Dưới áp lực của phát triển du lịch, rác thải sinh hoạt đang trở thành một trong những vấn đề nóng trên đảo Cù Lao Chàm.
Thống kê cho thấy, 3 năm trước lượng rác thải trên đảo mỗi ngày khoảng 1.300kg, trong đó thôn Bãi Làng 776kg với 270kg rác không phân hủy được. Đến nay, khối lượng rác thải mỗi ngày đã tăng gấp đôi, hơn 3 tấn và có chiều hướng tăng cao hơn nữa. Theo ông Nguyễn Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công trình công cộng (CTCC) Hội An, trước đây, dự án “Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quản lý rác thải cho Cù Lao Chàm” do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển cùng Phòng Tài nguyên môi trường, Công ty CP CTCC Hội An và UBND xã Tân Hiệp phối hợp thực hiện góp phần cải thiện môi trường sống, quản lý nguồn rác thải trên đảo một cách có hệ thống.
Lắp đặt lò đốt rác tại Eo Gió. Ảnh: Q.H |
Cùng một số dự án khác, rác thải được xử lý theo phương pháp phân loại tại nguồn thành các loại chính là hữu cơ phân hủy được và vô cơ không phân hủy. Rác hữu cơ phân hủy được sẽ xử lý tại chỗ bằng công nghệ composting; rác không phân hủy sẽ được ép nén thành tấm rồi chuyển vào đất liền. “Thế nhưng, dự án này vẫn chưa giải quyết rốt ráo khối lượng rác thải tại xã đảo” - ông Quý nói.
Là xã đảo đầu tiên trên cả nước “nói không với túi ni lông” từ 7 năm qua, tuy nhiên, du khách đến tham quan, lưu trú trên đảo tăng đột biến đã tạo áp lực cho môi trường sinh thái biển đảo. Chỉ riêng năm ngoái, hơn 350 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đã đến với Cù Lao Chàm, khiến cho lượng rác thải bình quân mỗi ngày tăng thêm, trong đó lượng rác thải chủ yếu là tại thôn Bãi Làng.
Trong một chuyến du lịch tại đảo Cù Lao Chàm, một doanh nghiệp đã nảy sinh ý tưởng tặng cho địa phương một phương tiện phù hợp với quy mô xử lý vừa tầm lượng rác thải tại xã đảo. “Chúng tôi thấy việc xử lý môi trường trên đảo đang là vấn đề cấp thiết. Với trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, công ty đã tặng một lò đốt rác bằng công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan cho xã đảo” - ông Nguyễn Xuân Giang - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Đồng Xanh - tỉnh Bắc Giang chia sẻ. Đầu tháng 4 vừa qua, lò đốt rác trị giá gần 2,5 tỷ đồng, có khả năng xử lý 500kg rác thải mỗi giờ, trung bình mỗi ngày xử lý 3 tấn, công suất tối đa là 10 tấn/ngày đã chính thức vận hành. Lò xử lý rác bằng không khí đối lưu theo công nghệ Nhật Bản và Thái Lan; dùng rác làm nguyên liệu chính để đốt. Thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và thành lập bộ phận vận hành thường trực.
Có thể nói, việc lắp đặt, vận hành lò đốt rác ngay tại Eo Gió - Cù Lao Chàm bước đầu giải quyết cơ bản lượng rác thải tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Để triển khai, địa phương tiếp tục phát động toàn dân phân loại rác thải ngay tại nguồn. Tuy vậy, nói như Bí thư xã đảo Tân Hiệp - Trần Tấn Dũng: “Đây là vấn đề có tính lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trên đảo và sự tồn vong của khu dự trữ sinh quyển thế giới, vì vậy ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn môi trường sinh thái là yếu tố hàng đầu”.
QUỐC HẢI