Tiến độ triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, chủ yếu liên quan chuyện đền bù và tái định cư (TĐC).
Thuận lợi đất nông nghiệp
Theo ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (TT PTQĐ) TP.Tam Kỳ, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua đô thị tỉnh lỵ có chiều dài 2km với 161 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án (không kể các hộ thuộc khu vực cầu vượt đường Tam Kỳ - Phú Ninh giao với đường cao tốc và điểm dừng chân). Trong đó, có 9 hộ phải di chuyển chỗ ở do thu hồi đất, 12 hộ tái định cư (3 hộ phụ). Đến nay, TP.Tam Kỳ đã chi tiền bồi thường 100% theo quy định của địa phương; di dời hoàn thành đường dây điện và chờ quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng. Do chỉnh dòng song song với tuyến khi đường cao tốc được triển khai, vì vậy hồ sơ thiết kế cống thủy lợi vượt suối Vũng Giang chưa được phê duyệt.
Lễ khởi công thực hiện dự án tại gói thầu 3A. Ảnh: CÔNG TÚ |
Nằm trong vùng dự án, Điện Bàn nỗ lực cố gắng GPMB, hiện đang triển khai thực hiện với chiều dài 12km. Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc TT PTQĐ huyện Điện Bàn thông tin, địa phương đã tiến hành chi trả xong phần đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị ảnh hưởng tại khu vực xã Điện Tiến. Chuẩn bị công khai phương án, chi trả tiền cho nhân dân đối với đất ở, nhà ở và một số tài sản của 24 hộ bị giải tỏa trắng. Điện Bàn cũng chi trả được 62,543/68,69 tỷ đồng phần đất nông nghiệp và tài sản trên đất tại khu vực xã Điện Thọ. Phương án bồi thường, hỗ trợ cho 31 hộ tại thôn Kỳ Long (gói thầu 3A) và 19 hộ ở thôn Đức Ký Nam bị giải tỏa trắng đã có quyết định phê duyệt, chuẩn bị công khai và chi trả tiền cho nhân dân. Đồng thời, huyện tiến hành chi trả được 17/17,423 tỷ đồng phần đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị ảnh hưởng qua khu vực xã Điện Quang. Chuẩn bị công khai phương án, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 13 hộ tại thôn Kỳ Lam (gói thầu 3A) và 17 hộ ở thôn Xuân Đài.
Bị ảnh hưởng trong phạm vi GPMB từ Km68+309 - Km73+000 và 2 điểm TĐC tại 2 xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Núi Thành cũng tiến hành kiểm kê xong đất đai, tài sản. Đến đầu tháng 7, TT PTQĐ huyện thực hiện giải ngân 15 tỷ đồng được phân bổ của năm 2012. Trong đó, chi trả tiền cho các hộ bị ảnh hưởng là 13,3 tỷ đồng. Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ liên quan để tính giá trị bồi thường, hỗ trợ cho các hộ còn lại của xã Tam Xuân 1, một phần xã Tam Xuân 2; kiểm đếm cho các hộ còn lại ở xã Tam Xuân 2 (theo hướng tuyến sau khi điều chỉnh).
Khó khăn về đất ở
Bên cạnh thuận lợi trong GPMB đất nông nghiệp, việc triển khai thực hiện công tác GPMB, TĐC qua địa bàn tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn khiến tiến độ bị chậm. Lễ khởi công xây dựng gói thầu 3A cũng như cho toàn bộ dự án đã diễn ra ngày 19.5 vừa qua tại thôn Kỳ Long (huyện Điện Bàn), song đến nay nhà thầu vẫn chưa thể thi công vì vướng mặt bằng. Theo lộ trình, trong tháng 7 năm nay, TT PTQĐ Điện Bàn tiếp tục chi trả đền bù đất nông nghiệp ở Điện Thọ đối với nguồn vốn được phân bổ năm trước. Còn nguồn vốn được phân bổ năm 2013, đơn vị sẽ chi cho công tác xây dựng các khu TĐC; chi bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp tại Điện Thọ và Điện Quang; chi bồi thường, hỗ trợ đất ở, nhà và suất TĐC cho các hộ bị giải tỏa trắng tại các thôn: Xuân Đài, Đức Ký Nam, Thái Sơn (Điện Tiến), đặc biệt là các hộ bị giải tỏa trắng tại 2 thôn Kỳ Long và Kỳ Lam phục vụ thi công gói thầu 3A (Km16+880 - Km18+100). Đến tháng 11.2013, Điện Bàn tiếp tục GPMB đối với những hộ bị ảnh hưởng nhà ở, đất ở còn lại tại 3 xã này để phục vụ thi công gói thầu 3B và gói thầu số 2.
Thế nhưng hiện việc triển khai lộ trình trên đang gặp nhiều khó khăn. Bởi qua các cuộc họp dân công bố suất TĐC, nhiều người dân cho rằng, đền bù đất ở thấp, không phù hợp với thực tế. Họ chủ yếu làm nông nghiệp, cần có diện tích bố trí sân phơi, chuồng trại song lô đất TĐC chỉ có 200m2 là quá nhỏ... Cạnh đó, phần lớn nhân dân khu vực bị ảnh hưởng tại Điện Quang không muốn vào khu TĐC, mà mong tự lo TĐC gắn liền với xóm, thôn, tộc họ. Nhưng trường hợp hộ có diện tích đất ở thu hồi lớn, đông nhân khẩu khi xét TĐC theo Quyết định 23/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh được cấp 2 lô, 3 lô; còn nếu tự lo TĐC thì chỉ được hỗ trợ 1 suất đầu tư là chưa thỏa đáng. “Theo Thông báo 115/TB-UBND ngày 1.4.2013 của UBND tỉnh, nếu diện tích đất ở của các hộ sau thu hồi còn lại nhỏ hơn 100m2 (khu vực nông thôn) thì được xem xét bố trí TĐC. Trên thực tế, nhiều hộ bị thu hồi một phần, diện tích còn lại hơn 100m2 nhưng lại không có lối đi vào nhà hoặc ở vị trí cống chui, nằm nơi thoát nước lũ sẽ rất nguy hiểm. UBND tỉnh xem xét bố trí TĐC cho họ để ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Văn Sáu kiến nghị.
Tương tự như Điện Bàn, Núi Thành cũng đề nghị sớm ban hành quyết định phê duyệt đơn giá thay thế nhằm đảm bảo thực hiện dự án đúng kế hoạch. Chủ đầu tư bố trí nguồn vốn (khoảng 15 tỷ đồng) kịp thời để huyện tiếp tục thực hiện điểm TĐC Tam Xuân 1, khu cải táng mồ mả thuộc các xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Nghĩa. Còn tại TP.Tam Kỳ, ông Trần Đình Đức đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sớm cung cấp cho thành phố hồ sơ thiết kế suối chỉnh dòng; triển khai mốc giới tại vị trí cầu vượt và điểm dừng chân để địa phương lập quản lý hiện trạng, tránh phát sinh trường hợp người dân cơi nới, đồng thời triển khai GPMB trong thời gian sớm nhất.
CÔNG TÚ