Phát triển nhanh và bền vững là chiến lược của Quảng Nam. Không nằm ngoài quỹ đạo đó, thương mại đang được tỉnh hoạch định và có các giải pháp để đáp ứng tốt vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận diện điểm yếu
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 159 chợ đang hoạt động, trong đó, có 2 chợ hạng 1 cùng 13 chợ hạng 2 và 144 chợ hạng 3 với tổng số hơn 23 nghìn hộ kinh doanh. Ngành thương mại vận động tích cực theo hướng ngày càng mở. Cùng với mức tăng thu nhập và dân số, quy mô thị trường ngày càng lớn, thương mại tăng trưởng khá cao, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương nhận định, tiềm năng và vai trò ngành thương mại của tỉnh đã có sự thay đổi, góp phần thỏa mãn nhu cầu đa dạng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng thông qua thị trường bán lẻ hiện đại ngày càng cạnh tranh hơn.
Sở Công Thương cho biết, sẽ duy trì và phát triển sàn thương mại điện tử trong giai đoạn 2021 - 2025 làm cầu nối thông tin, giao dịch mua - bán, xúc tiến đầu tư đối với các DN trong và ngoài nước, khẳng định vị thế và đóng góp cho sự phát triển thị trường. Với các thông tin kịp thời và đầy đủ về giao dịch mua bán, quảng bá sản phẩm, thương hiệu cũng như hệ thống các văn bản pháp lý liên quan…, ngành kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc cập nhật thông tin và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử khi tham gia thị trường.
Trong những năm qua, Sở Công Thương đã hình thành, đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Nam tại địa chỉ “www.quangnamtrade.com.vn”. Đây là giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển, khi liên tục cập nhật sản phẩm, bán hàng, giao hàng và thực hiện thanh toán; đồng thời là cầu nối thông tin, xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Sàn thương mại điện tử đang khẳng định vị thế, đóng góp cho sự phát triển thị trường, tạo ra ngôi nhà chung cho các DN thương mại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Điểm yếu của thương mại Quảng Nam là hạ tầng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu phát triển. Toàn tỉnh chỉ mới có 1 siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi chủ yếu hình thành ở các đô thị lớn như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn.
Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ tập trung chủ yếu tại trung tâm huyện với chức năng bán lẻ là chính và có quy mô nhỏ. Chợ hạng 3 tập trung ở nông thôn, miền núi có cơ sở vật chất - kỹ thuật sơ sài. Chợ tổng hợp có chức năng bán buôn, thu gom và phân phối luồng hàng hóa còn ít.
Trong khi đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho DN trong nước. Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước. Tựu trung, hệ thống phân phối hàng hóa của tỉnh chưa đồng bộ, chưa bền vững, yếu về liên kết theo chuỗi, logistics, kho bãi, trung tâm hội chợ.
Giải pháp phát triển
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương dự đoán tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 124.488 tỷ đồng vào năm 2025. Theo nhiệm vụ quản lý nhà nước, Sở Công Thương chú trọng theo dõi các hoạt động khuyến mại, bán hàng đa cấp, cấp phép mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, gas, rượu bán buôn, thuốc lá bán buôn.
“Vấn đề quan trọng là luôn cập nhật thị trường, giá cả hàng hóa để đề xuất UBND tỉnh có giải pháp kiềm chế tăng giá hàng hóa cũng như các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của tỉnh, chính sách xuất khẩu trong nước, chính sách các nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán. Ngành đồng hành với DN, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, phát triển thương mại bền vững” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chiến lược phát triển thương mại Quảng Nam sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn.
Theo đó, Quảng Nam sẽ đổi mới phương thức hoạt động của thương mại theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hóa. Cùng với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chú trọng phát triển thương mại điện tử, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, qua đó giảm chi phí của hoạt động thương mại.
Bên cạnh những đổi mới về quản lý nhà nước theo hướng tôn trọng các quy tắc thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phân phối, bán lẻ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh.