Giải pháp khắc phục cầu Hà Tân

CÔNG TÚ 28/11/2017 13:49

Cầu Hà Tân qua địa bàn xã Duy Vinh (Duy Xuyên) có thể sập nhịp xuống sông bất cứ lúc nào. Trước tình huống trên, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã tham mưu UBND tỉnh nhiều phương án để đảm bảo an toàn, khôi phục lưu thông qua cầu.

Nhiều trụ cầu Hà Tân bị lún sâu.  Ảnh: C.TÚ
Nhiều trụ cầu Hà Tân bị lún sâu. Ảnh: C.TÚ

Mất an toàn

Xã Duy Vinh tiếp giáp với xã Cẩm Kim (TP.Hội An). Trước đây, lưu thông của phần lớn người dân nơi đây chủ yếu bằng thuyền và cầu tre. Năm 1994, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã đầu tư xây dựng cầu Hà Tân có quy mô 16 nhịp, mỗi nhịp dài 12m, kết cấu mố trụ và dầm bản bê tông cốt thép. Cầu nằm trên tuyến ĐH4.DX này rộng 3,5m, tải trọng cho phép 6,5 tấn trở xuống, Việc cầu Hà Tân hình thành đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của gần 10 nghìn dân xã Duy Vinh và hơn 5 nghìn dân xã Cẩm Kim với trung tâm huyện Duy Xuyên, xóa bỏ cảnh đò ngang cách trở, tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT). Nhưng do nằm trên nhánh sông Thu Bồn, chảy ra thẳng Cửa Đại có lực rất mạnh lại trải qua quá trình khai thác lâu dài cùng tác động của lũ lụt khiến cầu xuống cấp nghiêm trọng. “Lũ lớn năm 2009, mái taluy sụt lún và mặt cầu bị hư hỏng nặng, huyện đã sửa chữa, gia cố để đảm bảo nhân dân vùng lân cận đi lại an toàn. Hai năm gần đây, vị trí trụ số 13 (tính từ mố phía tây cầu) bị lún sâu hơn 0,3m, chúng tôi cũng đã giới hạn tải trọng xuống còn 2,5 tấn. Vừa qua, dòng nước chảy về lớn gây xói lòng sông tại vị trí trụ số 9 (tính từ mố phía tây cầu) khiến trụ lún sâu hơn 0,7m và đang lún hàng ngày, có thể gây sập cầu” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Công Dũng nói.

“Cầu Hà Tân có thể sập bất cứ lúc nào. UBND huyện Duy Xuyên đã cấm các loại phương tiện ô tô, xe máy, xe thô sơ và cả người đi bộ qua cầu. Chúng tôi đặt bảng cảnh báo, hướng dẫn nhân dân và cán bộ muốn đi từ trung tâm xã Duy Vinh vào các xã khác và ngược lại thì lưu thông theo hướng qua cầu Duy Phước - Cẩm Kim (cầu Bà Ngân), đến xã Duy Phước rồi lên ĐH4.DX, nhập vào quốc lộ 1. Đồng thời huyện cấm các loại phương tiện thủy qua lại bên dưới từ vị trí nhịp số 5 đến nhịp số 16” - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết. UBND huyện còn giao ngành chức năng phối hợp với xã Duy Vinh tổ chức gác chắn bằng barie, rọ đá, chèn lưới B40 và hàn bằng sắt. Riêng xã Duy Vinh còn chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng để trực 24/24 giờ đảm bảo ATGT, không cho người và phương tiện lưu thông trên cầu Hà Tân. Cùng với đó, huyện cấp kinh phí cho địa phương thuê 2 con đò để đưa đón nhân dân miễn phí.   
Chọn giải pháp

Bất chấp nguy hiểm qua cầu

Đi thực tế tuần qua, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng xe máy, xe đạp và người đi bộ vẫn qua cầu Hà Tân dù nhiều trụ cầu tiếp tục lún sâu làm nhịp dầm sắp trật khỏi đỉnh trụ, rơi xuống sông bất kể lúc nào. Chính quyền và lực lượng chức năng cảnh báo, làm rào chắn hai bên nghiêm cấm các loại phương tiện và người đi bộ lưu thông trên cầu. Tuy nhiên, một số đối tượng cố tình đẩy rọ đá dồn ra hai bên, phá vỡ lưới B40 để lưu thông. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Văn Khánh thông tin, trước khi UBND tỉnh có quyết định cuối cùng về phương án sửa chữa cầu Hà Tân, ngành chức năng đề nghị xã Duy Vinh đóng, chắn kiên cố toàn bộ cả hai đầu cầu không cho lưu thông. Ngoài duy trì phân luồng qua cầu Bà Ngân (xã Duy Phước), đưa đò miễn phí, huyện chỉ đạo xã Duy Vinh làm cầu tre phía hạ lưu khi nước rút. Cầu tre có làm lan can, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo nhân dân đi lại an toàn.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, chốt chặn không cho người dân qua cầu Hà Tân nhằm tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuần qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì làm việc với ngành GTVT tìm giải pháp cho cầu Hà Tân. Theo đó, có 3 phương án đưa ra, gồm sửa chữa tạm thời, sửa chữa gia cố toàn bộ trụ cầu hoặc xây dựng cầu mới. Với phương án 1 (kinh phí khoảng 3,1 tỷ đồng), giải pháp sửa chữa tạm thời chủ yếu là giữ ổn định cho các nhịp 9, 10 và 13, 14 được kê lên các trụ T8, T13 bị lún sụt hư hỏng; hiện trạng giữ nguyên không thay đổi. Mặt cầu tại đỉnh trụ T9 sửa chữa bằng phẳng đảm bảo ATGT cho xe thô sơ và người đi bộ. Sửa chữa gia cố toàn bộ trụ cầu (dự kiến hơn 19 tỷ đồng) là phương án tận dụng lại kết cấu nhịp, thiết kế và thi công mới tất cả 15 trụ cầu. Đồng thời sửa chữa hư hỏng cục bộ đảm bảo chất lượng công trình lâu dài. Phương án thiết kế cầu mới vĩnh cửu cũng được tính đến, quy mô theo 2 hướng: khổ cầu rộng 10,5m đúng quy hoạch đường 2 đầu cầu (kinh phí hơn 110 tỷ đồng), hoặc khổ cầu rộng 13,5m, có lề dành cho người đi bộ (gần 134,2 tỷ đồng). Ông Trần Ngọc Thanh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho hay, những người có trách nhiệm nghiêng về lựa chọn phương án 2 là sửa chữa gia cố toàn bộ trụ cầu. Do kinh phí khá lớn, cầu mới chưa thể xây dựng trong thời điểm này. Phương án 1 để kê đỡ nhịp trụ hai bên bị hư hỏng, các trụ khác nếu bị xói lở sẽ gây ra sự cố khó lường. Chưa kể, việc đi lại chỉ dành cho xe thô sơ và người đi bộ, còn xe du lịch và xe tải khác lưu thông trên tuyến đường ĐH4.ĐX khá đông vẫn bị ách tắc.

Nói thêm về phương án 2, đại diện Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết, trụ tạm kết cấu thép sẽ được làm nhằm đỡ kết cấu nhịp cầu cũ khi sàng nhịp ra vị trí tạm thời. Dùng hệ sà lan đặt dưới đáy nhịp cầu cũ, kê đệm dưới đáy tất cả các dầm ở đầu nhịp lên sà lan để nâng kết cấu nhịp khỏi trụ cầu cũ. Kích hệ nhịp cầu lên và dịch chuyển sà lan lên thượng lưu rồi hạ nhịp dầm xuống trụ tạm. Các trụ cầu cũ sẽ phá bỏ và thi công trụ mới, mố 2 đầu cầu được tận dụng. Sau đó, đưa hệ nhịp cầu từ trụ tạm vào vị trí trụ mới. Khe co giãn cũng thay mới và thảm lại toàn bộ bê tông nhựa mặt cầu. Phương án 2 đảm bảo cho tải trọng thiết kế cầu ban đầu là đoàn xe H8 (ô tô đi thành hàng một, xe trước cách xe sau 8m, tổng trọng lượng mỗi xe giới hạn 8 tấn) và đoàn người đi bộ là 300kg/m2 lưu thông. Nhưng ông Trần Ngọc Thanh cho rằng, cần tính toán liệu có thể thi công luôn hệ trụ mới song song với cầu cũ, rồi đưa nhịp cầu cũ vào trên trụ mới. Nếu như thế, khỏi tốn thời gian, kinh phí đóng trụ tạm, chuyển nhịp dầm từ trụ cũ sang trụ tạm, rồi lại chuyển từ trụ tạm sang trụ mới. Duy có điều, mố cầu phải làm mới tại vị trí khác và đụng giải phóng mặt bằng. Ngược lại, khi có nguồn lực, việc thi công cầu mới ngay tại vị trí cũ đúng quy hoạch sẽ dễ dàng hơn. Chọn phương án nào, kinh phí hỗ trợ cho huyện ra sao sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải pháp khắc phục cầu Hà Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO