Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vào sáng qua 20.7, Quảng Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét xử lý hồ sơ tồn đọng đề nghị giải quyết chế độ người có công (NCC) đối với một số trường hợp.
Vẫn còn hồ sơ tồn đọng
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20.3.2017 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, Sở LĐ-TB&XH đã rà soát, tiếp nhận 27 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Kết quả, có 12 trường hợp đã được tặng Bằng Tổ quốc ghi công; 6 trường hợp đã trình Bộ LĐ-TB&XH đang chờ giải quyết; 6 trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ nộp sau thời điểm rà soát và đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ xin ý kiến; 3 trường hợp không đủ điều kiện giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, đã trả hồ sơ về địa phương.
Về rà soát những trường hợp hy sinh chưa được xác nhận liệt sĩ (diện tồn sót), tổng số kê khai là 1.170 trường hợp, trong đó 104 trường hợp mất tin, mất tích. Còn lại 1.066 trường hợp thuộc diện tồn sót, chưa kê khai. Trong số này, có 116 trường hợp đã xác lập hồ sơ, có giấy xác nhận của nhân chứng, đã được UBND cấp xã xác nhận (Hội đồng xác nhận NCC cấp xã chưa họp xét hoặc đã họp xét nhưng chưa có Giấy báo tử của cấp có thẩm quyền hoặc đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy báo tử).
Và 950 trường hợp chưa có căn cứ xác lập hồ sơ (ghi nhận trong các nhà bia ghi tên liệt sĩ, bia chiến tích hoặc bia tưởng niệm, hoặc được thể hiện trong kỷ yếu của cơ quan, đơn vị hay trong hồi ký của các đồng chí lãnh đạo và gia đình mới kê khai thông tin họ tên, địa chỉ, nơi hy sinh), thì chưa có cơ sở pháp lý theo quy định hiện hành, nên tỉnh đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về cơ chế để xác lập hồ sơ giải quyết.
Đặc biệt, Quảng Nam có 6 trường hợp gồm hồ sơ của ông Nguyễn Đăng Thiểm, Lê Phước Hiền, Nguyễn Đãi, Phan Ngọc Lượng, Nguyễn Hiển, Lê Mẫn, Đỗ Phú Đức đề nghị công nhận liệt sĩ, bổ sung nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Trong cuộc làm việc với Bộ LĐ-TB&XH, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định tỉnh đã rất cố gắng trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, nhưng vì vướng các quy định nên vẫn còn một số trường hợp khiến người dân có ý kiến. Như trường hợp ông Nguyễn Đăng Thiểm, trong quá trình thực hiện thủ tục, chính quyền xã đã làm mất bản gốc hồ sơ, nhưng vẫn còn hồ sơ xét duyệt ban đầu là bản photo công chứng nên đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét. Một số trường hợp khác khi đã hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận liệt sĩ nhưng thiếu một số giấy tờ hoặc thiếu 1 nhân chứng thì tỉnh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét nghiên cứu vì thực tế họ hy sinh khi đang chiến đấu.
Giải quyết khi đủ điều kiện
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định nguyên tắc xét duyệt phải lấy tiêu chuẩn điều kiện được công nhận là gốc, còn những vấn đề hồ sơ, thủ tục, quy trình có thể linh hoạt được. Về từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời ngay tại cuộc làm việc. Trường hợp ông Nguyễn Đăng Thiểm, đồng ý cho làm hồ sơ và trình Thủ tướng ngay trong dịp 27.7 này. Đối với hồ sơ của các ông Lê Phước Hiền, Nguyễn Đãi, đồng ý giải quyết theo hướng tổ chức một hội nghị mời các đồng chí lão thành cách mạng ở địa phương, xem trường hợp này có gì vướng mắc không, nếu các đồng chí lão thành đồng ý thì xem như đó là nhân chứng thứ 2 để bổ sung hồ sơ xét duyệt ngay.
Đối với hồ sơ của ông Nguyễn Hiển, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xác minh, lấy tư liệu nhà tù để thẩm định hồ sơ. Trường hợp ông Lê Mẫn cần tiến hành họp dân cư ở thôn, xã nơi ông sinh sống và cuộc họp lão thành cách mạng, cả hai cuộc họp mà tán thành thì cho phép vận dụng xét duyệt hồ sơ. Trường hợp ông Đỗ Phú Đức phải tìm ra người làm nhân chứng bổ sung thì mới xem xét được. Riêng trường hợp ông Phan Ngọc Lượng thì chính Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thấy rất phân vân, cần có văn bản báo cáo với Chính phủ, bởi trường hợp này vượt khỏi tầm quyết định của Bộ trưởng.