Giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai: Những vướng mắc khó gỡ (kỳ 1)

THANH MINH - HỮU PHÚC 24/04/2023 06:37

Khu công nghiệp Thaco - Chu Lai (do Công ty CP Ô tô Trường Hải làm chủ đầu tư) được xem là dự án trọng điểm với kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng để kết nối chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản theo hướng công nghệ cao tại Chu Lai. Dự án quy mô 451ha tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành), được triển khai giải phóng mặt bằng từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn gặp ách tắc.

Mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đã được bàn giao khoảng 302ha nhưng không liền kề. Chủ đầu tư xây dựng ngôi nhà điều hành dự án trong khu vực được bàn giao đất. Ảnh: M.P
Mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đã được bàn giao khoảng 302ha nhưng không liền kề. Chủ đầu tư xây dựng ngôi nhà điều hành dự án trong khu vực được bàn giao đất. Ảnh: M.P

KỲ 1: CHỜ XEM XÉT TÁI ĐỊNH CƯ

Theo chủ trương của UBND tỉnh, đến ngày 30/6/2023 phải bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, nhưng hiện công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn ngổn ngang vướng mắc; trong đó những trường hợp không đủ điều kiện bố trí tái định cư như quy định, cần được xem xét giải quyết kịp thời.

Xây nhà trên đất nông nghiệp

Theo Sở TN-MT, dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai quy mô 451ha, có 3 đơn vị thực hiện công tác GPMB, gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (123,1ha), Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành (180ha) và Trung tâm Bồi thường GPMB thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng (hơn 148,3ha). Đến cuối tháng 3/2023, đã bàn giao khoảng 302ha mặt bằng sạch; đã thông báo thu hồi đất hơn 431,6ha; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hơn 343,2ha.

Điều đáng nói là số mặt bằng sạch được bàn giao này không liền kề nên rất khó triển khai dự án. Hiện chủ đầu tư đã chi khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện GPMB và thời gian qua đã cử nhiều cán bộ bám sát các đơn vị làm công tác GPBM để phối hợp giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án.

Mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai được “đánh dấu” bằng tuyến đường nhựa rộng rãi chạy theo hướng bắc - nam vào Khu công nghiệp Việt Hàn, chia khu vực cánh tây cho dự án với nhiều mảng xanh chưa được giải tỏa. Vượt qua những đám bụi mù mịt của con đường xẻ ngang mặt bằng dự án, nhiều ngôi nhà, vườn tược hiện ra với vẻ yên bình.

Nhà của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) lọt thỏm giữa khu đất rộng 3.700m2, đang trồng nhiều loại cây ăn quả và cả keo lai.

Bà Thủy cho biết khu đất này do cha mình khai hoang, sau đó để lại cho con. Bà làm nhà trên đất này đã 20 năm nay. Gần đây địa phương đưa ra phương án bồi thường (dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai) với tổng mức hơn 360 triệu đồng cho loại đất rừng sản xuất.

Theo quy định (Quyết định số 42 ngày 21/11/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) thì trường hợp của bà Thủy không đủ điều kiện bố trí tái định cư vì làm nhà trên đất nông nghiệp. Nếu áp theo quy định trước đó (Quyết định 43 của UBND tỉnh, áp dụng đến cuối năm 2021) thì bà Thủy sẽ được bỗ trí tái định cư.

“Tôi không thống nhất với phương án bồi thường. Nhà của tôi xây đã 20 năm nay, ở đây ổn định, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước, gia đình tôi gồm 4 người, không bố trí tái định cư thì biết ở đâu” - bà Thủy nói.

Tương tự, nhà của ông Nguyễn Xuân Thủ (thôn Xuân Ngọc) cũng được xây dựng trên đất nông nghiệp hàng chục năm nay. Khu đất này rộng khoảng 2.200m2, được áp giá đất rừng sản xuất, cộng thêm khoảng 2.000m2 ruộng lúa nước, tổng mức bồi thường được đưa ra là hơn 490 triệu đồng.

Ông Thủ nói: “Tôi không đồng ý giao mặt bằng, với số tiền quá thấp này thì tôi không nhận. Không có đất tái định cư thì chúng tôi ở đâu?”.

Đây là 2 trong số 11 trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp theo danh sách được UBND xã Tam Anh Nam lập để kiến nghị ngành chức năng và cấp trên tháo gỡ.

Theo ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được triển khai giữa thời điểm kết thúc quy định cũ (Quyết định 43) và áp dụng quy định mới (Quyết định 42) nảy sinh nhiều khó khăn bởi người dân thường so bì quyền lợi.

Trong buổi “giao thời” này, chuyện một hộ dân được nhận đất tái định cư mà hộ khác bên cạnh không được nhận sẽ dẫn đến khó vận động, thuyết phục; trong khi đó, vấn đề đất ở được người dân rất quan tâm.

 Xem xét xen ghép tái định cư

Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam là một trong 3 đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai với diện tích hơn 148,3ha. Tính đến ngày 17/3/2023 công ty thực hiện thu hồi đất, phê duyệt 29 phương án/110,9ha với kinh phí 149,7 tỷ đồng; chưa ban hành quyết định thu hồi đất và chưa phê duyệt phương án 35,9ha/482 thửa đất.

Về vướng mắc không đủ điều kiện bố trí tái định cư khi xây nhà trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Phụng - Giám đốc Trung tâm Bồi thường và GPMB (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam) cho biết, đơn vị “dính” 3 trường hợp rất khó giải quyết và phải chờ tháo gỡ từ cấp trên.

Tuyến đường N2 được chủ đầu tư dự án thi công trong khu vực vừa được giao mặt bằng. Ảnh: M.P
Tuyến đường N2 được chủ đầu tư dự án thi công trong khu vực vừa được giao mặt bằng. Ảnh: M.P

Quy định làm nhà trên đất nông nghiệp không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo Quyết định 42 được cho là “điểm nghẽn” đáng chú ý so với Quyết định 43 trước đây, gây thêm khó khăn cho công tác GPMB.

Nhưng UBND tỉnh buộc phải đưa quy định mới này vào Quyết định 42, theo giải thích của Sở TN-MT, là do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” Quyết định 43 với nội dung này vì không đúng với quy định của Luật Đất đai.

Dù vậy, trong các cuộc họp của UBND tỉnh về tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện GPMB theo Quyết định 42, nhiều đại biểu vẫn cho rằng quy định này không phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, ở nhiều vùng, do “đặc thù” hiện trạng đất đai nằm trong vùng quy hoạch nhiều năm, người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như ở vùng Đông, đất đai thậm chí “ngưng đọng” bởi các chỉ thị của tỉnh về siết chặt quản lý hiện trạng nên người dân trong nhiều năm liền không thể chuyển đổi mục đích sang đất ở.

Thực tế, có nhiều trường hợp người dân làm nhà trên đất nông nghiệp hàng chục năm nay, gia đình có mấy thế hệ cùng sinh thống trong ngôi nhà. Có ý kiến cho rằng nếu không bố trí tái định cư với những trường hợp này thì đời sống người dân sau khi thu hồi đất sẽ bị xáo trộn, thêm gánh nặng cho bài toán an sinh xã hội...

Để giải quyết những trường hợp vướng mắc về đất tại định cư khi xây nhà trên đất nông nghiệp trong phạm vị dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, theo Thông báo số 464 của UBND tỉnh ngày 19/12/2022 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, giao Sở TN-MT chủ trì cùng với UBND huyện Núi Thành rà soát, hướng dẫn địa phương giao đất cho các hộ gia đình bị ảnh bởi dự án để có chỗ ở ổn định (bố trí xen cư trong khu dân cư tập trung hoặc vào các khu dân cư, tái định cư trên địa bàn) và thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Phụng, chủ trương này không dễ thực hiện. “Chưa nói đến chuyện vướng quy định, địa phương chưa tìm ra quỹ đất... thì việc thực hiện các thủ tục để thành lập một dự án riêng sẽ mất rất nhiều thời gian; trong đó riêng việc xây dựng một bảng giá đất đã mất cả tháng trời. Những trường hợp này, để giải quyết cho kịp tiến độ ngày 30/6 là không thể” - ông Phụng nói.

-----------------
Kỳ 2: Rắc rối đất công ích

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai: Những vướng mắc khó gỡ (kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO