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại diễn tiến không theo quy luật. Ví như trước năm 2000, bờ biển Cửa Đại xuất hiện hiện tượng bồi lấp, sau thì xu hướng nghiêng về lở. Quá trình xói lở lan dần từ nam lên bắc, phạm vi ảnh hưởng khoảng 0,5km. Gần đây, khu vực xói lở nặng nề diễn ra tại vị trí khách sạn Victoria đến khách sạn Boutique kéo dài gần 2km, khu vực khách sạn Palm Garden lan lên phía bắc khoảng 1km. Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ba năm trở lại đây biển Hội An liên tục đặt trong tình trạng khẩn cấp dù kinh phí đầu tư để chống sạt lở đã đổ ra rất nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền. Các biện pháp làm đê chắn sóng, tạo bãi, kè bờ đã triển khai. Vừa rồi cát có dấu hiệu bồi trở lại nhưng e rằng cứ đến tháng 10, 11 bờ biển sẽ bị phá trở lại”.
Trên thực tế, ngân sách tỉnh và doanh nghiệp bỏ ra rất lớn đầu tư kè cứng, kè mềm bờ biển Cửa Đại. Mới đây chính quyền địa phương xây dựng 700m kè mái bê tông cốt thép, kè đê mềm, mỏ hàn cừ thép; cộng thêm các kè bảo vệ khu du lịch tư nhân. Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp mang tính đối phó tạm thời. Kè bờ cứng một số đoạn bảo vệ được bờ nhưng làm mất bãi, gây xói lở tại đoạn bờ bên cạnh, gây mất cảnh quan biển. Để bảo vệ tài sản, nhiều doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra xây kè, vì thế công trình không tuân thủ quy hoạch chung, thực hiện thiếu đồng bộ làm mất cân bằng bãi biển, xói lở ở các vùng xung quanh. Nhiều quan điểm khoa học trái chiều, khiến tỉnh mất nhiều thời gian trong nghiên cứu chọn phương án hiệu quả nhất. Phần lớn nhà khoa học, chuyên gia thủy lợi đề xuất giải pháp nuôi bãi. Tuy vậy, nuôi bãi cần thời gian, nhất là nguồn cát thiếu hụt, trong khi dọc sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh quy hoạch nhiều điểm khai thác mỏ cát để phục vụ cho lợi ích kinh tế, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường.
Bờ biển Hội An có dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây. |
Trong một cuộc hội thảo gần đây, GS.Lương Phương Hậu - nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng băn khoăn về diễn biến sạt lở theo mùa của bờ biển Hội An. “Cần làm sáng tỏ thêm cơ chế sạt lở bờ lan truyền từ nam ra bắc trong mùa mưa bão vừa qua, bởi bùn cát dọc bờ bản thân không tự di chuyển mà phải có lực nào xô đẩy đi mới hình thành dòng bùn cát chuyển động từ nam ra bắc, trong lúc dòng chảy năng lượng ưu thế có hướng từ bắc vào nam là chưa chính xác” - GS.Hậu nhận định. Cho dù có nhiều ý kiến “giải cứu” bờ biển Cửa Đại khác nhau, nhưng nhiều nhà khoa học có quan điểm tương đồng về nguyên nhân gây xói lở bờ biển này. Đó là chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông bị ngăn dòng bởi các nhà máy thủy điện, cùng với yếu tố tận thu cát lòng sông quá mức...
Duyệt phương án cuối cùng
Trong khi chờ thực hiện dự án tổng thể chống xói lở với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), UBND tỉnh tích cực lấy ý kiến, tiếng nói của các chuyên gia đầu ngành lựa chọn giải pháp cấp bách đối với biển Cửa Đại. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thời gian qua địa phương triển khai nhiều giải pháp và bờ biển Hội An đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, cần có ngay một giải pháp cấp bách bổ sung để đảm bảo cho bờ biển ổn định. Các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đề xuất 3 giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại. Một, nuôi bãi, đê ngầm bê tông cao 1,5m, chiều dài 1.025m, rộng 115m, khối lượng cát đổ 295.000m3. Hai là mỏ hàn cứng, nuôi bãi khu vực đã quây. Thứ ba là mỏ hàn cứng, đê ngầm, nuôi bãi khu vực đã quây và 900m phía bắc, tạo được toàn bộ bãi khu vực đã quây (dài 1.100m, rộng 60m) và toàn bộ 900m bãi phía bắc, rộng khoảng 52m, khối lượng cát đổ 282.000m3. Tổng nguồn vốn đầu tư sau khi chọn được giải pháp là 81 tỷ đồng. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nhất thiết cần có ngay biện pháp bổ sung để đảm bảo cho bờ biển ổn định. Nguồn cát lấy tại chỗ, nếu không xử lý được thì nghiên cứu nguồn cát ở khu vực mà hiện nay nạo vét bãi cạn ở Cửa Lở (Núi Thành).
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kết luận: sau khi cân nhắc các giải pháp đưa ra của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Quảng Nam thống nhất cao với giải pháp nuôi bãi, kè rộng 60m, dài 900m về phía bắc nhưng cần phải xin ý kiến chuyên môn rồi mới thực hiện giải pháp này. Ngoài ra, nguồn cát không lấy ở sông Thu Bồn và Cửa Đại. Hiện mới nghiên cứu đánh giá khu vực thực hiện dự án 900m, trong khi bãi biển Cửa Đại kéo dài về phía bắc và phía nam. “Quan điểm chung là các giải pháp, công trình triển khai phải mang tính bền vững, lâu dài, đúng quy hoạch để không làm mất cân bằng bãi biển. Đề nghị Viện Khoa học thủy lợi nghiên cứu thêm, tránh tình trạng làm được nơi này, sạt lở nơi kia” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý.
TRẦN HỮU