(QNO) - Sáng 31.5 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: United Nations |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp quan trọng với người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ (1977-2017). Phát biểu tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của Tổng Thư ký Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Peter Thompson và các đại sứ, trưởng đại diện phái đoàn các nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với LHQ. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ tăng cường quy mô tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, nỗ lực đưa sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ tại Việt Nam lên một giai đoạn phát triển mới.
Việt Nam coi quan hệ với LHQ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Hai bên nhất trí, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, LHQ cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới. Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Việt Nam thông báo cho Tổng Thư ký về các diễn biến gần đây ở biển Đông và đề nghị Tổng Thư ký ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nhà lãnh đạo LHQ ghi nhận và nhấn mạnh vai trò của ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trước đó, hội nghị thượng đỉnh 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Taormina, đảo Sicilia của Italia vào ngày 26-27.5 mới đây với sự tham dự của nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản, G7 bày tỏ lo ngại về diễn biến tại biển Đông và biển Hoa Đông. Bản thông cáo chung của G7 nhấn mạnh đến các nguyên tắc quốc tế cũng như Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS. Khác với tuyên bố tại Ise-Shima, Nhật Bản vào năm 2016, lần này G7 “kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng và kêu gọi phi quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp”. Tuyên bố G7 khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao và pháp lý, kể cả biện pháp phân xử bằng trọng tài.
QUỐC HƯNG (Tổng hợp)