Giải phóng mặt bằng đường cao tốc qua Núi Thành: Vất vả khai thông

CÔNG TÚ 02/06/2016 09:30

Dù đã nỗ lực khai thông, mặt bằng phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn Núi Thành vẫn chưa “sạch”. Với nhiều điểm ách tắc kéo dài, địa phương đang vất vả tháo gỡ.

  • Đề nghị tạm ứng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc
  • Nhiều địa phương chậm bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
  • Lại cản trở thi công đường cao tốc
  • Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc qua Điện Bàn: Nỗ lực khai thông
  • Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc: Ráo riết giải quyết ách tắc
  • Quyết liệt bàn giao mặt bằng dự án cao tốc
  • Ráo riết giải phóng mặt bằng cao tốc đoạn qua Phú Ninh
Mặt bằng đoạn rừng trồng cây nguyên liệu tại thôn Thạch Kiều tiếp tục ách tắc. Ảnh: C.T
Mặt bằng đoạn rừng trồng cây nguyên liệu tại thôn Thạch Kiều tiếp tục ách tắc. Ảnh: C.T

Nhiều ách tắc

Những ngày qua, thiết bị thi công của nhà thầu gói A1 “đứng bánh” tại khu vực đất rừng trồng cây nguyên liệu ở thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2. Trên diện tích kéo dài khoảng 0,6km thuộc phạm vi ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc, một số người dân được thuê để chặt cây keo, bề ngang khai thác chỉ rộng chừng vài mét. Lý giải việc giao mặt bằng kiểu “nhỏ giọt” trên, theo  cán bộ Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, do quá sốt ruột bởi máy móc đắp chiếu nhiều ngày qua, nhà thầu chủ động làm việc với 9 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng để bỏ tiền túi ra bồi thường trước số lượng cây keo bị ảnh hưởng (ngoài tiền bồi thường theo quy định), bề ngang đảm bảo cho phương tiện lưu thông nhưng chỉ vài hộ đồng ý. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tổng dù chấp thuận phương án tạm thời của nhà thầu vẫn giữ quan điểm chỉ bàn giao đất nếu bồi thường tất cả diện tích đang sử dụng. Tương tự, 4 hộ khác mặc dù đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua địa bàn huyện Núi Thành có tổng chiều 30,78km, thuộc các gói thầu A1 và A2. Gần cuối tháng 5 vừa qua, địa phương đã chính thức bàn giao được 28,47km (đạt 92,5%). Một số điểm vướng mắc còn lại liên quan tới 84 hộ dân (52 hộ đã nhận tiền) và 1 doanh nghiệp mỏ đá (Wei Xern Sin) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án; khoảng 30 ngôi mộ chưa di dời.

Tại xã Tam Hiệp hiện còn vướng mặt bằng của 1 hộ nằm ở vị trí nút giao Chu Lai, do gia đình yêu cầu nhận suất tái định cư. Xã Tam Mỹ Tây có  17 trường hợp đã nhận tiền nhưng lại dây dưa không bàn giao mặt bằng; 3 hộ không đồng thuận với cách giá áp. Tại xã Tam Nghĩa, ngoài văn phòng điều hành của mỏ đá Wei Xern Sin tiếp tục hiện diện vị trí cũ, địa phương còn 3 trường hợp chưa chịu nhận tiền. Ông Phạm Văn Phúc, trú thôn Đa Phú 2 (xã Tam Mỹ Đông) nói: “Giá bồi thường thấp quá. Vả lại, địa phương không tính trượt giá cho gia đình tôi mà chưa đưa ra lời giải thích nào thỏa đáng”. Là người thân của ông Phúc, ông Phạm Châu cho hay dù gia đình đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ tháng 12.2015 nhưng chờ thêm kinh phí hỗ trợ trượt giá mới dời đi. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cuối tháng 5 vừa qua, địa bàn Tam Mỹ Đông có 47 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, 25 hộ đã nhận tiền nhưng chưa di chuyển do đang xây nhà hoặc khiếu nại về chính sách, đơn giá… Đối với 21 gia đình chưa nhận tiền, 11 trường hợp có đất nhưng không có nhà ở, vừa mới phê duyệt quyết định hỗ trợ tỷ lệ theo suất tái định cư.

Tiếp tục khai thông

Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND huyện Núi Thành khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận để bàn giao mặt bằng. Liên quan đến 9 hộ dân ở thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2), địa phương khẳng định, khu vực này không được bồi thường về đất, mà chỉ bồi thường về tài sản trên đất. Nhiều hộ chưa thống nhất nhận tiền (về tài sản trên đất), đồng thời tất cả họ đều yêu cầu bồi thường, hỗ trợ về đất. UBND huyện đã thành lập tổ xác minh nguồn gốc đất để có cơ sở xem xét các trường hợp nêu trên. Kết quả cho thấy, diện tích đất liên quan đã được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) giao cho Lâm trường Tam Kỳ (nay là Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam) quản lý theo Quyết định số 723/QĐ-UB ngày 8.5.1993. Và theo Quyết định số 1781/QĐ - UBND ngày 29.5.2009 của UBND tỉnh Quảng Nam, diện tích đất trên đã giao cho UBND xã Tam Xuân 2 quản lý. Những hộ này không cung cấp thêm được các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến quá trình sử dụng đất. Cá biệt, 2 hộ ông Doãn Thế Giới và Nguyễn Hồng Xuyến sử dụng đất có nguồn gốc là do nhận khoán đất trồng cây lâu năm của Lâm trường Tam Kỳ (thời hạn ngày 8.8.2001 đến hết 8.8.2016).

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - ông Trương Văn Trung cho hay, địa phương đang củng cố hồ sơ và sẽ sớm ban hành quyết định cưỡng chế 9 hộ dân tại thôn Thạch Kiều vào giữa tháng 6 này. Liên quan đến thắc mắc của người dân thôn Đa Phú 2 (Tam Mỹ Đông), các cấp chính quyền ở Núi Thành đã nhiều lần giải thích và tiếp tục giải thích, vận động để người dân đồng thuận. Cũng tại Tam Mỹ Đông, nhiều hộ có đất mặt tiền tuyến ĐH7.NT nhưng không có nhà ở cho rằng, giá áp bồi thường thấp so với thực tế thị trường. Được biết, hôm nay (2.6), lãnh đạo huyện Núi Thành tiếp tục đối thoại với các hộ liên quan. “Huyện chia nhóm đối tượng để giải thích, vận động người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Hộ nào đã giải quyết thấu tình đạt lý mà vẫn chây ì, chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ thi công và thậm chí cưỡng chế theo quy định” - ông Trương Văn Trung nói.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng đường cao tốc qua Núi Thành: Vất vả khai thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO