Giải phóng mặt bằng đường cao tốc: Thăng Bình bứt phá

KHIÊM KHẢI 28/09/2015 09:32

Phân loại từng nhóm đối tượng vướng mắc và áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp, Thăng Bình đang bứt phá về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

  • Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc đường cao tốc
  • Nhà thầu dự án cao tốc phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường
  • Thông hầm qua núi Eo, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
  • Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: "Nút thắt" ở Núi Thành

Bứt phá

Tại cuộc họp giao ban GPMB đường cao tốc diễn ra ngày 21.8 vừa qua, đại diện huyện Thăng Bình báo cáo địa phương còn 63 hộ chần chừ bàn giao mặt bằng. Do chưa tìm được tiếng nói chung, huyện mới hoàn thành xong 11,9/12,7km cần khơi thông sạch cho dự án, song vẫn còn 0,8km chưa thể tháo gỡ vào cuối tháng 8 vì vướng 63 gia đình và hệ thống nước sạch, điện. Nhiều đoạn bàn giao mặt bằng kiểu “da beo” gây khó khăn cho nhà thầu. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25.9, Thăng Bình đã gỡ vướng được thêm 45 trường hợp bị ảnh hưởng. Chiều dài mặt bằng “nợ” hạ xuống chỉ còn vài trăm mét. Nhiều đoạn tuyến thông suốt, đơn vị thi công có thể dễ dàng vào cuộc ngay.Đi thực tế mới đây, chúng tôi nhận thấy không ít địa điểm trên công trường trở nên nhộn nhịp khi lực lượng công nhân đang tất bật lao động để vượt kế hoạch đặt ra. Cảnh tượng phương tiện, thiết bị “đắp chiếu” nằm chờ không còn xảy ra.

Thăng Bình đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao cho nhà thầu thi công. ảnh: K.KHẢI
Thăng Bình đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao cho nhà thầu thi công. Ảnh: K.KHẢI

Thời gian qua, Thăng Bình đã có sự bứt phá mạnh mẽ về tiến độ trong công tác GPMB dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Châu Trường - chuyên viên Văn phòng hiện trường Hà Lam, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đánh giá, huyện đạt được thành quả đó là do những người có liên quan đã vào cuộc đầy tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày đêm, không nghỉ lễ. Theo thống kê, Thăng Bình đã vận động toàn bộ 130 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời nhà ở nhận suất đầu tư hạ tầng (230 suất). Đây được xem là thành công của địa phương. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai dự án mở rộng quốc lộ 1, địa phương đã tập trung thực hiện tốt công tác kiểm kê, áp giá đền bù, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) minh bạch, rõ ràng.

Linh hoạt cách làm      

Theo ông Nguyễn Đình Chi, Thăng Bình hiện còn 7 hộ chờ đủ thời gian niêm yết giá công khai. Sau đó, những hộ này sẽ tiến hành ký cam kết nhận tiền, bàn giao mặt bằng và không cản trở thi công. Ngoài ra, địa phương sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc thuộc nhóm hộ đang tranh chấp đất. Trong khi đó, Tổ công tác của Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các xã để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công dự án. Lực lượng công an sẽ chủ động xử lý các trường hợp chống đối trái quy định của pháp luật, đảm bảo quá trình cưỡng chế diễn ra thành công.

Trong giai đoạn nước rút, huyện Thăng Bình linh hoạt phân chia từng nhóm đối tượng chưa đồng ý nhận tiền  bồi thường để lên phương án vận động, tuyên truyền. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ  đất Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi cho hay, khái quát có các nhóm cụ thể như sau: nhóm chưa nhận tiền bồi thường, nhóm ảnh hưởng một phần ngôi nhà, nhóm ảnh hưởng đất không ảnh hưởng nhà, nhóm đang tranh chấp. Từ đó, lãnh đạo UBND huyện giao cho trung tâm phối hợp với Phòng TN-MT, UBND các xã giải quyết các khó khăn, vướng mắc lập và trình phê duyệt hoặc bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn lại. Những gia đình nào đã có quyết định phê duyệt phương án chi tiết nhưng chưa thống nhất nhận tiền, đơn vị cùng các ngành tổ chức tuyên truyền vận động, giải thích cho bà con đồng thuận chủ trương. Hộ dân cố tình không chấp hành, trung tâm và UBND các xã hoàn chỉnh thủ tục, lập hồ sơ gửi thẩm định để huyện ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Cạnh đó, Thăng Bình còn giao nhiệm vụ để tổ giải quyết đơn phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra, tham mưu khâu giải quyết các đơn thư kiến nghị, khiếu nại của hộ dân, tổ chức liên quan đến GPMB. Những hộ chưa đồng tình nhận tiền có kiến nghị về nguồn gốc đất, UBND các xã rà soát từng trường hợp cụ thể để trả lời thỏa đáng.

Xã Bình Chánh có 3 hộ dân đã tống đạt quyết định cưỡng chế sau khi các cấp, các ban ngành, hội đoàn thể từ huyện đến thôn, tổ kiên trì vận động, giải thích và đối thoại không đạt kết quả. Nhưng khi chúng tôi đến thì được biết, đang chờ đến ngày tiến hành có 2 hộ đồng ý nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Huỳnh Văn Hoàng tâm sự, địa phương nhiều lần vận động, tuyên truyền và trả lời thỏa đáng mọi thắc mắc.  “Chúng tôi làm hết cách trên cơ sở đảm bảo mọi quyền lợi của người dân. Cực chẳng đã mới tham mưu ban hành quyết định cưỡng chế” - ông Hoàng bày tỏ. Gặp hộ ông Nguyễn Hạnh ở tổ 4, thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh (hộ đang thuộc  diện cưỡng chế), chúng tôi được gia đình cho biết hiện đã gửi đơn lên tòa án vì không tin tưởng vào cách áp giá, giải thích và vận động của các cấp, ban ngành liên quan.

KHIÊM KHẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải phóng mặt bằng đường cao tốc: Thăng Bình bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO