Những người tham gia dân công hỏa tuyến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nay người còn người mất. Chế độ dành cho họ đang được giải quyết, nhưng nếu không làm nhanh, e rằng nhiều người chưa kịp nhận chế độ ưu đãi của Nhà nước thì đã về với đất.
Cụ ông Phạm Hồng kể lại thời tham gia dân công hỏa tuyến. Ảnh: D.L |
Hết thời gian để… chờ
Năm nay đã 99 tuổi, nhìn chẳng còn thấy, nghe chẳng còn rõ, cụ ông Phạm Hồng (ở khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) sống cảnh cuối đời hết sức khó khăn. Nhà chỉ có hai vợ chồng già nương tựa nhau mà sống. Ngày bà mạnh khỏe còn có thể đi hái cọng rau, chặt buồng chuối trong vườn nhà bán kiếm tiền đong gạo. Giờ bà đau nằm viện, chỉ còn mình ông nằm chỏng chơ trên cái ghế dài trong căn nhà nhỏ. Có người đến thăm, ghé sát tai nói như hét, ông mới nghe và ngồi dậy.
Ông Hồng không biết ai đến nhà cả, nhưng chỉ cần nghe được 4 từ “dân công hỏa tuyến” thì ký ức trong ông lại ùa về. Rồi ông say sưa kể, rằng hồi đó tháng Chạp năm 1944, nghe lệnh động viên, ông cùng rất nhiều thanh niên của xã Tam Phú và các vùng lân cận lên đường đi dân công hỏa tuyến, tiếp tế gạo, lương thực, đạn cho bộ đội ở chiến trường Măng Đen (Kon Tum). “Hồi đó đi đâu có đường lộ lớn như chừ, đi ngoài lộ sợ máy bay, nên phải đi đường tắt, đi trong xóm trong làng, rồi ngược vô núi, men theo triền núi, phát đường mà đi. Có một đồng chí hướng dẫn đi trước, tay cầm con rựa, đi đông lắm nên người hướng dẫn đi qua chặt lá để lại trên đường, cứ theo dấu vết đó mà đi. Cứ núi mà leo lên, hai vai gánh đôi giỏ đựng gạo, lương khô. Có mấy người cực quá chịu không nổi, đành quay ngược trở về. Cũng có người đi lạc trong rừng” - ông Hồng hồi tưởng. Rồi ông tiếp rằng lúc đánh trận Măng Đen, phía địch đang ăn tất niên, quân ta tấn công bất ngờ. Khi bộ đội chủ lực đánh thắng trận, dân công hỏa tuyến lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, khiêng thương. Ông Hồng chỉ nhớ lúc đó ông cùng nhiều người đi từ tháng Chạp năm 1944, rồi qua năm 1945 mới về, không nhớ chính xác là đi bao nhiêu ngày tháng; đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, không có giấy tờ gì lận lưng, rồi về cũng không có gì để làm bằng, chỉ còn ký ức tuổi già, nhớ được gì thì nhớ. “Ở tuổi ni rồi, nghe nói được giải quyết chế độ cũng là chút an ủi. Chỉ mong được giải quyết sớm chứ tôi hết thời gian để chờ rồi” - ông Hồng nói.
Lần theo danh sách những người làm hồ sơ giải quyết chế độ, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Xuân Tiến (ở khối phố Phú Phong, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) gặp người con trai của ông là Trần Văn Anh. Ông Tiến đã mất từ năm 2014, giờ nghe có chính sách dành cho người tham gia dân công hỏa tuyến, những người con của ông dựa trên những gì được nghe ông kể lại, đã làm hồ sơ giải quyết chế độ cho cha mình. Ông Anh cho biết: “Nghe trên khối phố hướng dẫn sao làm vậy, cha tôi kể lại sao thì khai y như vậy. Hồi còn sống, cha tôi hay kể thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở trên Kon Tum, đi không lâu, làm nhiệm vụ tải đạn pháo, lương thực, tải thương phục vụ chiến trường. Có mấy bác sống cùng thời với cha tôi làm chứng nữa, chứ giấy tờ để chứng minh thì chẳng có gì cả”.
Chỉ cần có nhân chứng
Đầu năm 2016, chính sách dành cho dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố. Các đợt tập huấn, tuyên truyền, phổ biến văn bản được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện. Khi đưa chính sách đến cơ sở, lúc này mới vỡ ra một loạt cái khó. Đầu tiên là ở những người từng tham gia dân công hỏa tuyến. Nhiều người đã mất, người còn thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ kém, chỉ nhớ là có đi dân công hỏa tuyến, nhưng đi ở đâu và thời gian bao lâu thì không thể nhớ được. Thứ hai, con cháu có khai hồ sơ cho người thân đã mất thì cũng chỉ là nghe kể lại, không có giấy tờ gì minh chứng cho việc đã từng tham gia dân công hỏa tuyến. Tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ) sau khi triển khai đến từng khối phố, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ tháng 5.2016 và xét duyệt tại Hội đồng chính sách phường. Theo ông Hoàng Văn Nga - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường An Phú, Hội đồng chính sách toàn những người trẻ, không dám xét duyệt hay ký vào hồ sơ chứng thực đối tượng có tham gia dân công hỏa tuyến hay không. Thế là phải xin ý kiến cấp trên. Cấp trên có văn bản tháo gỡ, tiếp tục thành lập tổ tư vấn gồm những người lớn tuổi có biết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biết về nhiệm vụ động viên thanh niên tham gia dân công hỏa tuyến để làm chứng. Phường An Phú tìm được 3 người là cán bộ lão thành, người có tham gia cách mạng vào tổ tư vấn. Nhờ vậy, cùng với lời khai của người tham gia dân công hỏa tuyến và thân nhân, đến nay An Phú đã xác lập 76 hồ sơ gửi lên tỉnh.
Nhiều người cho rằng, việc giải quyết chế độ dân công hỏa tuyến cần phải thực hiện nhanh, bởi những người còn sống đã tuổi cao sức yếu, không thể chờ đợi lâu. Theo Đại úy Nguyễn Thanh Tâm - Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tam Kỳ, việc giải quyết chế độ chậm do các trường hợp không có giấy tờ, thiếu nhân chứng nên khó thẩm định hồ sơ. Vì thế quán triệt quan điểm của cấp trên, ngoài lời kể của người tham gia dân công hỏa tuyến hoặc thân nhân, chỉ cần có nhân chứng là sẽ củng cố hồ sơ để đề nghị lên trên giải quyết chế độ. TP.Tam Kỳ có 143 hồ sơ được đưa lên tỉnh, đã thẩm định 136 hồ sơ chuyển đến Quân khu 5 (còn 7 hồ sơ chưa đúng nên phải trả để bổ sung), trong đó có 45 trường hợp còn sống, tuổi đều đã hơn 80 nên không còn nhớ được gì nhiều. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, đến thời điểm này có hơn 2.400 hồ sơ đã được gửi đến Quân khu 5 để thẩm định trước khi trình Bộ Quốc phòng. Khó khăn chung của toàn tỉnh không khác của Tam Kỳ, vì thế mà việc giải quyết chính sách diễn ra chậm. Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, một số địa phương thậm chí còn chưa có hồ sơ nào gửi lên tỉnh.
Một số nội dung của Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg Ngày 14.10.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Theo đó, đối tượng được áp dụng chính sách trên là người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, trong thời gian và địa bàn như sau: dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9.1945 đến ngày 20.7.1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20.7.1954 đến ngày 30.4.1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia. Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5.1975 đến ngày 7.1.1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2.1979 đến tháng 12.1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5.1975 đến ngày 31.12.1988, ở Campuchia từ tháng 1.1979 đến ngày 31.8.1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu. Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của dân công hỏa tuyến có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Nếu các đối tượng trên thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được áp dụng chính sách: Một, đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hằng tháng hoặc đang công tác trong cơ quan nhà nước, làm việc trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hai, đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp. Ba, đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân; hoặc người bị kết án về một trong những tội về xâm phạm đến an ninh quốc gia. Bốn, xuất cảnh trái phép, đang định cư ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc bị tòa án tuyên bố là mất tích; hoặc thoái thác nhiệm vụ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi. Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 49 quy định, mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn). Cụ thể: dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2 triệu đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2,7 triệu đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3,5 triệu đồng. Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên: vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp. Người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) thì được hưởng chế độ BHYT tương tự như đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Người tham gia dân công hỏa tuyến được cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. |
LÊ DIỄM