(QNO) - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E vào cuối tháng 5/2024. Nhưng thực tế, nhiều vướng mắc còn tồn tại, khiến mục tiêu về đích với thời hạn nêu trên gặp trở ngại đáng kể.
Nhiều vướng mắc
Báo cáo với Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, Ban quản lý Dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hội đồng GPMB các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn rất tích cực trong phê duyệt phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, chiều dài mặt bằng mới bàn giao được 47,18/71,38km (đạt 66,1%). Trong đó, nhiều đoạn dù bàn giao song còn nhỏ lẻ khó triển khai thi công. Việc phê duyệt, giải ngân nguồn vốn GPMB từ ngày 1/3/2024 đến nay chỉ đạt 12,237/55 tỷ đồng (tỷ lệ 22,24% theo kế hoạch đăng ký).
Tại Thăng Bình, mặt bằng bàn giao 11,1/17,4km với 120 đoạn. Thuộc vị trí được bàn giao, 78 đoạn nhà thầu chưa thể thi công do chiều dài nhỏ lẻ (mỗi đoạn dài 5 - 56m) và người dân ngăn cản với tổng cộng 2,2km. Những hộ này cho rằng giá bồi thường hỗ trợ thấp; khiếu nại về đất nằm sát mặt đường; yêu cầu nhận tiền bồi thường mới bàn giao mặt bằng...
Tại vị trí chưa GPMB xong, hàng loạt “điểm nghẽn” được chỉ ra như người dân mua bán, nhận chuyển nhượng viết tay nhưng chưa đăng ký chỉnh lý “sổ đỏ” của bên bán; tranh chấp quyền sử dụng đất. Hồ sơ pháp lý về thay đổi hình dạng kích thước, không có ranh giới tọa độ thửa đất; “sổ đỏ” đã cấp và quyết định giao đất cho hộ này nhưng phần ảnh hưởng GPMB là của người khác; không thống nhất quyền thừa kế giữa các thành viên gia đình...
Qua địa bàn Hiệp Đức, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 4 - ông Quế Hải Trung cho hay, huyện đã bàn giao 19,48/30,2km. Vậy nhưng, mặt bằng thi công ở nhiều đoạn đang vướng đường ống nước sạch và điện chiếu sáng nên không thể làm hoàn thiện.
Theo đơn vị quản lý dự án, Hiệp Đức hiện còn vướng 6 hộ dân tại xã Bình Lâm có nhà bị giải tỏa, nhưng chưa thể di dời vì chưa hoàn thiện khu tái định cư. Thuộc phạm vi xã Quế Bình cũ (nay là thị trấn Tân Bình), hồ sơ đo đạc đang chỉnh lý. Tuy nhiên, hiện còn thiếu hồ sơ của 10 hộ để hoàn thiện hồ sơ trình, bao gồm 2 hộ đang tranh chấp về đất đai, 1 hộ đứng tên nhưng không trực tiếp sử dụng, 1 hộ giấy tờ bị thất lạc, 6 hộ sai sót trong hồ sơ trích đo.
Công tác GPMB qua Phước Sơn tiến triển đáng kể, khi huyện đã bàn giao 16,6/23,78km. Khó khăn hiện nay là một số đoạn đã bàn giao mặt bằng nhưng do thực tế bị “án ngữ” điện trung thế, trạm biến áp. Huyện có tổng cộng 15 hộ dân thuộc diện xét tái định cư. Các hộ dân này đều đồng thuận tự thu xếp chỗ ở. Vướng mắc là nhiều trường hợp gặp trở ngại trong xác nhận tình trạng pháp lý về đất ở...
Cần nỗ lực tháo gỡ
Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo 3 huyện phải hoàn thành cơ bản toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trước ngày 30/5/2024. Trong báo cáo mới đây, Ban quản lý Dự án 4 đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương phê duyệt, chi trả đối với các thửa đất còn lại. Chỉ đạo các chủ đầu tư có công trình hạ tầng kỹ thuật khẩn trương di dời ra khỏi phạm vi công trường, nhất là điện chiếu sáng và đường ống nước sạch qua Hiệp Đức để nhà thầu hoàn thiện vị trí đang mở rộng tuyến đường.
Một cán bộ của Ban quản lý Dự án 4 chia sẻ, liên danh nhà thầu gói XD01 nhiều lần than phiền thiếu mặt bằng thi công đoạn qua Thăng Bình. Nhà thầu xác nhận, mặc dù đang mùa khô song họ phải rút bớt 2 tổ nhân công do không có mặt bằng để triển khai, nếu có cũng bị người dân cản trở như đã đề cập. Liên danh nhà thầu kiến nghị địa phương quan tâm vào cuộc quyết liệt tháo gỡ “nút thắt” GPMB từng hộ, từng trường hợp. Ưu tiên nối các đoạn nhỏ lẻ giữa các đoạn đã bàn giao nhằm đảm bảo đủ chiều dài thi công.
Đơn vị quản lý dự án cũng kiến nghị Thăng Bình ưu tiên sớm GPMB phạm vi cầu vượt đường sắt. Đôn đốc phòng, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ, ban hành văn bản đủ điều kiện hay không đủ điều kiện đối với 190 thửa đất đã trình ở Phòng TN-MT. Tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với hộ không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ được công khai, nhằm giải thích cho người dân hiểu cách tính áp giá, tạo lòng tin và đồng thuận với chế độ chính sách của nhà nước. Vận động hộ gia đình bàn giao các vị trí lắp dựng cột điện trung thế để đơn vị điện lực thực hiện di dời kịp tiến độ.
Với vướng mắc của Hiệp Đức, đại diện chủ đầu tư kiến nghị UBND huyện chỉ đạo đơn vị tư vấn trích đo khẩn trương thu thập hồ sơ pháp lý các hộ còn lại trên địa bàn xã Quế Bình cũ, trình phê duyệt chỉnh lý các mảnh trích đo làm căn cứ để phê duyệt, chi trả. Sớm hoàn thiện khu tái định cư Vườn Chè để có cơ sở phê duyệt, di dời các hộ dân ở xã Bình Lâm. Đôn đốc di dời đường điện chiếu sáng, đường ống nước sạch ra khỏi phạm vi công trường.
Đại diện chủ đầu tư cũng kiến nghị Phước Sơn chỉ đạo các xã Phước Hòa, Phước Hiệp và phòng ban liên quan sớm xác minh nguồn gốc đất các trường hợp thuộc phạm vi dự án 327, 661 và các hộ dân còn lại, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/5/2024.