|
(QNO) - Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng năm 2025” được trình bày tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh (khóa IX) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các ngành, địa phương với mong muốn chung tay xây dựng một nghị quyết chất lượng nhằm tạo động lực, cơ chế thúc đẩy miền núi phát triển trong những năm đến.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sau khi tổ chức hội nghị phản biện đề án này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp đầy đủ và phản ảnh kịp thời ý kiến góp ý đến cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định. Qua theo dõi, phần lớn nội dung góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa trước khi chính thức trình HĐND tỉnh. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh góp ý vào dự thảo đề án được trình tại kỳ họp lần này, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng: nhìn chung 9 nhóm giải pháp thực hiện của dự thảo đề án đề ra vẫn còn mang tính định hướng là chủ yếu.
Giải pháp đầu tiên mà dự thảo đề án đề ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự chủ trong tổ chức sản xuất và đời sống. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, đây là vấn đề cốt lõi của công tác giảm nghèo. Phải xác định con người là chủ thể, phải tự thay đổi để thoát nghèo vươn lên làm giàu. Do đó giải pháp quan trọng là tập trung làm thay đổi căn bản tâm lý trông chờ, ỷ lại của cán bộ và nhân dân cơ sở vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Với giải pháp này cần chú trọng công tác giáo dục tư tưởng thoát nghèo, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình và mỗi người dân về tư duy, cách nghĩ phát triển kinh tế để tự vươn lên thoát nghèo. Nhà nước cần phải thay đổi phương thức đầu tư cho người nghèo để xóa bỏ tình trạng trông chờ, ỷ lại và tăng cường trách nhiệm của người dân đối với công tác giảm nghèo. Đặc biệt, cần lồng ghép các giải pháp của Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021 vào nhóm giải pháp này với cơ chế: chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo có nhu cầu, có đất sản xuất và quyết tâm thoát nghèo nhằm làm thay đổi tư tưởng, tâm lý của người nghèo.
Cũng theo ông Nguyễn Phi Hùng, hiện nay công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các huyện miền núi đang hết sức khó khăn, tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo nghề khá lớn; số lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm thường xuyên rất thấp. Hơn nữa, số học sinh cử tuyển, tốt nghiệp đại học, cao đẳng hiện chưa được bố trí việc làm tại địa phương còn khá nhiều đang là vấn đề nan giải của các địa phương. Do vậy, cần có giải pháp vận động lực lượng lao động trẻ đi học nghề và làm việc ở đồng bằng. Trước mắt, vận động điểm mỗi huyện một nhóm lao động đi học nghề và làm việc ở đồng bằng. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bố trí chuyền sản xuất riêng cho công nhân miền núi để làm quen dần với tác phong làm việc công nghiệp, sau đó nhân ra diện rộng. Đề án cần nghiên cứu giải pháp thực hiện chương trình khởi nghiệp nhằm huy động, tập hợp những người có năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; chú trọng việc hình thành, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế khuyến khích đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới nhằm thu hút lao động, giải quyết việc, thực hiện việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... tại địa phương.
HÀN GIANG