Giải phóng mặt bằng đường cao tốc qua Thăng Bình: Thêm nhiều khuất tất

XUÂN THỌ 15/01/2016 11:05

Liên quan đến sự tắc trách của chính quyền xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình) trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở thôn Mỹ Trà (Báo Quảng Nam đã phản ánh), phóng viên còn ghi nhận thêm nhiều kiến nghị của người dân vùng bị giải tỏa về những khuất tất cần làm rõ.

Xác định sai đối tượng bồi thường

Ông Trần Dung (tổ 4, thôn Mỹ Trà) cho biết, theo kết quả đo đạc địa chính thửa đất số 44 ngày 9.11.2012, toàn bộ 1.927m2 đất trồng rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của ông, trong đó có 958m2 thuộc diện thu hồi xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhưng đến khi nhận tiền bồi thường, ông Dung chỉ nhận được số tiền 32 triệu đồng của phần diện tích 480m2, còn diện tích 478m2 tương đương 35 triệu đồng tiền bồi thường thì không được nhận. Điều đáng nói, số tiền bồi thường này được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình chi trả cho ông Trần Kỷ (cũng ở tổ 4, thôn Mỹ Trà). Ông Dung nhiều lần khiếu nại, xã Bình Chánh có giải quyết nhưng chưa rốt ráo và khuyên 2 người tự thỏa thuận. “Đất của tôi thì tôi phải nhận tiền bồi thường và tôi muốn xã phải giải quyết cho tôi. Ngoài ra, nếu được giải quyết, tôi muốn được nhận tiền trực tiếp từ chính quyền, chứ không thông qua ai cả” - ông Dung nói.

Công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tổ 4, thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh. Ảnh: XUÂN THỌ
Công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tổ 4, thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh. Ảnh: XUÂN THỌ

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhiên, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường xã Bình Chánh khẳng định, ông Dung không được nhận tiền bồi thường của phần đất 478m2 là đúng, vì nó thuộc quyền sử dụng của ông Trần Kỷ. Sau đó, ông Nhiên đưa chúng tôi xem một số trích lục bản đồ, thể hiện phần diện tích trên nằm trong tổng diện tích 2.220m2 thuộc quyền sử dụng của ông Trần Kỷ. Khi chúng tôi hỏi, tại sao kết quả đo đạc trước đó thể hiện diện tích đất trên thuộc phần của ông Dung, thì một lần nữa, ông Nhiên thừa nhận đây là... lỗi của cán bộ khi đo đạc. “Khi đo đạc ngày 9.11.2012, ông Dung chỉ đâu thì cán bộ đo đến đó. Sau khi kiểm tra lại, mới phát hiện sai sót, vì phần đất 478m2 là của ông Kỷ chứ không phải của ông Dung. Thời điểm đo đạc ấy, ông Kỷ cho ông Dung trồng cây, mà ông Dung chỉ đâu, cán bộ đo đấy nên dẫn đến sai. Chứ thực tế, diện tích quyền sử dụng của ông Dung chỉ là 480m2” - ông Nhiên nói.

Ông Dung trình bày với phóng viên về vụ việc. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Dung trình bày với phóng viên về vụ việc. Ảnh: XUÂN THỌ

Xã giữ bìa đỏ vì sai nguồn gốc đất

Khi có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy ngang qua xã Bình Chánh, một số diện tích đất lâm nghiệp mà nhiều người dân phản ảnh là thuộc quyền sử dụng của họ cũng bị giải tỏa. Tuy nhiên, họ không biết chính xác là có bao nhiêu diện tích. “Chỉ nghe nói rằng, xã đã nhận số tiền bồi thường cho toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp là 780 triệu đồng. Có điều, chúng tôi không biết số tiền ấy đang ở đâu và chúng tôi cũng chưa được hưởng bất cứ khoản nào từ số tiền này” - ông Phan Đình Chung (ở tổ 4, thôn Mỹ Trà) cho biết.

Theo trình bày của ông Chung, cách đây mười mấy năm, UBND huyện Thăng Bình có ký giấy tờ công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 40 hộ dân, tách thành 4 tờ, mỗi tờ gồm có 10 hộ dân và do 1 hộ dân đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Thời điểm đó, ông Huỳnh Thạch giữ chức Chủ tịch UBND xã Bình Chánh và quản lý 4 tờ bìa đỏ này. Khi chuyển công tác lên huyện, ông Thạch đã giao số giấy tờ này cho người kế nhiệm là ông Võ Huấn giữ. Sau khi thôi chức Chủ tịch UBND xã Bình Chánh để lên làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, ông Huấn bàn giao 4 bìa đỏ này cho người đương nhiệm là ông Huỳnh Văn Hoàng quản lý, trong đó có 2 bìa đỏ do ông Phan Quới và Ngô Tặng đứng tên có phần diện tích được bồi thường, giải tỏa để thi công đường cao tốc. Một số hộ dân thôn Mỹ Trà cho biết, qua khẳng định: mấy đời chủ tịch xã, họ không được giữ các bìa đỏ này. Chỉ biết rằng phần diện tích của 2 tờ đăng ký do ông Quới và ông Tặng đứng tên nằm trong diện bồi thường, giải tỏa với số tiền 780 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều tháng trôi qua, họ vẫn chưa nghe thông tin gì về số tiền ấy và cũng thắc mắc sao mình chưa được hưởng quyền lợi từ số tiền đó. Ông Nhiên khẳng định, đúng là xã có giữ bìa đỏ của các hộ dân này, nhưng khi rà soát lại, mới phát hiện đất đó là của xã nên giữ lại, đồng thời ký hợp đồng giao khoán cho các hộ dân.

Người dân thắc mắc số tiền đền bù từ khu đất lâm nghiệp của họ có được hưởng hay không? Ảnh: XUÂN THỌ
Người dân thắc mắc số tiền đền bù từ khu đất lâm nghiệp của họ có được hưởng hay không? Ảnh: XUÂN THỌ

Điều này đồng nghĩa với việc các hộ dân có tên trong 2 bìa đỏ do ông Quới và ông Tặng đứng tên sẽ không được hưởng phần tiền bồi thường. “Họ chỉ được hưởng theo hoa hồng giữ và bảo vệ rừng theo hợp đồng ký với xã trước đó, vì số cây này cũng do xã trồng” - ông Nhiên nói. Cũng theo ông Nhiên, theo kết quả đo đạc thì có 1,2ha đất lâm nghiệp được thu hồi để làm đường cao tốc, còn số tiền bồi thường là bao nhiêu thì xã chưa biết vì cái này do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình quản lý. Thế nhưng sau đó, ông Nhiên cho biết UBND xã Bình Chánh đã nhận tổng số tiền khoảng 301 triệu đồng từ các phần diện tích thuộc đất 5% công ích của xã (mà các hộ dân có tên trong bìa đỏ trước đây) và cả 1,2ha đất lâm nghiệp. Số tiền này đang nằm trong ngân sách của xã Bình Chánh. Tiếp tục trao đổi, ông Nhiên cho biết phần diện tích đất rừng trên chỉ thu hồi chứ không được đền bù.

Bán giá đất cao hơn bồi thường

Cán bộ thôn gây khó dễ đối với phóng viên
Trong 2 ngày chúng tôi đến nhà ông Phan Đình Chung (ở tổ 4, thôn Mỹ Trà) để thu thập thông tin viết bài, ông Phan Đình Hà - cán bộ thôn Mỹ Trà đều xuất hiện trong tình trạng nồng nặc mùi men. Đáng chú ý, vào chiều ngày 6.1, ông Hà đã lớn tiếng với chúng tôi vì cho rằng chúng tôi đến nhà chú ông (tức ông Chung) làm việc mà sao còn làm việc với người khác nữa. Đồng thời ông Hà buông lời thách thức và tiến về phía chúng tôi nhưng bị một thanh niên khác ngăn lại. Sau đó, ông Hà hăm họa: “Để xem bọn bay ra được khỏi ni không”. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Hà cũng nằm trong bộ phận đo đạc đất đai bồi thường ở tổ 4, thôn Mỹ Trà. Và trong buổi làm việc với UBND xã Bình Chánh ngày 7.1, chúng tôi thấy có sự hiện diện của ông Hà.

Một số hộ dân thuộc diện bồi thường, giải tỏa đất có nhà ở cho biết, sau khi được nhận tiền bồi thường, họ phải mua đất ở mới với giá cao hơn giá được UBND xã Bình Chánh hứa sẽ bán với giá thấp hơn hoặc bằng với mức họ được nhận bồi thường. Ông Nguyễn Hạnh (ở tổ 4, thôn Mỹ Trà) bức xúc: “Hồi mới bị giải tỏa, xã có nói với chúng tôi sẽ có 2 lựa chọn, hoặc là vào khu tái định cư hoặc mua đất tự do. Rồi xã không nói thêm gì về tái định cư mà khuyên chúng tôi nên mua đất tự do với giá bán sẽ không cao hơn mức bồi thường, thế mà bây giờ xã lại bán đất giá cao hơn”.

Ông Hạnh còn cho biết, đất nhà ở của ông được bồi thường với mức 129.600 đồng/m2, sau đó ông mua đất mới để làm nhà thì xã Bình Chánh tính giá 200 nghìn đồng/m2, mới đây lên đến 280 nghìn đồng/m2. Do không đồng ý với mức giá này, ông Hạnh không chịu nhận tiền bồi thường. Ngoài ra, việc áp giá đền bù nhiều công trình phụ trên đất nhà ông Hạnh cũng không đúng thực tế, nên ông đã nhiều lần gửi đơn đi khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Được biết, ông Hạnh có 272m2 đất đã xây nhà ở và các công trình phụ, số tiền mà ông được nhận bồi thường là 124 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết phần lớn người dân ở đây thích chọn tái định cư tự do để dễ dàng gắn với sản xuất, đồng ruộng. Nếu vào khu tái định cư, người dân sẽ được hưởng theo các chính sách hỗ trợ của tỉnh. “Còn tái định cư tự do, xã chỉ có trách nhiệm bố trí chỗ ở theo những nơi quy hoạch, còn tiền thì do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thu.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng đường cao tốc qua Thăng Bình: Thêm nhiều khuất tất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO