Vài năm trở lại đây, Quảng Nam đã triển khai hàng loạt các chính sách, biện pháp mang tính tổng thể để bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh nhằm góp phần vào chiến lược xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia vào năm 2020.
Để góp phần giải quyết bài toán khó, đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” do Sở KH-CN kết hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh đã ra đời. Mục tiêu của đề tài là tìm ra giải pháp về vấn đề cây giống. Ở hai miền của đất nước, các nhà khoa học đã tìm được tiếng nói chung và họ đã thống nhất là lên núi khảo sát, tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng, phát triển của loài sâm này trước khi bắt tay vào thực hiện đề tài. Một số củ giống cây đầu dòng sinh trưởng tốt, ra quả đều trong một vài năm, đã được nhóm nghiên cứu chọn lọc rồi đưa về thực hiện nhân giống trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh và tại Quảng Nam. Sau nhiều tháng nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm đã tìm ra môi trường thích hợp cho việc tạo nguyên liệu in vitro trên môi trường khoáng có bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng thực vật (củ sâm được sử dụng làm nguồn nguyên liệu ban đầu), khởi tạo mô sẹo, tái sinh mô sẹo thành phôi, rồi từ phôi tìm biện pháp cho nảy mầm tạo cây con trong ống nghiệm.
Chọn lọc những cây sâm Ngọc Linh có đủ tiêu chuẩn để đưa vào huấn luyện trước khi di thực trên núi Ngọc Linh (2.2014). |
Điều đáng mừng là cây con trong ống nghiệm sinh trưởng phát triển tốt, củ sâm phình to và có hình dáng như củ ấu hoặc con quay giống với củ sâm của cây con nảy mầm từ hạt được trồng trong điều kiện bán hoang dã tại vùng núi Ngọc Linh. Tháng 2 vừa qua đã hoàn thành việc huấn luyện cây con trong ống nghiệm cho thích nghi dần với điều kiện sống ngoài tự nhiên trước khi di thực. Bằng phương pháp quang tự dưỡng, nhóm đã đưa dần cây sâm con trong ống nghiệm về gần với điều kiện sống ngoài tự nhiên hơn để sao cho khi ra vườn ươm cây có thể chịu được điều kiện thời tiết bất thuận. Công việc này tuy khó, mất nhiều thời gian nhưng nhóm nghiên cứu không nản lòng, cùng chung tay tạo ra những cây sâm Ngọc Linh có sức sống cao, giữ nguyên vẹn những đặc tính về hoạt chất saponin cũng như đặc tính di truyền quý báu của cây sâm mẹ và có thể sống sót, sinh trưởng phát triển tốt trên vùng núi quê hương. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị những công việc cần thiết cho việc đưa cây sâm trong ống nghiệm lên núi Ngọc Linh. Để công việc có thể thành công thì nhóm rất cần đến sự ủng hộ, giúp đỡ của những nhà quản lý, của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam,…
Cây sâm sau khi đưa ra ngoài thực địa có thể trụ vững được hay không là sự trăn trở và kỳ vọng của những nhà quản lý của tỉnh, những nhà nghiên cứu tâm huyết với cây sâm quý này. Tỷ lệ sống cao cùng với khả năng sinh trưởng phát triển tốt của cây sâm Ngọc Linh trên vùng phân bố tự nhiên của nó trong tương lai sẽ là lời tri ân của nhóm nghiên cứu đến sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và những người tâm huyết với cây Sâm Ngọc Linh.
TS. VŨ THỊ ĐÀO, ThS. PHAN THỊ Á KIM