Dù thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch nhưng Tam Hải (Núi Thành) vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng, góp phần đẩy mạnh kinh tế địa phương.
Lâu này, Tam Hải thu hút khách du lịch chỉ ở một vài điểm như núi Bàn Than, cửa biển An Hòa và Cửa Lở, mỏm ông Đụn và bà Che hay đảo hòn Mang và hòn Dứa. Ngoài ra, Tam Hải còn gây chú ý bởi những rặng san hô, hệ sinh thái với nhiều chủng loại rong biển, cỏ biển, các loại cá… Hệ thống giếng cổ cũng là thế mạnh văn hóa biển, cần bảo tồn và phát triển du lịch. Giếng cổ ở Tam Hải đặc biệt hơn nơi khác vì có sự giao thoa, tiếp biến với nền văn hóa Chămpa. Giếng cổ ở đây cung cấp toàn bộ nước ngọt cho dân làng. Giếng có đường kính khoảng 1,5m, chung quanh là trụ bê tông, được người dân gìn giữ.
Một góc Tam Hải. |
Tìm cách phát huy tiềm năng, phát triển du lịch làm cú hích chuyển biến kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân Tam Hải vốn là định hướng lâu nay của tỉnh. Thế nhưng phương án thu hút đầu tư, tạo cơ hội để doanh nghiệp khai thông lợi thế vẫn chưa khả thi. “Vừa qua, Tam Hải được công nhận là xã đảo. Hiện địa phương và người dân không đủ điều kiện để tự mở hướng phát triển du lịch mà phải cần quy hoạch tổng thể của tỉnh, rà soát lại phát triển du lịch, đầu tư đồng bộ các yếu tố hạ tầng. Cái khó vẫn còn nguyên, qua lại xã đảo phải bằng phà, mặt bằng chung du lịch phía nam của tỉnh vẫn giẫm chân tại chỗ suốt thời gian dài” - ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói.
Bà Đoàn Lê Nhi Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hải cho rằng, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội thay đổi trong thời gian qua kéo theo nhiều khuynh hướng mới trong phát triển du lịch. Hiện nay, không nhất thiết phải xây dựng các resort lớn hay hệ thống khách sạn 4 - 5 sao ven biển. Cần xác định rõ tiềm lực để dựa vào đó xây dựng đề án cụ thể, khả thi. Ví như phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa hay trải nghiệm ngắn, tìm hiểu, khám phá về các giá trị nổi bật của thiên nhiên nhằm khai thông thế mạnh du lịch của xã đảo. “Trước mắt, chúng tôi khuyến khích người dân đầu tư homestay, các dịch vụ lưu trú khác, tạo điều kiện để du khách khám phá giá trị nổi bật của vùng đất. Để du khách thưởng ngoạn, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, hòa cùng nhịp sống của người dân thì hướng dẫn viên du lịch thích hợp nhất không ai khác, là chính người dân bản địa, với mô hình câu cá, lặn san hô, chế biến mứt dừa, mứt rong câu. Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng thành công ở nhiều điểm như Cù Lao Chàm (Hội An), xã Ta Bhing (Nam Giang), thì tại sao Tam Hải có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi lại không thể tận dụng và phát triển” - bà Hạnh nói.
Theo UBND xã Tam Hải, thời gian đến, xã sẽ đề xuất huyện Núi Thành mở các lớp tập huấn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch để người dân được tiếp thu, học tập các mô hình hiệu quả, từ đó có thể vận dụng tại địa phương. Các tổ tự quản môi trường được xã thành lập trong thời gian qua sẽ đảm nhận việc thu gom rác, bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp thu hút du khách. Các hoạt động từ đời sống người dân như chế biến rong mơ, nạo dừa cũng sẽ được tận dụng, làm phong phú không gian và sản phẩm du lịch.
NGUYỄN QUANG VIỆT