Giải phóng mặt bằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua Thăng Bình: Chính quyền xã tắc trách

XUÂN THỌ 11/01/2016 08:42

Nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình) đang rơi vào cảnh khó khăn vì chuyện đền bù giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nguyên nhân là chính quyền địa phương quá tắc trách, bộc lộ nhiều sai phạm trong công tác lập hồ sơ giải phóng mặt bằng.

  • Tạm giam 2 đối tượng trong vụ bồi thường, giải phóng mặt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua xã Tam Ngọc
  • Vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc qua xã Tam Ngọc: Tam Kỳ thanh tra nguồn gốc đất
  • Cản trở thi công đường cao tốc
  • Gỡ vướng mặt bằng đường cao tốc
  • Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Có thể bị kiện vì phải chờ mặt bằng
  • Giải phóng mặt bằng đường cao tốc: Thăng Bình bứt phá
Vợ chồng anh Hùng - chị Thịnh bên thửa đất được xã tư vấn mua và cấp quyền sử dụng dù đất đó thuộc quyền của người khác.  Ảnh: XUÂN THỌ
Vợ chồng anh Hùng - chị Thịnh bên thửa đất được xã tư vấn mua và cấp quyền sử dụng dù đất đó thuộc quyền của người khác. Ảnh: XUÂN THỌ

Rắc rối

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà văn hóa thôn Mỹ Trà (xã Bình Chánh) vừa xây dựng hoàn thành hồi tháng 6.2015 với tổng kinh phí hơn 310 triệu đồng, trong đó có 160 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới, 30 triệu đồng do huyện Thăng Bình hỗ trợ và xã Bình Chánh hỗ trợ 10 triệu đồng (tổng cộng là 200 triệu đồng), còn lại là đóng góp của người dân. Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Thiên Bảo (số 465 Trần Cao Vân - TP.Tam Kỳ, đơn vị ký hợp đồng với xã Bình Chánh để thi công nhà văn hóa thôn Mỹ Trà) cho biết, xã Bình Chánh vẫn đang còn nợ hơn 130 triệu đồng nên công ty gặp khó khăn trong chi trả tiền công cho công nhân cũng như các đối tác cung ứng vật tư xây dựng. Còn ông Hoàng cho biết tiếp tục vận động dân đóng góp, khai thác nguồn tài nguyên của thôn, xã để có kinh phí trả nợ. “Thời gian hoàn trả có thể kéo dài, mong công ty thông cảm” - ông Hoàng nói.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh (tổ 4, xã Bình Chánh) nằm trong diện giải tỏa với tổng diện tích đất là 2.500m2, bao gồm đất ở và đất ruộng vì ảnh hưởng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chị Thịnh cho biết, cùng với những công trình khác trên diện tích đó, ban đầu chị được áp giá đền bù là 627 triệu đồng nhưng chị không đồng ý. Sau khi vợ chồng chị khiếu nại, mức giá đền bù được nâng lên 930 triệu đồng, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 3.7.2015 của UBND huyện Thăng Bình do ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký (nay ông Ngữ đã về hưu). Nhưng khi đến Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Thăng Bình nhận tiền, chị Thịnh chỉ được nhận 720 triệu đồng, số tiền gần 210 triệu đồng còn lại cán bộ ở trung tâm bảo sẽ nhận sau. Một thời gian sau, chị lên nhận số tiền gần 210 triệu đồng còn lại thì mới tá hỏa khi nghe cán bộ Trung tâm PTQĐ nói sẽ không được nhận. Lý do là phần diện tích đó thuộc đất 5% công ích của xã, chứ không phải của chị khai hoang. Ông Nguyễn Văn Nhiên, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường xã Bình Chánh thừa nhận có sai sót lúc đo đạc đền bù trước đó, khi rà soát lại mới phát hiện, nên ngày 10.8.2015, ông Huỳnh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh ký gửi tờ trình lên UBND huyện Thăng Bình đề nghị không tiếp tục chi trả số tiền gần 210 triệu đồng còn lại cho gia đình chị Thịnh.

Chị Thịnh còn cho biết mình bị thu hồi 270m2 đất vườn thừa khai hoang từ năm 2001 nhưng không được đền bù, hỗ trợ vì chính quyền cho đó là đất khai hoang năm 2007 nên không thuộc diện đền bù. Tuy nhiên, chị Thịnh đưa chúng tôi xem nhiều biên lai đóng thuế nhà đất (phần lớn không ghi ngày tháng), trong đó có 1 tờ ghi thời gian đóng tiền thuế là tháng 5.2004. Ông Nhiên cho rằng, biên lai thuế đó là bao gồm cả diện tích đất nhà ở của chị. Nên sau khi rà kỹ lại, chị Thịnh chỉ được nhận đền bù của 104m2 diện tích đất trên, phần diện tích còn lại sẽ không được nhận đền bù, hỗ trợ.

Sau khi hoàn thành nhà văn hóa thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh vẫn còn nợ đơn vị thi công hơn 130 triệu đồng. Ảnh: XUÂN THỌ
Sau khi hoàn thành nhà văn hóa thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh vẫn còn nợ đơn vị thi công hơn 130 triệu đồng. Ảnh: XUÂN THỌ

Chưa hết, khi bị giải tỏa, chị Thịnh được UBND xã tư vấn mua một thửa đất có diện tích 300m2 với số tiền 27 triệu đồng ở tổ 2, thôn An Bình. Đến ngày 7.7.2015, UBND huyện Thăng Bình đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho chị Thịnh với miếng đất trên. Nhưng khi đến nhận đất để làm nhà thì chị phát hiện thửa đất đã có chủ sở hữu từ lâu. Đáng nói, sự việc kéo dài từ đó đến nay nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Từ chỗ nhà cửa đàng hoàng, sau khi bị giải tỏa, vợ chồng chị Thịnh thành kẻ không nhà, phải thuê nhà để ở. “Mà đâu chỉ có chuyện nhà ở không đâu, gia đình tôi còn là hộ kinh doanh buôn bán. Giờ không thể tiếp tục kinh doanh được nữa, trong khi vẫn đóng thuế đầy đủ” - chị Thịnh bức xúc. Ông Nhiên thừa nhận, đó là lỗi của cán bộ xã khi tư vấn, đồng thời cho biết có trao đổi với vợ chồng chị Thịnh sẽ cấp một diện tích mới cũng 300m2 cùng sổ đỏ. Anh Hùng (chồng chị Thịnh) xác nhận có sự việc đó, tuy nhiên khi cán bộ xã, huyện xuống yêu cầu anh đưa sổ đỏ đất cũ để cấp giấy mới thì anh không chịu. Lý do là anh sợ lặp lại rắc rối như miếng đất được tư vấn mua ban đầu nên muốn chính quyền địa phương phải có biên bản cam kết trong việc cấp lại sổ đỏ đất mới thì đồng ý trả lại sổ đỏ cũ.

Thôn “đòi” nhận tiền thay

Liên quan đến tiền đất 5% công ích của xã, trong lúc gia đình chị Thịnh khiếu nại đòi số tiền gần 210 triệu đồng còn lại mà phía xã cho rằng sẽ không được nhận vì thuộc đất 5%, thì ông Trần Thế Vinh - Trưởng thôn Mỹ Trà đã tự viết tay một “bản cam kết” với gia đình chị Thịnh nhận thay số tiền gần 210 triệu đồng còn lại với điều kiện thôn giữ lại 80% số tiền để xây dựng nhà văn hóa, chị Thịnh nhận 20%. “Tôi có thắc mắc, xã nói tiền đó thuộc đất 5% công ích của xã nên không được nhận, vậy tại sao ông Vinh có thể nhận được? Hơn nữa ban đầu ông Vinh đòi tỷ lệ “chia chác” là thôn 90% còn chủ hộ chỉ được nhận 10%” - chị Thịnh cho biết thêm.

Ông Hoàng (đứng) khẳng định xã không có chủ trương cho thôn cam kết nhận tiền thay. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Hoàng (đứng) khẳng định xã không có chủ trương cho thôn cam kết nhận tiền thay. Ảnh: XUÂN THỌ

Ngoài chị Thịnh, còn có hộ ông Khánh và ông Chung cũng được ông Vinh đến đặt vấn đề như vậy. Ông Phan Đình Chung (ở tổ 4, thôn Mỹ Trà) cho biết mình có 472m2 đất lúa đã lập hồ sơ đền bù với số tiền làm tròn là 49 triệu đồng, nhưng đến nay chưa nhận một đồng nào. Đi khiếu nại, mới biết đó là đất cũng thuộc diện 5% công ích của xã nên không được nhận đền bù. Thế mà ông Vinh cũng đến và đưa ra bản cảm kết viết tay với nội dung ông sẽ đứng ra nhận tiền giúp, rồi thôn sẽ giữ lại 80% để làm nhà văn hóa. Cùng chung thắc mắc như chị Thịnh, ông Chung cũng không hiểu vì sao xã nói đất 5% nên không được nhận tiền đền bù mà ông Vinh có thể đứng ra bảo đảm nhận tiền được. Ông Chung có thêm 263m2 đất màu bị thu hồi để làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi tháng 9.2015. Nhưng đến nay, mặc dù đường đang thi công nhưng ông vẫn chưa được lập hồ sơ kê khai đền bù. Về vấn đề này, ông Nhiên cho biết sở dĩ không kê khai đền bù cho ông Chung vì diện tích đất trên thuộc đất 5% công ích của xã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh khẳng định xã không có chủ trương cho thôn Mỹ Trà làm cam kết nhận tiền của các hộ dân, rồi trích lại 80% để xây nhà văn hóa. Cũng trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Vinh thừa nhận đó là việc làm sai trái của mình. “Tôi nói với các hộ dân đó, nếu cam kết để tôi nhận tiền thay thì 3 ngày sau khi tôi nhận được tiền, tôi sẽ đưa họ 20% số tiền, 80% số tiền còn lại để làm nhà văn hóa thôn. Sau này tôi mới biết, đó là thuộc đất 5% công ích của xã nên không thể nhận được, và mới biết rằng mình sai. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nhận bất cứ một khoản tiền nào từ các bản cam kết đó, vì nó đã hoàn toàn vô tác dụng” - ông Vinh cho hay.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua Thăng Bình: Chính quyền xã tắc trách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO