Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình: Chỉ còn dùng biện pháp mạnh!

HỮU PHÚC 15/05/2015 09:27

Mọi hình thức vận động, giải thích, đối thoại, kể cả “nhượng bộ” một phần yêu sách quá đáng của các trường hợp cản trở thi công, không chịu bàn giao mặt bằng quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Thăng Bình gần như không đem lại hiệu quả. Vì vậy, các ngành chức năng địa phương đang tính toán phương án cương quyết cưỡng chế.    

“Muôn mặt” đòi hỏi

Hơn tuần nay, lãnh đạo chính quyền huyện Thăng Bình cùng các ngành chức năng dành phần lớn thời gian, kể cả làm việc ban đêm để giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng quốc lộ 1. Chỉ còn 1km mặt bằng từ thị trấn Hà Lam kéo dài ra xã Bình Nguyên, nhưng nhiều tháng qua vẫn “đứng bánh” thi công do người dân cứ liên tục cản trở, phản đối. Theo UBND huyện Thăng Bình, đến chiều 13.5, cả huyện còn 49 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng (30 hộ thuộc diện đang rà soát hồ sơ để ra quyết định cưỡng chế và 19 hộ bảo vệ thi công do không thuộc diện bồi thường đất). Trên đống hồ sơ ngồn ngộn, mỗi hộ dân là mỗi “khuôn mặt” khiếu nại, mỗi kiểu yêu sách khác nhau. Để giải quyết có lý có tình, xem xét cả quá trình lịch sử đất đai, nên ngoài áp dụng các chính sách pháp luật hiện hành, địa phương này còn được tỉnh tạo cơ chế giải quyết linh hoạt theo hướng có lợi nhất cho người dân. Đến ngày 9.5, các khâu xác định nguồn gốc đất, thu hồi đất, bồi thường (BT), hỗ trợ (HT); từng trường hợp vận dụng theo chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng đã được chính quyền niêm yết công khai, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, người dân vẫn chưa “thông” tư tưởng.

Thi công “nhảy cóc” trên quốc lộ đoạn qua địa phận Thăng Bình.
Thi công “nhảy cóc” trên quốc lộ đoạn qua địa phận Thăng Bình.

Hộ ông Nguyễn Đình Cương (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên), dù đã nhận tiền đất trồng cây lâu năm theo quyết định đã phê duyệt, cộng thêm HT 80% so với giá đất ở theo Thông báo 116 của UBND tỉnh vừa qua, nhưng ông vẫn cương quyết không bàn giao mặt bằng, đòi BT đất ở và đo lại diện tích bị ảnh hưởng. Có hàng chục trường hợp trên địa bàn xã Bình Nguyên tương tự như hộ ông Cương. Riêng tại thôn Thanh Ly 1, có hơn 10 hộ dân đã có quyết định BT-HT đất trồng cây lâu năm tương đương với 80% giá trị đất ở nhưng người dân vẫn từ chối nhận tiền. Tính đến thời điểm này, huyện Thăng Bình có 17 trường hợp, chủ yếu ở xã Bình Nguyên đã có quyết định phê duyệt phương án BT đất ở, BT-HT đất trồng cây lâu năm theo các văn bản hướng dẫn của tỉnh với mức HT bằng 80% đơn giá đất ở nhưng các hộ vẫn không chịu nhận tiền BT, mà đề nghị BT đến sát mép đường nhựa và đo đạc lại diện tích bị ảnh hưởng. Hộ ông Võ Đức Trung, thôn Thanh Ly 1 (xã Bình Nguyên) đã có quyết định BT-HT đất cây lâu năm, được địa phương áp giá thêm theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, với tổng giá trị BT-HT bằng 80% giá đất ở. Các cơ quan chức năng huyện Thăng Bình tổ chức đối thoại, vận động giải thích rõ về các chính sách, pháp luật về đất đai, nhưng hộ ông Trung vẫn đòi BT đơn giá đất ở và giá đất năm 2015, đo lại diện tích bị ảnh hưởng.

Thi công quốc lộ “đứng bánh” qua xã Bình Nguyên. Ảnh: H.P
Thi công quốc lộ “đứng bánh” qua xã Bình Nguyên. Ảnh: H.P

Trong khi đó, 19 hộ thuộc diện bảo vệ thi công tại xã Bình Nguyên không nhận tiền BT vì yêu cầu giải quyết BT 2m lề đường hành lang giao thông, đòi Nhà nước phải công nhận đất hoang hóa thành đất ở. Lạ lùng hơn, nhiều trường hợp đã nhận tiền BT-HT, đồng ý bàn giao mặt bằng, nhưng khi tổ chức thi công vẫn ra cản trở. Có không dưới 10 trường hợp ở xã Bình Nguyên không đủ điều kiện công nhận đất ở vẫn “đấu tranh” đòi quyền lợi đất ở! Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Trong số 25 trường hợp có đơn khiếu nại, địa phương đã tổ chức đối thoại xong; trong đó ban hành 8 quyết định trả lời đơn thư khiếu nại, còn lại đang kiểm tra xem xét. Để đáp ứng tiến độ thi công, chính quyền đã từng ký 5 cam kết với người dân bàn giao mặt bằng, thậm chí sẵn sàng cam kết đảm bảo quyền lợi cho họ đi khiếu nại, kiến nghị, kể cả gửi đơn yêu cầu tòa án phân xử. Vậy nhưng, người dân chỉ muốn làm khó chính quyền”. Lãnh đạo chính quyền huyện cũng thừa nhận, đã làm hết cách, hết trách nhiệm nhưng người dân vẫn quyết tâm gây khó, khiến nhà thầu phải thi công kiểu “nhảy cóc”, không biết bao giờ mới bàn giao xong mặt bằng.

Cần biện pháp mạnh

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, hồ sơ của từng trường hợp chính quyền đã giải quyết đúng, đầy đủ theo các quy định của Luật Đất đai hiện hành, cũng như các văn bản hướng dẫn của tỉnh. Trước khi bảo vệ thi công hiện trường và tống đạt quyết định cưỡng chế, mỗi đồng chí lãnh đạo huyện được phân công gặp gỡ, tiếp xúc với từng trường hợp một trong tổng số 49 trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng. Cuộc gặp gỡ này sẽ ghi nhận kiến nghị, nguyện vọng, đồng ý hay không đồng ý bàn giao mặt bằng, sau đó yêu cầu người dân ký vào biên bản làm việc. Riêng các trường hợp cưỡng chế, thuộc diện bảo vệ thi công có đơn khiếu nại, kiến nghị, lãnh đạo địa phương sẽ xem xét nội dung trước khi ra quyết định.

Giải pháp trước mắt của huyện là tiếp tục huy động lực lượng tập trung bảo vệ thi công ở hạng mục thảm nhựa lòng đường, tiếp theo là phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thảm nhựa khu vực nứt nhà, cam kết giải quyết khi có đơn vị độc lập kiểm định mức độ thiệt hại. “Cưỡng chế là biện pháp cực chẳng đã, nhưng đến đường cuối phải sử dụng chế tài này. Nhưng trước tiên, lực lượng công an các cấp cần hỗ trợ, giúp địa phương xử lý nghiêm khắc các đối tượng chuyên xúi giục, kích động tạo “điểm nóng”. Cạnh đó, những đơn mà tỉnh thụ lý cũng cần trả lời, giải quyết sớm để bớt gây áp lực cho huyện” - ông Ngữ nói. Hiện, chính quyền địa phương đang đánh giá rút kinh nghiệm ban đầu về việc huy động lực lượng công an, dân quân tham gia bảo vệ thi công, đề xuất hướng huy động lực lượng bảo vệ từ các xã lân cận đến giải quyết “điểm nóng” Bình Nguyên.

Ngày 14.5, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình tiếp tục ra quyết định cưỡng chế đối với 4 hộ dân gồm: Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Thanh Tuấn và Trần Thanh Hùng (cùng trú tại thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên); trước đó đã ra quyết định cưỡng chế đối với hộ Nguyễn Em (tổ 12, thị trấn Hà Lam). Dự kiến ngày 20 hoặc 21.5, địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế. Khoảng thời gian từ nay cho đến 19.5, hộ nào chấp thuận chủ trương và bàn giao mặt bằng sẽ phải ký cam kết không cản trở thi công, bên cạnh thực hiện những cam kết khác.

Theo UBND huyện Thăng Bình, hiện còn 49 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 5 hộ đã nhận tiền BT nhưng không bàn giao mặt bằng; 23 hộ có quyết định phê duyệt phương án BT  nhưng không nhận tiền; 19 hộ không đủ điều kiện BT phải bảo vệ thi công; 1 trường hợp không đảm bảo thu hồi đất áp giá BT và 1 trường hợp khác.

Hiện nay, các ngành chuyên môn của huyện đang tiếp tục rà soát các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan để tham mưu Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình tiếp tục ban hành 4 quyết định cưỡng chế tiếp theo. Hôm nay 15.5, địa phương huy động lực lượng bảo vệ thi công hơn 300m dọc hai bên quốc lộ 1 (đoạn Cây Cốc, thị trấn Hà Lam). Đây là khu vực các hộ dân đã nhận tiền BT-HT, đơn vị thi công đã thỏa thuận xong việc chi trả tiền BT với các trường hợp bị nứt nhà nhưng vẫn cản trở thi công phần thảm nhựa.

Cần phải nói rằng, để cho kịp với tiến độ thi công quốc lộ 1, chính quyền địa phương và các ngành chức năng huyện Thăng Bình đã ít nhiều có sai sót trong thi hành nhiệm vụ, đâu đó có một số hộ dân bị thua thiệt quyền lợi, nhưng chỉ là cá biệt. Những sai phạm của lãnh đạo địa phương và cán bộ địa chính xã Bình Nguyên gần đây cũng đã bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Vì thế người dân không thể dựa vào đó mà đánh mất niềm tin về cách giải quyết của chính quyền các cấp. Dự án mở rộng quốc lộ 1 hoàn thành sớm thì hơn ai hết người dân sống dọc hai bên đường sẽ hưởng lợi do đường sá mở rộng, không còn cảnh bụi bặm, ồn ào khi thi công nên rất cần sự đồng tình ủng hộ, chấp hành chủ trương chung của người dân.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình: Chỉ còn dùng biện pháp mạnh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO