Chất lượng của trường chuyên, nhất là trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu đã ảnh hướng rất lớn đến kết quả tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nói riêng, tạo nguồn đào tạo nhân tài của tỉnh nói chung. Vậy giải pháp nào giúp nâng cao chất lượng?
|
Tiết học của lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Thay đổi cách tuyển sinh
Như Báo Quảng Nam đã từng đề cập, chất lượng tuyển sinh lớp 10 quá thấp khiến chất lượng giáo dục của trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam không đáp ứng yêu cầu. Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, nhiều người không khỏi giật mình trước kết quả toàn trường chỉ có hơn 24% học sinh (HS) đạt học lực giỏi, trong khi có đến 13% xếp loại trung bình. Khá hơn “đồng đội” của mình nhờ đầu vào cao cùng bề dày truyền thống nhưng chất lượng vẫn chưa có sự đột phá và kết quả không tốt tại kỳ thi HS giỏi quốc gia vừa qua đã để lại nhiều nỗi niềm cho những kỳ vọng vào trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, một trong những bất hợp lý khiến chất lượng trường chuyên hiện nay thấp là quy định mới về “điểm sàn” trong tuyển sinh lớp 10 của Bộ GDĐT và phương án tuyển sinh của tỉnh. Trước đây, theo Quyết định 82 (ngày 31.12.2008) của Bộ GDĐT, thí sinh không có bài thi nào có điểm dưới 4 và điểm thi môn chuyên phải đạt từ 6 trở lên mới được xét tuyển. Thế nhưng, Thông tư 06 (ngày 15.2.2012) của Bộ lại hạ mức điểm khống chế này bằng việc quy định chỉ cần các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2. Do đó, không chỉ ngôi trường vừa mới thành lập THPT chuyên Bắc Quảng Nam, ngay cả trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn gặp phải tình trạng không ít trường hợp HS trúng tuyển dù điểm thi môn chuyên dưới điểm trung bình. Trước thực trạng đó, phải chăng cần thay đổi phương án tuyển sinh? Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Đình Tiến nói: “Theo tôi, không nhất thiết phải tuyển đủ chỉ tiêu 35 HS/lớp và đủ các lớp chuyên cho cả 2 trường chuyên. Cứ chạy theo chỉ tiêu này thì chất lượng đầu vào sẽ thấp. Không ai mong muốn tuyển HS vào trường để rồi đưa các em ra khỏi trường chỉ sau 1 học kỳ hoặc 1 năm học vì không đáp ứng yêu cầu”. Có ý kiến cho rằng, tuyển những HS chỉ đạt 2 điểm thi mỗi môn chắc chắn không sớm thì muộn các em cũng phải rời trường do không thể theo kịp chương trình.
Năm học 2011 - 2012, lần đầu tiên trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển sinh lớp Sử - Địa và chỉ tuyển được 8/35 chỉ tiêu. Đến năm học 2012 - 2013, những tưởng sẽ khá hơn nhờ “điểm sàn” đã hạ xuống (còn 2 điểm/môn) nhưng cũng chỉ tuyển được 14 HS (10 Sử và 4 Địa) do chỉ có…14 em dự thi. Vì vậy, bất hợp lý là điểm thi môn chuyên Toán thấp nhất cũng phải được 6 điểm mới trúng tuyển thì môn Sử hoặc Địa chỉ cần 2,25 điểm là nghiễm nhiên trở thành học trò trường chuyên. Do đó, một trong những người đầu tiên đề xuất mở thêm lớp chuyên Sử - Địa là Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - ông Nguyễn Đình Tiến nay lại đề nghị không nên tuyển sinh nữa hoặc dồn chỉ tiêu tuyển sinh cho 1 trường chuyên.
“Chia” chính sách cho HS giỏi các trường
Nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển trường chuyên, ngày 19.7.2011, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 12 về một số chính sách đối với HS và giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (sau này khi trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam thành lập cũng được hưởng chính sách tương tự). Cụ thể, ngoài chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước (mỗi HS được nhận học bổng 300 nghìn đồng/tháng), tùy theo đối tượng, HS trường chuyên còn được tỉnh hỗ trợ chi phí học tập thường xuyên với các mức từ 80 - 120% mức lương tối thiểu; được bố trí ở ký túc xá miễn phí hoặc được hỗ trợ tiền thuê chỗ ở hàng tháng bằng 30% mức lương tối thiểu trong thời gian chưa có ký túc xá. Cơ chế ưu đãi nổi trội này ban đầu đã tạo sức hút đáng kể. Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2012 - 2013, có hơn 1.000 HS dự thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Trong đó, một số lớp chuyên có tỷ lệ chọi còn cao hơn cả thi đại học.
“Thực tế không ít HS trường chuyên học lực rất bình thường và thua xa nhiều HS các trường THPT, thậm chí có trường hợp thi đại học với số điểm khá thấp. Vì vậy có chính sách ưu đãi cho HS trường chuyên là đúng nhưng cần xem lại cho hợp lý để ngân sách tỉnh đầu tư đúng chỗ và phát huy hiệu quả. Hiện nay, có nhiều HS các trường THPT trong tỉnh học rất giỏi nhưng vì nhiều lý do không thể theo học tại trường chuyên, vì vậy, nên có chính sách học bổng cho các trường hợp này và đặc biệt là HS con gia đình nghèo học giỏi”. (Cô giáo Hồ Thị Nguyệt Thanh - Cựu giáo viên trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ) |
Việc dành cho những tài năng tương lai của tỉnh nhiều chính sách ưu đãi là điều rất cần và đáng làm, điều đó đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là trong trường chuyên có không ít HS năng lực học tập chỉ ở mức bình thường. Vậy các trường hợp này có xứng đáng được hưởng chính sách ưu đãi? Khi còn là giáo viên trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), cô Hồ Thị Nguyệt Thanh đã băn khoăn về chính sách này: “Thực tế không ít HS trường chuyên học lực rất bình thường và thua xa nhiều HS các trường THPT, thậm chí có trường hợp thi đại học với số điểm khá thấp. Vì vậy có chính sách ưu đãi cho HS trường chuyên là đúng nhưng cần xem lại cho hợp lý để ngân sách tỉnh đầu tư đúng chỗ và phát huy hiệu quả. Hiện nay, có nhiều HS các trường THPT trong tỉnh học rất giỏi nhưng vì nhiều lý do không thể theo học tại trường chuyên, vì vậy, nên có chính sách học bổng cho các trường hợp này và đặc biệt là HS con gia đình nghèo học giỏi”.
Rõ ràng, những ý kiến nêu trên rất đáng suy nghĩ. Bởi, thực tế nhiều năm qua, không ít HS đạt thành tích xuất sắc như đoạt giải cao tại kỳ thi HS giỏi quốc gia, thủ khoa các trường đại học danh tiếng là học trò các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Nên chăng, những HS giỏi, có thành tích xuất sắc ở các trường THPT khác cũng cần được hưởng chính sách hỗ trợ như HS trường chuyên để khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em trở thành nhân tài sau này phục vụ quê hương, đất nước.
XUÂN PHÚ