Một lần nữa câu chuyện thiếu giáo viên ở miền núi được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13. Nhiều giải pháp được đề cập, song sẽ rất khó khả thi để khắc phục tình trạng này nếu chỉ mỗi nỗ lực của địa phương mà thiếu một cơ chế, chính sách từ Trung ương.
Càng tuyển, càng thiếu
Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức tuyển dụng viên chức để bổ sung giáo viên (GV) cho các địa phương.
Tuy nhiên, số viên chức GV tuyển dụng được còn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt đối với GV mầm non, tiểu học và GV một số bộ môn như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.
Tính đến đầu năm học 2023 - 2024, đội ngũ GV các cấp học của 9 huyện miền núi hiện có tổng cộng 5.060 người; thiếu 873 GV, trong đó 363 mầm non, 277 tiểu học, 156 THCS và 77 THPT.
Địa phương thiếu nhiều nhất là Nam Trà My với 257 GV (88 mầm non, 103 tiểu học, 51 THCS); Bắc Trà My: 126 (74, 18, 19); Phước Sơn: 126 (70, 18, 26); Đông Giang: 92 (54, 18, 10).
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, UBND tỉnh cho rằng, Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu về trình độ đào tạo đối với GV cao hơn so với trước đây (trình độ cao đẳng đối với GV mầm non; đại học đối với GV tiểu học, THCS) nên nhiều thí sinh đã tốt nghiệp trước đây không đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo và điều kiện dự tuyển. Bên cạnh đó, các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nên chưa thu hút được GV công tác.
Trong các kỳ tuyển dụng từ năm 2020 đến năm 2022, số đăng ký dự tuyển GV mầm non và tiểu học thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều. Năm 2020, mầm non còn 90 chỉ tiêu, tiểu học còn 433 chỉ tiêu không tuyển dụng được thì đến năm 2022 mầm non còn 188 chỉ tiêu, tiểu học 477 chỉ tiêu không tuyển dụng được.
Ngay cả nhiều GV được tuyển dụng và phân công công tác đến các huyện miền núi, xa gia đình trong khi thiếu nhà ở công vụ, giao thông không thuận lợi, gặp khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, mức lương thấp… nên xin thôi việc hoặc có nguyện vọng chuyển công tác về đồng bằng.
Không dễ giải quyết
Thật ra câu chuyện thiếu GV không chỉ xảy ra ở Quảng Nam. Tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cả nước thiếu hơn 118 nghìn GV, nhiều nhất là các cấp học mầm non, phổ thông công lập.
Để từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu GV, còn biên chế được tuyển dụng GV mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005; đồng thời sớm nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng GV và hỗ trợ, tạo điều kiện để GV yên tâm công tác, nhất là chính sách đột phá thu hút GV đến công tác ở những địa bàn khó khăn.
Đối với Quảng Nam, để giải quyết tình trạng thiếu GV, năm 2022 huyện Nam Trà My xin chủ trương của UBND tỉnh cho địa phương chủ động tổ chức tuyển dụng. Tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện khi chỉ tiêu tuyển dụng 262, song trúng tuyển chỉ 97 và sau đó một số không nhận công tác vì trúng tuyển nơi khác hoặc điều kiện đi lại xa xôi.
Đã có một số đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết câu chuyện thiếu đội ngũ GV miền núi, như ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài.
Còn theo bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT Phước Sơn, để giữ chân GV ở miền núi, tỉnh nên có cơ chế đặc biệt, chẳng hạn sau thời gian công tác tốt có thể xét tuyển vào biên chế chứ chính sách hỗ trợ vài triệu đồng cũng không thu hút được. Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu nêu lên tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây là xây dựng đội ngũ GV người địa phương...
Tuy nhiên, sẽ rất khó khả thi để khắc phục tình trạng thiếu GV ở miền núi nếu chỉ mỗi nỗ lực từ địa phương mà thiếu một cơ chế, chính sách của Trung ương. Đó là chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác; đồng thời, bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế viên chức ngành GD-ĐT theo từng vùng, miền phù hợp với điều kiện đặc thù của các huyện miền núi, trong đó có Quảng Nam.