Giải quyết chuyện "giải cứu"

ĐĂNG QUANG 11/03/2019 02:36

Đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực.

Nóng bỏng là tình hình dịch tả diễn biến phức tạp đã lan ra 12 tỉnh thành, làm cho giá thịt heo rớt xuống. Đừng nói là ký thịt giảm giá mấy ngàn đồng không ăn thua, vì chỉ tính rợ với 2,5 triệu nông hộ và 10 nghìn trang trại chăn nuôi heo, cung cấp mỗi năm khoảng 30 triệu con heo, chiếm 70% sản lượng thịt, sẽ thấy số tiền rất lớn. Cho nên Thủ tướng Chính phủ nói tinh thần chống dịch như chống giặc là vì dự báo dịch tả gây ảnh hưởng rất xấu đến thị trường thịt heo. Cho nên dù từ ngữ đã sáo mòn nhưng không có cách nào khác là phải kêu gọi “giải cứu”, vừa quyết liệt khoanh vùng dập dịch để giải cứu ngành chăn nuôi, vừa kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo (không mắc bệnh). 

Trong khi chăn nuôi bị như vậy thì trồng trọt cũng đau đầu với một số sản phẩm chủ lực. Đầu tiên là lúa gạo. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,2 tỷ USD, tăng 6% về lượng và 20% về giá trị so với năm trước. Tuy nhiên bước qua những tháng đầu năm 2019, giá gạo sụt giảm mạnh. Đặc biệt giá chào xuất khẩu gạo từ mức hơn 400 USD giảm xuống 340 USD/tấn. Chính phủ cũng đã phải mua gạo cho dân để dự trữ và “giải cứu” giá lúa.

Một mặt hàng chủ lực khác cũng rơi vào vòng xoáy tụt giá là cà phê. Tờ Dân Việt đưa tin giá cà phê nhân xô hiện chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Bài toán đặt ra là nếu 1ha thu được sản lượng 5 tấn mà bán với giá như hiện tại sau khi trừ chi phí đầu tư cho vụ tới thì chỉ còn được 10 triệu đồng. Đó là chưa kể nếu sản lượng giảm trong khi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cán… tăng cao chắc chắn sẽ dẫn đến thua lỗ. Đã xuất hiện tình trạng chặt bỏ cà phê ở một số vùng đạt sản lượng thấp và bị khô hạn nặng.

Tình trạng loay hoay tìm đầu ra như vậy với các loại cây trồng, con vật nuôi khác cũng dễ gặp bí bách nếu mất cân đối cung cầu, dịch bệnh đe dọa, hoặc bị áp thuế “chống bán phá giá”. Như dưa hấu, hoa kiểng, thanh long, thịt gà, cá tra… chừng lâu lâu lại kêu gọi “giải cứu”. Sẽ là thách thức lớn với các tín hiệu xấu của thị trường, trong khi đó ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản thực phẩm năm nay đạt kim ngạch 43 tỷ USD (vượt hơn 2018 khoảng 2,5 tỷ USD).

Việc “giải cứu nông sản” là chuyện cần phải giải quyết căn cơ từ tư duy phát triển nông nghiệp. Nhiều chuyên gia đã hiến kế là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường hàng hóa, với chuỗi giá trị, sạch hơn và an toàn. Xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, đang là chủ đạo trong phát triển nông nghiệp trên thế giới. Cần phải coi nông nghiệp là một trụ cột của nền kinh tế phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp “sẽ đồng thời giải quyết ba bài toán khó: an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh môi trường” (Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia Năng lượng và Môi trường).

Giải quyết chuyện giải cứu là phải xóa bỏ nghịch lý “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” với hệ thống thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản và đa dạng hóa thị trường. Đồng thời cần có nhiều chính sách tốt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho “tam nông”. Nếu cứ để tình trạng chăn nuôi trồng trọt manh mún, phân tán theo mô hình nông hộ nhỏ lẻ mà không có doanh nghiệp dẫn dắt cả chuỗi giá trị chắc chắn sẽ khó thành công. Kinh nghiệm từ việc tìm đường xuất khẩu cho vải thiều, hay mía tím gần đây cũng cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong hợp tác bao tiêu sản phẩm và chế biến rồi xuất cảng.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết chuyện "giải cứu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO