Giải quyết đầu ra cho cây sắn

NGUYỄN DƯƠNG 25/12/2013 13:48

Để giảm thiểu rủi ro, ổn định thu nhập cho người trồng sắn, Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn vừa được thành lập với mục tiêu tạo thị trường ổn định và giải quyết đầu ra cho cây sắn địa phương.

Với sự ra đời của Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn, cây sắn của xã Bình Lâm và vùng lân cận sẽ có đầu ra ổn định.
Với sự ra đời của Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn, cây sắn của xã Bình Lâm và vùng lân cận sẽ có đầu ra ổn định.

Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn đóng tại thôn Ngọc Sơn (xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức). Hiện xã Bình Lâm có 164 hộ, đa số người dân sống bằng nghề nông mà chủ yếu là trồng sắn. “Trước đây, bà con trồng sắn nơi đây phải phụ thuộc vào các nhà máy, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều năm người dân thu hoạch sắn với năng suất rất cao nhưng lại bị “ngâm”, không tiêu thụ được khiến sắn giảm chất lượng tinh bột, tư thương cũng vin vào đó mà ép giá. Từ bối cảnh đó, chúng tôi quyết định thành lập tổ hợp tác (THT) để có thể đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân” - ông Nguyễn Đức Anh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn cho biết.

Sau khi được dự án “Phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép giới ở Campuchia, Đông Timor và Việt Nam” tại Quảng Nam tổ chức dạy nghề trồng sắn, các học viên của lớp đã hình thành ý tưởng và tiến hành thành lập THT. Với tổng số vốn hoạt động hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó có 200 triệu đồng là vốn điều lệ do các thành viên trong THT đóng góp, THT sẽ tiến hành tổ chức thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cây sắn hiện có tại địa phương và mở rộng ra các vùng lân cận. Nhiều nông dân địa phương rất phấn khởi khi Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn ra đời. Ông Trần Văn Mãi (thôn Ngọc Sơn) hồ hởi: “Trước đây chúng tôi thường bị tư thương ép giá. Họ cứ để cho cây sắn lâu ngày, không chịu thu mua rồi ép giá xuống thấp. Lúc đó có muốn hay không thì cũng phải bán. Giờ có THT rồi, cứ thu hoạch xong là có người mua liền. Nếu muốn chúng tôi vẫn có thể đưa về nhà, xắt lát, phơi khô để bán được với giá cao hơn”.

Tổ hợp tác chế biến nông sản Ngọc Sơn được xem là THT đầu tiên chuyên kinh doanh dịch vụ nông sản trên địa bàn huyện Hiệp Đức. Theo ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, sự ra đời của THT là một bước đệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng vùng trồng sắn nguyên liệu, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương. “Đây là mô hình có hướng đi mới, rất phù hợp với tình hình sản xuất của địa phương. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để THT tiếp tục duy trì và phát triển. Nếu thành công, THT sẽ tạo được niềm tin cho người dân, từ đó sẽ là tiền đề cho việc xúc tiến thành lập những mô hình THT khác tương tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của những thành viên trong THT Ngọc Sơn. Đồng thời cho rằng hướng đi mà THT lựa chọn rất phù hợp với khả năng, truyền thống và nguyện vọng của nông dân nơi đây. Vì vậy, THT cần hoạt động tích cực để mở rộng, phát triển bền vững; phải duy trì tốt với các mối quan hệ tại các đầu mối tiêu thụ, luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ cho nông dân trồng sắn… Cũng theo ông Tài, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên minh HTX tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ để THT có thể phát triển, sớm vươn lên thành một HTX trong nay mai theo đúng nghĩa của nó cả về hình thức lẫn hiệu quả đạt được trong kinh doanh. Trước mắt Liên minh HTX tỉnh cho THT vay vốn ban đầu 400 triệu đồng để kinh doanh.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết đầu ra cho cây sắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO