Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc: Khó khăn ở chặng nước rút

CÔNG TÚ 19/08/2015 08:32

Thời hạn giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã ấn định vào ngày 30.9 năm nay, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, các địa phương đang đối diện với nhiều thách thức.

Vẫn ách tắc tái định cư

Chỉ còn khoảng 10% chiều dài nữa, GPMB dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành, nhưng nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi đoạn tuyến chưa bàn giao mặt bằng liên quan đến đất ở, nhà ở của các hộ bị giải tỏa và một số trường hợp vướng mắc về chính sách, chế độ, đất tranh chấp… Đáng ngại nhất phải kể đến khâu tái định cư (TĐC) cho người dân vùng ảnh hưởng. Ở Điện Bàn, Phú Ninh và Núi Thành, nhiều hộ bị giải tỏa chưa nhận tiền bồi thường, chưa được giao đất để TĐC hoặc chưa chịu tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng. Núi Thành hiện có 119 hộ dân chưa tháo dỡ nhà (trong đó 69 hộ chưa nhận tiền đền bù), 89 hộ tại Điện Bàn “cố thủ” vùng dự án, Phú Ninh còn 112 hộ chưa được giao đất TĐC. Nếu tiến độ TĐC cứ diễn ra ì ạch, chuyện thúc đẩy người dân sớm bàn giao mặt bằng sạch xong trước 30.9 là khó khả thi.   

Bụi tre của ông Phạm Văn Năm (thôn Xuân Đài, Điện Quang, Điện Bàn) vẫn tồn tại ở khu vực thi công dự án đường cao tốc.        Ảnh: C.TÚ
Bụi tre của ông Phạm Văn Năm (thôn Xuân Đài, Điện Quang, Điện Bàn) vẫn tồn tại ở khu vực thi công dự án đường cao tốc. Ảnh: C.TÚ

Chúng tôi có dịp trở lại thôn Phong Thử 2 (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Tại km14+027 - km14+120 của dự án cao tốc, nhà thầu thi công được mố A2 của cầu LRB06, nhưng khu vực thuộc phạm vi xử lý nền đất yếu gần đó đành phải “bó tay” chờ mặt bằng. Ông Lê Nhiều - Giám đốc Văn phòng hiện trường Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho biết, địa điểm này đang vướng 4 hộ dân. Người dân chỉ chấp thuận cho khoan cọc nhồi trên phạm vi đất vườn nhưng chưa chịu tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc khi mà Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn chưa giao đất thực tế tại khu TĐC Phong Thử. Ở vị trí xây dựng cầu CB05 (km14+244 - km14+295), nhà của 4 hộ dân và nhà thờ tộc Nguyễn Thiệu còn nguyên ở vị trí đất cũ.

Tương tự như Phú Ninh, một số khu TĐC ở Điện Bàn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho người dân. Ông Lê Nhiều nói: “Chúng tôi mong mỏi thị xã tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ vận động bà con nhận tiền đền bù và bốc thăm nhận đất, tổ chức giao đất tại các khu TĐC ĐT609 và Phong Thử để sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án”. Còn tại Núi Thành, xã Tam Mỹ Tây có khoảng 45 hộ chưa di dời đến TĐC, xã Tam Mỹ Đông có 35 trường hợp lần lữa bàn giao mặt bằng. Xã Tam Mỹ Đông có 12 hộ nhận suất đầu tư hạ tầng thuộc thôn Đa Phú 2 đã được phê duyệt phương án đền bù từ ngày 6.2 nhưng chưa nhận tiền...

Nhiều lực cản  

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa qua đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành lập tổ công tác gồm đơn vị thực hiện nhiệm vụ bồi thường, các phòng ban liên quan, UBND các xã vùng dự án cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật điện, cáp viễn thông, cấp nước bị ảnh hưởng chưa di dời), khẩn trương tổ chức kiểm tra thực tế vị trí còn vướng mắc để giải quyết hoặc đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết trong tháng 8 năm nay. Đối với các trường hợp sau khi đã rà soát, áp dụng đúng chế độ và cũng đã trả lời, giải thích mà hộ dân vẫn không chấp hành thực hiện, UBND các huyện, thị xã lập kế hoạch bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công đúng tiến độ. 

Qua địa bàn Núi Thành, tình trạng “nợ” kéo dài GPMB của dự án cao tốc tồn tại ở 5/8 xã. Thống kê của VEC cho thấy, huyện còn 347 thửa đất chưa được phê duyệt phương án đền bù, trong đó có 153 thửa đất rừng, 63 thửa đất ở và 131 thửa đất nông nghiệp. Ngoài ra, còn 129 thửa đất đã có quyết định đền bù nhưng các hộ dân chưa nhận tiền, bàn giao đất cho nhà thầu triển khai nhiệm vụ. Cạnh đó, xã Tam Xuân 2 có 4 hộ đã nhận tiền nhưng vẫn không cho thi công; xã Tam Anh Bắc thì chưa thông được đường công vụ nội tuyến qua khu vực Đồng Dúi cũng vì dân chưa được bàn giao đất. Đặc biệt tại xã Tam Mỹ Tây, khu vực giao cắt với đường ĐT617 có khoảng 10 hộ chưa di dời nhà ở và chưa cho thi công. Tiến độ GPMB ở Núi Thành chậm là do sự ì ạch trong khâu tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất nông nghiệp, lâm nghiệp, mỏ nguyên liệu. Phó Tổng Giám đốc VEC - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, xã Tam Mỹ Đông tồn tại đến 54 thửa đất rừng phòng hộ chờ phê duyệt phương án hỗ trợ. Đoạn qua thôn An Thiện (xã Tam Nghĩa) dù đã phê duyệt phương án đền bù, chi trả, thế nhưng 17 hộ dân liên quan khu vực đất lúa chưa cho “đụng vào” do khiếu nại về chênh lệch đơn giá giữa năm 2014 và 2015. Cũng nằm ở Tam Nghĩa, 8/13 doanh nghiệp mỏ đá đã bàn giao mặt bằng. Tuy vậy, nhà thầu chưa thể triển khai thi công vị trí 3 mỏ đá Hùng Vương, Hưng Long và Giao thông Quảng Nam do vướng mắc từ phía đơn vị sở hữu.

Tại các địa phương Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên GPMB vẫn vướng dai dẳng. Có nhiều trường hợp đất nông nghiệp chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hoặc đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền. Tại Phú Ninh còn 262 ngôi mộ chưa di dời gây khó khăn trong công tác GPMB. Rải rác trên tuyến, nhiều vị trí không đảm bảo mặt bằng bởi vướng đường dây điện. Nhiều tháng trôi qua, bụi tre của hộ ông Phạm Văn Năm (thôn Xuân Đài, xã Điện Quang) vẫn tồn tại ở khu vực đất thi công trụ P5 của cầu VD07, thuộc gói thầu 3B. UBND thị xã Điện Bàn tiến hành các thủ tục cần thiết để “cưỡng chế”, nhưng hạn cuối là bao giờ thì chưa có câu trả lời cụ thể. Nằm trên địa bàn xã Điện Thọ, nhà thờ tộc Phan (thôn Đức Ký Bắc) và tộc Tạ (thôn Phong Thử 1) đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ mà vẫn tiếp tục “án ngữ” mặt bằng dự án.

Trước thực trạng này, VEC nhiều lần đề xuất đến các cấp có thẩm quyền của tỉnh và địa phương nhằm sớm tìm hướng giải quyết. Để tháo gỡ vướng mắc tại Núi Thành, chủ đầu tư mới đây đã gửi văn bản kiến nghị lên lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị ưu tiên giải quyết trước, phê duyệt phương án đền bù và chi trả cho 347 thửa đất còn lại; 12 hộ nhận suất đầu tư hạ tầng thôn Đa Phú 2 và 54 thửa đất rừng phòng hộ xã Tam Mỹ Đông; vướng mắc của 17 hộ dân sở hữu đất nông nghiệp tại thôn An Thiện, cản trở thi công hoặc chưa di dời hết tài sản tại 3 mỏ đá Hùng Vương, Hưng Long và Giao thông Quảng Nam (xã Tam Nghĩa).

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc: Khó khăn ở chặng nước rút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO