Phục hồi và bảo tồn rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đặc dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu tọa đàm “Phục hồi rừng tự nhiên: Điều kiện và yêu cầu cải thiện chính sách lâm nghiệp”, do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Diện tích rừng tự nhiên ở nhiều nơi bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: H.L |
Diện tích tăng, chất lượng giảm
Tại tọa đàm, nhiều nhà khoa học bày tỏ sự lo ngại trước sự mất rừng đầu nguồn. Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên dẫn chứng, thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến ngày 22.7, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã khiến 41 người chết, mất tích và bị thương, khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, trong đó hơn 5.500 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. “Bên cạnh yếu tố khách quan, việc mất rừng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra những thiệt hại này. Tốc độ giảm diện tích rừng phòng hộ trung bình khoảng 2%/năm. Cụ thể, trong số 10.242.141ha rừng tự nhiên năm 2016 thì chỉ có 8.839.154ha rừng gỗ, còn lại là rừng tre nứa thuần, rừng hỗn hợp và rừng cau dừa. Trong số 8.839.154ha rừng gỗ tự nhiên thì chỉ có 8,7% là rừng giàu, còn lại đối tượng rừng nghèo, rừng phục hồi chiếm số lớn… Việt Nam đang ở phía cuối của đường cong diễn biến rừng. Nghĩa là, mặc dù độ che phủ rừng đã tăng lên trong hai thập kỷ qua nhưng chất lượng rừng lại giảm. Diện tích rừng suy kiệt ngày càng tăng; ngay cả khi có rừng trồng mới, mật độ cây rừng nhìn chung vẫn giảm” - ông Dũng phân tích. Còn TS. Nguyễn Lan Châu - Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho rằng, tình trạng phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn bừa bãi; việc xây dựng các công trình, các tuyến giao thông giữa lòng sông suối một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch; nhiều thủy điện được xây dựng ồ ạt... là nguyên nhân trọng yếu.
Theo TS. Trần Lâm Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), tiềm năng phục hồi của diện tích rừng tự nhiên này là rất lớn, song nếu tiếp tục không quản lý được, tiếp tục chuyển đổi đất rừng thì khả năng phục hồi sẽ rất thấp. Chỉ ra những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phục hồi rừng tự nhiên, TS. Đồng cho rằng, trước hết là do thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển rừng tự nhiên, kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phục hồi rừng còn thấp, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa tạo động lực để người dân gắn bó với rừng. Thứ hai, năng lực quản lý rừng của chủ rừng (hộ gia đình, doanh nghiệp) quá thấp, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới của chủ rừng còn hạn chế, đối tượng này gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống chất lượng, khó duy trì chu kỳ khai thác kéo dài. Thứ ba, sự lấn át của các loài cây có giá trị như cây keo từ chính sách chuyển đổi 3 triệu héc ta rừng, việc khai thác rừng, gỗ rừng trái phép xảy ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, thực trạng nhiều địa phương tự ý điều chỉnh quy hoạch rừng, chuyển đổi đất rừng tràn lan mà thiếu sự giám sát chặt chẽ cũng là tác nhân khiến diện tích rừng tự nhiên suy giảm nghiêm trọng.
Kiện toàn chính sách lâm nghiệp
Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung - Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, rừng tự nhiên có khả năng trời cho là giữ sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Các hệ thảm mục, thảm tươi, rễ cây trên mặt đất khiến toàn bộ lượng mưa thấm sâu, tạo nên tầng nước ngầm, tích trữ nước, đến mùa khô hạn tiết ra, làm cho môi trường bền vững. Nếu mất rừng tự nhiên thì có hiện tượng nước chảy tràn trên bề mặt, nguồn nước bị thất thoát, suy thoái. Trong khi diện tích rừng phòng hộ lại chỉ còn 1/4 đến 1/5 tổng diện tích rừng tự nhiên. “Những người đấu tranh hành lang và các nhà làm khoa học đều muốn đóng cửa rừng tự nhiên (sau khi khai thác rồi, đóng cửa, để rừng tự phục hồi trong 20 - 30 năm). Đã qua rồi cái thời áp lực về khai thác rừng tự nhiên lớn vì những vật dụng từ gỗ rừng cũng đã được thay thế bằng nhiều vật liệu thay thế. Hiện, nhiều nước đã lấy rừng tự nhiên làm môi trường và cảnh quan và đây là cách giữ rừng rất hiệu quả. Ở nước ta, làm sao giữ rừng tự nhiên, phục hồi rừng tự nhiên theo cách rẻ nhất là mục tiêu cần hướng tới” - Giáo sư Lung nói.
Chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm ủng hộ việc đóng cửa rừng tự nhiên. Theo ông Diễm, thực tế người dân vẫn chưa thể sống nhờ rừng, sinh kế chưa bền vững từ rừng, chính sách giao khoán còn thấp nên người dân khó bám rừng. Đồng bào miền núi chỉ mới hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Với 1,2 triệu héc ta rừng giao cho cộng đồng, vẫn còn rất ít, hiệu quả kinh tế rừng đem lại chưa cao, chưa đủ sức để gắn kết người dân với rừng. Rừng tự nhiên vẫn do nhiều chủ thể quản lý, chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng chưa có, quy chế quản lý rừng cộng đồng chưa cụ thể, cần hoàn thiện, Luật Lâm nghiệp mới ban hành cần được thực thi sát thực tiễn. “Thực tế, mô hình nhóm hộ được xem là cách quản lý rừng hiệu quả nhất nhưng cũng chưa được hướng dẫn trong luật và các chính sách về lâm nghiệp. Nếu thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể cho cộng đồng thì khó bảo vệ rừng tự nhiên. Khoảng trống trong lâm nghiệp là chưa cụ thể hóa các quy định, luật bảo vệ rừng, việc phục hồi rừng chưa đề cập gắn kết với loại hình nông lâm kết hợp” - ông Diễm nói.
TS. Nguyễn Tiến Hải, Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam (CGIAR) dẫn chứng, vùng Tây Bắc phát triển tốt mô hình nông lâm kết hợp, vừa giúp người dân có kinh tế, vừa giữ được rừng. Tuy nhiên, cũng theo TS. Hải, các chính sách về rừng, Luật Lâm nghiệp (dự kiến sẽ có hiệu lực vào 1.1.2019), dù có một số điều khoản đề cập mô hình nông lâm kết hợp song vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, hợp lý. Vì thế, cần phải hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân sống nhờ rừng thì mới có thể yên tâm đóng cửa rừng để rừng tự hồi phục…
HOÀNG LIÊN