Tháng 10.1954, khi Trung đoàn Thủ đô tiến về Hà Nội, trong số những người hân hoan đón chào đoàn quân có cả 3 chuyên viên điện ảnh người Nga.
Đó là những nhà quay phim, đạo diễn phim được ban lãnh đạo Xô Viết (cũ) phái tới Việt Nam theo thỏa thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh để quay bộ phim nói về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam. Họ hiểu rõ, thế nào là chiến tranh. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, họ đã ghi hình những ngọn lửa nội chiến bao trùm ở Tây Ban Nha, hay ở Trung Quốc những năm tháng chiến tranh kháng Nhật, cả trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại khi cả ba người đều tham gia vào trận chiến chống phát xít Đức Quốc xã.
Cố đạo diễn Roman Karmen. (Ảnh internet) |
Sử gia Nga Maksim Syunnerberg kể lại, ba nhà điện ảnh này trong đó có cố đạo diễn tài ba Roman Karmen (1906-1978) đã đi hàng nghìn cây số từ núi rừng chiến khu Việt Bắc đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thái Bình, khi máy bay Pháp còn dội bom xuống. Họ quay phim tại các trận địa của chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, cảnh nông dân cày cấy trên cánh đồng, đến các công binh xưởng và quân y viện, trong rừng núi và những thành phố đã được giải phóng. Ghi lại chân dung các anh hùng Điện Biên Phủ và những tù binh Pháp ở đó. Họ đã được gặp và có cuộc mạn đàm dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam” (1955) của đạo diễn Roman Karmen đã được coi như một hồ sơ kinh điển bằng hình ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. (Voice of Russia) |
Theo Hiệp định Genève, quân đội Pháp cần rút hoàn toàn khỏi Hà Nội vào ngày 9 và 10.10.1954 và QĐND Việt Nam tiến vào tiếp quản thủ đô. Đại diện Pháp đã rất cay đắng khi biết rằng các đơn vị quân đội Việt Nam sẽ tiến vào thành phố trên những chiếc xe hơi mang biểu ngữ “Vinh quang Điện Biên Phủ”. Sáng ngày 8.10, Hà Nội trong những ngày đáng nhớ khi trên các đường phố đôi lúc lại có những chiếc xe jeep và xe tải của người Pháp lao qua với tốc độ điên rồ, từng nhóm lính súng ống lăm lăm đi tuần tra. Ngay đối diện với bốt gác là hiệu may nhỏ với mấy chiếc máy chạy xành xạch không ngừng - ông chủ hiệu và thợ làm việc luôn tay mà không đáp ứng xuể nhu cầu của khách hàng chờ nhận những lá cờ biểu tượng chiến thắng của đất nước.
Theo ghi nhận của Roman Karmen vào ngày 9.10, các con đường phút chốc trở nên sống động, hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay lên những ngôi nhà, những người dân ùa ra cổ vũ, vẫy tay, công kênh những đứa trẻ trên vai, người ta khóc, cười, hát vang vì vui mừng. Đến sáng 10.10.1954, thủ đô Hà Nội long trọng đón chào lực lượng chính của QĐND là Trung đoàn Thủ đô huyền thoại. “Nhân dân Việt Nam đã thắng chiến tranh bởi vì căm ghét nó” - tác giả Roman Karmen đã viết trong một cuốn sách của mình.
QUỐC HƯNG