Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (đoạn qua phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) đang bị ách tắc do 9 hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng.
Lấn cấn xác định nguồn gốc đất
Trong đơn kiến nghị gửi đến lãnh đạo tỉnh, đại diện 9 hộ dân khối phố Hà My Đông A (phường Điện Dương) cho biết, từ năm 1993 đến nay những hộ dân này đã tổ chức khai hoang các thửa đất ven sông Cổ Cò để trồng lúa.
Tuy nhiên, khi dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò được triển khai, quá trình xét duyệt nguồn gốc đất để hỗ trợ, bồi thường thì 9 hộ dân này không được nhận tiền hỗ trợ do đất họ đang canh tác thuộc UBND phường Điện Dương quản lý (đất 5%). Trong khi cùng vị trí này, một số thửa đất lại được xác định có nguồn gốc khai hoang và được hỗ trợ.
Ông Phạm Mảnh (Tổ trưởng tổ 1, khối phố Hà My Đông A) đại diện 9 hộ dân cho rằng, việc xác định nguồn gốc đất của UBND phường Điện Dương không hợp lý, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cụ thể là việc bồi thường, hỗ trợ giữa các hộ dân không công bằng.
“Cũng trên một thửa đất liên cư liên địa nhưng có người được bồi thường tiền tỷ, còn chúng tôi thì chỉ vài chục triệu đồng. Thậm chí, có hộ dân cùng khai hoang một thửa ruộng nhưng một nửa thì được bồi thường theo đất khai hoang, một nửa được hỗ trợ theo đất do UBND phường quản lý” - ông Mảnh phản ánh.
Theo quy định, đất người dân khai hoang, bên cạnh tiền bồi thường còn được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và đền bù cây cối, hoa màu trên đất. Với đất 5% (do cấp xã, phường quản lý) thì người dân canh tác không được hưởng tiền hỗ trợ.
Ông Trương Tới (khối phố Hà My Đông A, phường Điện Dương) quả quyết, ông và 8 hộ dân sẵn sàng bàn giao đất cho Nhà nước miễn là có sự công bằng.
“Chúng tôi chỉ muốn được giải thích rõ, tại sao cùng một thửa đất, cùng khai thác một thời điểm nhưng người thì được hỗ trợ, người thì không, nếu tất cả được bồi thường hỗ trợ như nhau thì dù có ít tiền chúng tôi cũng nhất trí” - ông Tới nói.
Tháng 6.2021, UBND thị xã Điện Bàn đã tổ chức đối thoại với 9 hộ dân nhưng chưa thể giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND phường Điện Dương khẳng định, diện tích đất 9 hộ dân đang sử dụng nằm trong quỹ đất 5% của địa phương nên không thể hỗ trợ được.
“Nếu là dự án khu đô thị thì doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra một nguồn lãi từ khai thác quỹ đất để hỗ trợ người dân nhưng đây là dự án đầu tư công nên khó có nguồn để hỗ trợ thêm, chúng tôi không thể làm trái quy định của Nhà nước” - ông Tuấn cho biết.
Địa phương không thể làm trái quy định
Trong buổi đối thoại vừa diễn ra tại Điện Dương, ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam) cho biết, dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò đoạn qua phường Điện Dương có 28 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 11 hộ có đất liên quan đến đất 5% do UBND phường Điện Dương quản lý (diện tích hơn 10.400m2).
“Theo Quyết định 43 năm 2014 của UBND tỉnh, đối với nhóm đất công ích nếu có hợp đồng thuê đất thì tiền bồi thường sẽ hỗ trợ cho địa phương. Tuy nhiên, do người dân không có hợp đồng nên thị xã Điện Bàn đã đề xuất phê duyệt bồi thường cho dân bằng 2 lần giá quy định (110 nghìn đồng/m2). Thật sự chúng tôi cũng muốn hỗ trợ cho bà con, nhưng quy định của Nhà nước như vậy nên không thể làm khác được” - ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Vỹ - Trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn, thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, Điện Dương đã kê khai tất cả diện tích đất nông nghiệp từ năm 1995, tuy nhiên do đất 5% nằm xen kẽ với đất hoang dẫn đến lẫn lộn khi người dân ra sản xuất. Chính vì vậy phát sinh vấn đề có người được hưởng hỗ trợ (đất khai hoang) và người không được hỗ trợ do đất thuộc phường quản lý.
“Do phường không quản lý, người dân sử dụng nên mới được bồi thường chứ theo Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47 của Chính phủ và Quyết định 43 của UBND tỉnh thì đất công ích không được bồi thường cho người sử dụng đất và chỉ bồi thường cho địa phương là UBND cấp xã, nên tôi nghĩ đây cũng là may mắn cho bà con, chứ thật ra họ không có giấy tờ. Bây giờ có muốn bồi thường hỗ trợ nhiều hơn nữa cũng không được vì quy định như vậy rồi” - ông Vỹ nói và cho hay khả năng đây sẽ là buổi đối thoại cuối cùng trước khi củng cố hồ sơ bảo vệ thi công.
“Có lẽ chúng tôi sẽ hội ý lại xin ý kiến của tỉnh hỗ trợ thêm một phần nào đó, nếu không hỗ trợ thì cũng xin cơ chế bảo vệ thi công luôn” - ông Vỹ thông tin.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, việc gì có lợi cho dân thị xã sẽ quyết tâm làm, nhưng có những quy định không thể làm trái được nên người dân phải hiểu và chia sẻ. Trong trường hợp, người dân thấy điều gì không đảm bảo quy định pháp luật trong quá trình bồi thường hỗ trợ có thể khởi kiện ra tòa.